Một điểm xét nghiệm COVID-19 trên đường Khao San ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 12/10/2020.
Theo hãng tin AFP, tính riêng trong ngày 27/10, toàn thế giới ghi nhận thêm 516.898 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, và 7.723 ca tử vong. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 232.147 ca tử vong trong tổng số 9.042.969 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 120.103 ca tử vong trong số 7.999.755 ca nhiễm. Brazil đứng thứ 3 với 157.981 ca tử vong trong số 5.440.903 ca nhiễm.
Tại khu vực châu Á, nội các Thái Lan ngày 28/10 đã nhất trí gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đến hết tháng 11 ngằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc được ban bố từ tháng 3 và đây là lần thứ 7 sắc lệnh này được gia hạn. Hiện Thái Lan ghi nhận 3.759 ca nhiễm, hầu hết là các ca nhập cảnh. Số ca tử vong là 59 ca.
Tại Hàn Quốc, do lo ngại dịch COVID-19 có thể lây lan mạnh trở lại trong dịp lễ Halloween sắp tới, chính quyền thành phố Seoul bắt đầu tiến hành rà soát đặc biệt 153 cơ sở giải trí, như vũ trường, trên địa bàn thành phố từ ngày 28/10-3/11. Hầu hết câu lạc bộ đêm nổi tiếng ở các quận Itaewon, Hongdae và Gangnam của thủ đô Seoul đã dán thông báo đóng cửa vào cuối tuần này. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) cho biết nước này ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 26.146, trong đó 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ca nhiễm trong cộng đồng tập trung chủ yếu ở khu vực Seoul và vùng phụ cận, trong khi các ổ dịch quy mô nhỏ vẫn phát sinh rải rác ở các địa phương trên cả nước.
Trong khi đó, một số khu vực khác ở châu Á khác đã nới lỏng các biện pháp hạn chế. Bộ Y tế Singapore thông báo chính phủ nước này sẽ cho phép thêm một số khách du lịch lựa chọn không cách ly ở các địa điểm tập trung mà có thể thực hiện cách ly tại một địa điểm lưu trú phù hợp nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định.
Indonesia đã công bố hệ thống đăng ký thị thực (visa) trực tuyến cho khách du lịch nước ngoài trong mùa dịch nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp. Theo đó, khách du lịch sẽ chỉ cần nộp đơn xin cấp visa và điền thông tin cần thiết trên trang web www.visa-online.imigrasi.go.id và đợi phản hồi qua email. Bộ Luật pháp và Nhân quyền Indonesia khẳng định hệ thống mới rất quan trọng, chuẩn bị cho tiến trình mở cửa cho khách du lịch nước ngoài đến Indonesia trong thời gian tới. Quy trình đăng ký visa mới này được cho là "nhanh hơn, đơn giản hơn và minh bạch hơn”, phù hợp với chính sách của chính phủ về khôi phục kinh tế thông qua đầu tư và phát triển du lịch giai đoạn hậu COVID-19.
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết từ tháng 11 tới, người dân của đặc khu này trở về từ Trung Quốc đại lục được miễn cách ly 14 ngày. Ngoài ra, sau khi cân nhắc nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và tình hình kinh tế, chính quyền đặc khu đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Theo đó, các nhà hàng sẽ được mở cửa đến 1h59 sáng, số lượng thực khách tại mỗi bàn được tăng 4-6 người, khách mỗi bàn ở các quán bar/pub nâng lên tối đa 4 người. Các hoạt động biểu diễn văn nghệ và khiêu vũ cũng được phép tổ chức tại các nhà hàng với các quy định phòng chống lây nhiễm. Công viên, bể bơi được tăng số lượng khách lên đến 75% sức chứa của cơ sở.
Trong khi đó, tại điểm nóng dịch bệnh châu Âu, nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới theo ngày tăng vọt. Trong 24 giờ qua, Anh đã ghi nhận thêm 367 ca tử vong, con số cao nhất trong một ngày tại nước này kể từ tháng 5 vừa qua, nâng tổng số ca tử vong lên 45.365 ca. Anh cũng có thêm 22.885 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 917.575 người.
Nga ghi nhận thêm 16.202 ca nhiễm mới và 346 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong do COVID-19 cao nhất nước này trong vòng một ngày. Tính đến nay, Nga có tổng cộng 1.563.976 ca mắc, trong đó có 26.935 ca tử vong, trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Thủ đô Moskva của Nga quyết định gia hạn quy định làm việc tại nhà đối với các doanh nghiệp đến ngày 29/11 tới và các trường trung học cũng tiếp tục triển khai hình thức học trực tuyến đến ngày 8/11.
Tương tự, Ukraine thông báo có thêm 165 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong do COVID-19 tính theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 6.755 ca trong tổng số 363.075 ca mắc COVID-19. Trong khi đó, Séc ghi nhận thêm 15.663 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, số ca nhiễm trong ngày cao nhất, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 284.033 ca trong đó có 2.547 ca tử vong. Séc là một trong số những nước có tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhanh nhất ở châu Âu.
Ba Lan thông báo số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 18.820 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 299.049 ca, trong đó có 4.849 ca tử vong (thêm 236 ca tử vong mới). Còn Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay, với 267 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 35.298 ca trong tổng số 1.116.738 ca nhiễm (trong đó có 18.418 ca nhiễm mới).
Ngoài ra, Bỉ, Hungary, Thụy Điển cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong mới. Bên cạnh đó, nhiều quan chức ở các nước cũng đã mắc bệnh hoặc phải cách ly do tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải ứng phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn thông qua các chính sách về xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, bào chế vaccine và cách ly.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đề xuất một loạt biện pháp mới trong nỗ lực ứng phó với đại dịch. EC cho rằng chính phủ các nước thành viên EU cần phối hợp trong việc triển khai các chiến lược xét nghiệm, cũng như tận dụng các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên, cho dù nguồn cung toàn cầu cho các bộ kit xét nghiệm đang được siết chặt. EC cũng cảnh báo cần sớm có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lực xét nghiệm. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết Brussels đã quyết định dành 100 triệu euro (118 triệu USD) để mua các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, nhấn mạnh đây là công cụ quan trọng trong nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Về vấn đề vaccine, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) ngày cho biết LB Nga đã nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xin cấp phép trước đối với vaccine Sputnik V của nước này. Nếu được WHO cấp phép trước, vaccine Sputnik V của Nga sẽ được đưa vào danh sách dược phẩm được các cơ quan quản lý thu mua trên thế giới và các chính phủ sử dụng để hướng dẫn mua với số lượng lớn.