Tổng thống Donald Trump sẽ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai đến Tòa án Tối cao, sử dụng đơn kháng cáo khẩn cấp để bảo vệ quyết định sa thải người đứng đầu một cơ quan giám sát đạo đức của chính phủ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: IRNA/TTXVN

Vụ việc xảy ra vào thời điểm Tổng thống Trump đang cố gắng củng cố quyền lực trong chính phủ liên bang, sa thải ngay lập tức các quan chức liên bang có thể thách thức ông và tìm cách đóng băng nguồn tài trợ liên bang mà Quốc hội yêu cầu phải chi tiêu.

Sau đây là thông tin tổng quan về vụ việc và lý do tại sao nó lại quan trọng.

Vụ án "Dellinger kiện Bessent" là gì?

Vụ Dellinger kiện Bessent là một tranh chấp pháp lý quan trọng tại Mỹ, bắt đầu vào ngày 10/2/2025. Nguyên đơn, Hampton Dellinger, người đứng đầu Văn phòng Cố vấn Đặc biệt (OSC), đã đệ đơn kiện sau khi bị chính quyền Tổng thống Donald Trump sa thải. Bị đơn trong vụ án bao gồm Tổng thống Trump và một số quan chức cao cấp khác, như Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.

Ông Hampton Dellinger được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm vào năm 2023 cho nhiệm kỳ 5 năm tại OSC, một cơ quan độc lập chuyên xử lý các cáo buộc trả thù người tố giác. Tuy nhiên, vào ngày 7/2/2025, Giám đốc Văn phòng nhân sự của Tổng thống đã sa thải ông Dellinger trong một email ngắn, không nêu bất kỳ lý do chính đáng nào.

Trong phản ứng pháp lý của mình, ông Dellinger lập luận rằng việc sa thải ông vi phạm luật liên bang, vốn chỉ cho phép Tổng thống bãi nhiệm Cố vấn Đặc biệt vì "làm việc kém hiệu quả, bỏ bê nhiệm vụ hoặc tham nhũng". Ông đã đệ đơn kiện lên Tòa án Quận Columbia, yêu cầu khôi phục chức vụ và ngăn chặn hành động sa thải trái pháp luật này.

Vì sao Tổng thống Trump theo đuổi "cuộc chiến” này?

Sau khi nhận đơn kiện, Thẩm phán Amy Berman Jackson đã ban hành lệnh tạm thời, yêu cầu khôi phục chức vụ cho Dellinger cho đến khi vụ án được giải quyết. Chính quyền Tổng thống Trump đã kháng cáo quyết định này lên Tòa án Tối cao, cho rằng lệnh tạm thời cản trở quyền hạn của Tổng thống trong việc quản lý nhánh hành pháp.

Vụ việc của ông Dellinger có thể có những tác động vượt ra ngoài phạm vi văn phòng của ông vì Tổng thống Trump đã sa thải các viên chức khác tại các cơ quan độc lập có chế độ bảo vệ pháp lý tương tự, bao gồm cựu chủ tịch Hội đồng Quan hệ Lao động Quốc gia và một thành viên của Hội đồng Bảo vệ Hệ thống Công trạng. Và nhiều cơ quan độc lập khác có thể bị ảnh hưởng bởi các quyết định của tòa án tối cao, từ Ủy ban Thương mại Liên bang đến Cục Dự trữ Liên bang.

Quốc hội Mỹ đã cấp cho các hội đồng đó quyền độc lập để họ có thể đưa ra quyết định tách biệt khỏi chính phủ. Ví dụ, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã nhiều lần dựa vào Cục Dự trữ Liên bang để đặt ra mức lãi suất thấp hơn. Hội đồng phần lớn đã phớt lờ ông. Mức lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy giá cổ phiếu và giúp mọi người vay tiền rẻ hơn, thường thúc đẩy sự ủng hộ của tổng thống. Nhưng việc hạ lãi suất cũng có thể thúc đẩy lạm phát cao hơn.

