Trước thềm đánh dấu tròn 3 năm ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước châu Âu tiếp tục có những tuyên bố thể hiện sự chia rẽ trong vấn đề Ukraine cũng như trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Kiev.
Cảnh đổ nát trong xung đột giữa Nga và Ukraine tại Kiev (Ukraine) ngày 20/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Một số nước châu Âu như Anh, Tây Ban Nha và Hy Lạp tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine. Trong cuộc điện đàm ngày 22/2 với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã thảo luận về sự cần thiết phải đảm bảo một nền hòa bình "công bằng và bền vững" cho Ukraine. Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Starmer và Chủ tịch EC nhất trí rằng châu Âu cần đẩy mạnh các biện pháp cũng như thể hiện trách nhiệm vì lợi ích an ninh chung của châu lục.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó nhấn mạnh Kiev cần tham gia mọi cuộc đàm phán về chấm dứt xung đột, đồng thời khẳng định "sự ủng hộ vững chắc" của London đối với Kiev. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Starmer và Tổng thống Zelensky nhất trí đây là thời điểm quan trọng đối với tương lai của Ukraine cũng như an ninh toàn châu Âu. Dự kiến, nhà lãnh đạo Anh sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Washington vào tuần tới.
Trong một động thái liên quan, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định hòa bình tại Ukraine và an ninh của châu Âu là vấn đề không thể "áp đặt", phải do chính Ukraine và châu Âu quyết định. Dự kiến, Thủ tướng Sanchez sẽ đến Kiev vào ngày 24/2, đúng dịp tròn 3 năm nổ ra chiến sự Nga - Ukraine. Chuyến thăm nhằm tái khẳng định lập trường ủng hộ của Tây Ban Nha đối với Ukraine.
Trong thông điệp tương tự, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 22/2 khẳng định bất kỳ khuôn khổ hòa bình nào cho cuộc xung đột ở Ukraine đều phải có sự tham gia và đồng thuận của Kiev. Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp cho biết ông Mitsotakis nhấn mạnh điều trên trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky và thông báo sẽ tham gia hội nghị trực tuyến do Ukraine tổ chức vào ngày 24/2, cùng với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố sẽ ngăn chặn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), nếu bước đi này đi ngược lại lợi ích của Budapest. Ông Orban cho rằng việc Ukraine gia nhập EU sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế của Hungary. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Hungary cũng kiên quyết bác bỏ ý tưởng để Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO.
Theo Baotintuc.vn
Sau khi được thông báo về kết quả cuộc hội đàm Nga-Mỹ tại Riyadh, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Moskva chưa từng đóng cánh cửa đàm phán hòa bình với Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, một nhóm các nhà khảo cổ học Ai Cập và Anh ngày 18/2 đã công bố phát hiện ngôi mộ đã mất dấu từ lâu của Pharaoh Thutmose II - lăng mộ hoàng gia cuối cùng còn thiếu của Vương triều thứ 18. Khám phá này được giới khảo cổ học đánh giá là một trong những phát hiện quan trọng nhất của Ai Cập trong nhiều thập kỷ.
Giữa những thông tin trái ngược nhau về vị trí của tỷ phú Elon Musk tại Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trực tiếp đưa ra câu trả lời.
Tổng thống Donald Trump sẽ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai đến Tòa án Tối cao, sử dụng đơn kháng cáo khẩn cấp để bảo vệ quyết định sa thải người đứng đầu một cơ quan giám sát đạo đức của chính phủ.
Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga, ông Keith Kellogg, khẳng định sẽ không có bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào bị áp đặt lên Ukraine và rằng quyết định chấm dứt chiến tranh sẽ do chính Ukraine đưa ra.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng, nếu diễn ra, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể đóng vai trò bước đầu trong làm tan băng quan hệ hai nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn có thể ngáng đường.