Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ 2020, ông Joe Biden được cho là đang xúc tiến soạn thảo một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược những chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Ông Joe Biden phát biểu về kế hoạch chống dịch COVID-19 tại Wilmington, Delaware. Ảnh: Getty Images
Theo một báo cáo của tờ Washington Post, ông Biden đã lên kế hoạch hành động lập tức về các chính sách đối lập với người tiền nhiệm Donald Trump liên quan đến biến đổi khí hậu, nhập cư và sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh nước Mỹ tiếp tục vật lộn với tình trạng các ca lây nhiễm bệnh COVID-19 lập những kỷ lục mới sau mỗi ngày, ông Biden có kế hoạch nhanh chóng đảo ngược quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một sắc lệnh hành pháp sẽ cho phép Mỹ hợp tác và phối hợp mạnh mẽ hơn với các đối tác quốc tế nhằm ngăn chặn đại dịch, cũng như tham gia xem xét về nghi vấn Trung Quốc gây ảnh hưởng tới WHO.
Cuộc chiến chống đại dịch được dự báo sẽ là ưu tiên số một của ông Joe Biden. Người giành được hơn 270 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử năm 2020 này hiện đã thành lập lực lượng đặc nhiệm chống đại dịch, dẫn đầu là cựu Tổng Y sĩ Vivek Murthy; cựu ủy viên ban lãnh đạo Cơ quan Dược phẩm – Thực phẩm Mỹ David Kessler và Tiến sĩ Marcella Nunez-Smith – Giáo sư dịch tễ học và y học tại trường Đại học Yale. Theo kế hoạch, nhóm lãnh đạo sẽ nhóm họp trong ngày 9/11 (theo giờ địa phương).
Ông Biden cũng lên kế hoạch lập tức quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tìm cách gây sức ép để các quốc gia khác giảm lượng khí phát thải. Đây cũng là cam kết được đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo đã hoan nghênh một sắc lệnh của ông Biden về vấn đề này qua dòng trạng thái đăng trên Twitter ngày 8/11: "Chào mừng nước Mỹ trở lại!”.
Về vấn đề nhập cư, ông Biden được cho là sẽ bãi bỏ lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ với người dân từ nhiều quốc gia Hồi giáo, và khôi phục chương trình "Dreamers”, cho phép con cái của những người nhập cư không có giấy tờ được ở lại nước Mỹ.
Joe Biden cũng đang lên kế hoạch khôi phục hàng chục quy định liên quan đến môi trường và kinh doanh mà ông Trump đã xóa bỏ. Ông đã vận hành nền tảng "trở lại bình thường” với nước Mỹ và "bình thường” ở đây đồng nghĩa với hủy bỏ những chương trình dưới thời người tiền nhiệm, bên cạnh việc tái xây dựng lòng tin vào các thể chế của Mỹ.
Những sắc lệnh hành pháp được đưa ra sớm nhất của ông Biden được cho là sẽ hiện thực hóa những cam kết ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Joe Biden từng hứa sẽ bãi bỏ lệnh cấm quân nhân chuyển giới trong quân đội ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống.
Các nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBTQ hy vọng ông sẽ thực hiện lời hứa hủy bỏ tất cả các chính sách chống chuyển giới mà chính quyền ông Trump đã đưa ra trong 4 năm qua.
Trong bài diễn văn chiến thắng của ông Biden vào đêm 7/11 (giờ địa phương), nhiều nhà hoạt động nhận thấy ông đã đề cập cụ thể đến những người chuyển giới, và đây là lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra trong bài phát biểu chiến thắng của một ứng cử viên tổng thống Mỹ.
Tuy vậy, trong bối cảnh đảng Dân chủ không nắm quyền kiểm soát tại Thượng viện, ông Joe Biden sẽ phải thực hiện kế hoạch đảo ngược chính sách cũ thông qua các sắc lệnh hành pháp thay vì luật.
Các sắc lệnh hành pháp sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp đảng Dân chủ không thực hiện thành công "làn sóng xanh” – chiến thắng và giành quyền kiểm soát ở cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội.
Hiện tại, đảng Cộng hòa vẫn đang giữ ưu thế chiến thắng trong cuộc đua Thượng viện tại bang Alaska và Bắc Carolina, trong khi một chiến thắng tại bang Georgia của phe Dân chủ sẽ trao cho mỗi đảng 50 ghế Thượng nghị sĩ. Lúc này Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ nắm lá phiếu quyết định thế đa số cho đảng Dân chủ tại Thượng viện.
Tuy nhiên, ngay cả khi đảng Dân chủ nắm đa số tại Thượng viện, họ cũng có thể gặp cản trở từ Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, hiện là lãnh đạo phe đa số Thượng viện, người từng làm chệch hướng nhiều sáng kiến thời Tổng thống Obama. Nếu ông McConnell vẫn tiếp tục chiến lược tương tự, ông Biden nhiều khả năng sẽ chứng kiến ít tiến triển với bất cứ chương trình lập pháp nào.
Điều đó có nghĩa là những lời hứa tranh cử như bãi bỏ quyết định cắt giảm thuế của ông Trump vào năm 2017, hay Đạo luật bình đẳng LGBTQ sẽ chưa thể hiện thực hóa, và việc sử dụng các sắc lệnh hành pháp sẽ là con đường hiệu quả và trực tiếp nhất để phe Dân chủ thực hiện một số phần trong chương trình hành động.
Theo Baotintuc.vn
Từ ngày 1/1/2021, sau khi Anh chính thức ra khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU, tất cả các đơn vị xuất khẩu sẽ phải nộp hồ sơ hải quan và an toàn kể cả khi Anh đạt được thỏa thuận với EU.
Ngày 5-11, châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất thế giới. Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng, nhiều nước áp đặt thêm biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất. Còn Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo nguy cơ bùng nổ ca nhiễm cùng tỷ lệ tử vong có thể tăng mạnh.
Từ nhiều tháng nay, các cơ quan tình báo và an ninh bầu cử Mỹ cũng đã cảnh báo về khả năng xảy ra những hoạt động can thiệp nhằm gây hoang mang, nghi ngờ về tiến trình bầu cử dân chủ.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Mỹ, bão Eta tiếp tục "càn quét" các nước Trung Mỹ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tại Guatemala, siêu bão này đã gây lở đất kinh hoàng trên diện rộng, cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 người tại nước này.
Chiều 4/11 (rạng sáng 5/11 theo giờ Việt Nam), ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã có bài diễn văn gửi người hâm mộ, vào thời điểm kết quả kiểm phiếu tại các bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang tới lúc hạ màn.
Dù bỏ phiếu trước hay đúng ngày 3-11 thì phần lớn cử tri Mỹ đều có một điểm chung là đeo khẩu trang, một số người còn dùng tấm che mặt, và thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn khi tham gia cuộc bầu cử năm nay. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành và Mỹ là quốc gia có số người mắc, tử vong do Covid-19 nhiều nhất trên thế giới, hơn 100 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.