Văn phòng Cố vấn Đặc biệt chuyên điều tra và truy tố các cáo buộc lạm dụng luật công vụ và hoạt động như một thực thể độc lập, nơi các nhân viên liên bang có thể tố cáo hành vi sai trái mà không phải đối mặt với sự trả thù từ các nhà lãnh đạo chính trị của cơ quan họ. Còn Hội đồng Bảo vệ Hệ thống Công trạng có thể xét xử các trường hợp đó nếu phía nhân viên tố cáo và các cơ quan chính phủ không thể tự giải quyết tranh chấp.

Mặc dù không được biết đến bên ngoài chính phủ liên bang, cả hai hội đồng trên đều có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hãm nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm cắt giảm đáng kể quy mô của chính phủ liên bang.

Những người ủng hộ ông Trump lưu ý rằng ông đã tranh cử một phần để thay đổi - và cắt giảm – quy mô chính phủ liên bang. Với tư cách là người đứng đầu nhánh hành pháp, ông Trump đã lập luận rằng ông nên được phép sa thải các quan chức trong chính phủ liên bang theo ý muốn.

"Tòa án này không nên cho phép các tòa án cấp dưới nắm quyền hành pháp bằng cách ra lệnh cho tổng thống phải tiếp tục sử dụng người đứng đầu cơ quan trong bao lâu khi không muốn”, Quyền Tổng chưởng lý Sarah Harris, người đại diện cho chính quyền Tổng thống Trump tại Tòa án Tối cao, đã nói với các thẩm phán trong đơn kháng cáo khẩn cấp của bà vào cuối tuần qua.

Nhưng Tổng thống Trump cũng đang phải lựa chọn bên trong một tranh chấp pháp lý rộng lớn hơn nhiều về việc liệu một tổng thống có nên nắm toàn quyền kiểm soát nhánh hành pháp, hay liệu Quốc hội có thể thành lập các cơ quan liên bang độc lập và bảo vệ họ khỏi áp lực chính trị hay không.

Cuộc chiến đó đã diễn ra trong nhiều thập kỷ và một số thẩm phán bảo thủ tại Tòa án Tối cao đã phát tín hiệu từ nhiều năm qua rằng họ có thể đồng ý với lập trường cơ bản của ông Trump.

Có tiền lệ nào cho việc này không?

Vụ kiện của Dellinger một phần dựa trên án lệ cơ bản vào năm 1935, trong vụ "Người thừa kế của Humphrey kiện chính phủ Mỹ", cho phép Quốc hội yêu cầu tổng thống trình bày lý do trước khi sa thải các thành viên hội đồng giám sát các cơ quan độc lập.

Nhưng những người bảo thủ tại Tòa án Tối cao đã tránh xa quyết định đó trong những năm gần đây, đáng chú ý nhất là trong quyết định năm 2020 liên quan đến Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng. Trong vụ Seila Law kiện CFPB (Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng), tòa án đã phán quyết rằng các biện pháp bảo vệ dành cho người đứng đầu CFPB đã vi phạm các nguyên tắc phân chia quyền lực.

Quyền của tổng thống được "loại bỏ” - và do đó đi kèm là "giám sát" - những người nắm giữ quyền hành pháp của tổng thống bắt nguồn trực tiếp từ Hiến pháp  - Chánh án Tòa Tối cao John Robert lưu ý. "Giám đốc CFPB không có ông chủ, đồng nghiệp hoặc cử tri nào để báo cáo", ông Roberts viết. "Tuy nhiên, cương vị giám đốc này nắm giữ quyền lập quy, thực thi và xét xử rộng lớn đối với một phần đáng kể của nền kinh tế Mỹ”.

Quyết định 5-4 của tòa án vẫn giữ nguyên án lệ vụ Humphrey, với việc Chánh án John Roberts lưu ý rằng nó chỉ áp dụng cho các cơ quan độc lập do một giám đốc duy nhất lãnh đạo chứ không phải hội đồng quản trị nhiều thành viên. Nhưng một số người trong tòa án đã công khai kêu gọi bãi bỏ phán quyết vụ Humphrey.

Thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas, cùng với Thẩm phán Neil Gorsuch, mô tả án lệ năm 1935 là "mối đe dọa trực tiếp đến cấu trúc hiến pháp của chúng ta và do đó, là quyền tự do của người dân Mỹ".

Vậy, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Dellinger?

Điều quan trọng cần lưu ý là đơn kháng cáo khẩn cấp của chính quyền Tổng thống Trump về việc bãi nhiệm Dellinger đang được đưa lên Tòa án Tối cao trong tình trạng khẩn cấp. Do đó, tòa án có thể giải quyết nhanh chóng mà không cần trình bày nhiều về những câu hỏi liên quan tính hợp hiến của các biện pháp bảo vệ.

Trong trường hợp của Dellinger, một tòa án liên bang đã ban hành lệnh cấm tạm thời ngăn chính quyền Trump thực thi lệnh sa thải trong vài tuần. Nhìn chung, các lệnh tạm thời như vậy không được kháng cáo.

Bằng cách kháng cáo, ông Trump cũng đang gây chiến với tòa án về các thủ tục của chính họ. Ngay cả khi phần lớn Tòa án Tối cao cuối cùng đứng về phía Tổng thống trong vụ kiện Dellinger, thì rất có thể họ sẽ phán quyết chống lại chính quyền trên cơ sở thủ tục trong cuộc giao tranh đầu tiên này.

Trong quyết định 2-1 vào tối 15/2 (theo giờ địa phương), Tòa Phúc thẩm Liên bang tại Quận DC cho biết lệnh tạm thời cho phép ông Dellinger tiếp tục giữ chức vụ là không được kháng cáo. Tòa án nói rằng, khi xem xét lại lệnh như vậy, "sẽ không phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lý hiện hành và là một quyết định thiếu sáng suốt".

Hai thẩm phán trong phán quyết trên là do cựu Tổng thống Biden bổ nhiệm. Thẩm phán thứ ba, do ông Trump bổ nhiệm, cho biết ông sẽ chấp thuận yêu cầu của chính phủ nhằm ngăn chặn phán quyết của tòa án cấp dưới tạm dừng việc sa thải Dellinger.

Tòa án Tối cao Mỹ đóng cửa trong Ngày Tổng thống, năm nay rơi vào 17/2. Đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp có khả năng sẽ được đưa vào hồ sơ của tòa án vào ngày 18/2 và tòa án dự kiến sẽ hành động tương đối nhanh chóng, có khả năng đưa ra lệnh trong vòng vài ngày.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Ukraine đề nghị cung cấp ''khoáng sản quan trọng'' cho EU

Trong một bài đăng trên Politico ngày 14/2, Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal hứa hẹn rằng việc hợp tác với Ukraine sẽ mang lại cho Liên minh châu Âu (EU) "hàng trăm tỷ USD” lợi nhuận tiềm năng.

Ukraine chuyển bản dự thảo biên bản ghi nhớ hợp tác đất hiếm cho Mỹ

Theo thông tin từ phái đoàn Ukraine tại Munich, nước này đã hoàn tất dự thảo thỏa thuận hợp tác với Mỹ về đất hiếm và chuyển cho phía Mỹ.

Điện Kremlin: Tổng thống Putin chào đón ông Trump dự Ngày Chiến thắng

Điện Kremlin chia sẻ, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ rất vui mừng được chào đón các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump đến dự kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945-9/5/2025) tại Moskva.

Nga xác nhận cuộc gặp Trump - Putin tại nước thứ ba

Theo hãng thông tấn Tass của Nga, hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí sẽ tổ chức ở nước thứ ba.

Tình thế khó khăn của Trung Quốc khi ông Rubio là Ngoại trưởng Mỹ

Việc ông Marco Rubio được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm phần phức tạp.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bất ngờ bác bỏ nhiều tham vọng của chính quyền Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã gây chú ý khi tham dự cuộc họp đầu tiên của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine vào ngày 12/2 với những phát biểu đi ngược lại quan điểm mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng khẳng định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục