Ngày 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết chính phủ của ông sẽ tiếp tục đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Tokyo, nhưng cũng thừa nhận rằng kết quả "sẽ không thể có ngay lập tức".


Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo.

Theo hãng tin Reuters, ttrong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Ishiba cho biết chính phủ Nhật Bản phải sử dụng mọi biện pháp có thể nhằm giảm thiểu tác động kinh tế từ chính sách thuế của Hoa Kỳ, bao gồm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong nước và áp dụng các biện pháp bảo vệ cho việc làm của người dân.

Ông Ishiba đã gọi quyết định áp thuế của Tổng thống Trump đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bảnlà "vô cùng đáng thất vọng và đáng tiếc", đồng thời nhấn mạnh nước nàysẽ tiếp tục phân tích để phía Hoa Kỳ hiểu rõ nước này không hề có hành vi không công bằng nào với Washington.

Thủ tướng Ishiba cũng bày tỏ sẵn sàng đến Hoa Kỳ để gặp gỡ Tổng thống Trump "trong thời gian sớm nhất có thể”. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Nhưng khi làm được điều đó, chúng ta phải chuẩn bị một gói biện pháp cụ thể mà Nhật Bản có thể thực hiện”.

Việc Tổng thống Trump quyết định áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản và mức thuế 24% đối với một số mặt hàng khác của Nhật dự kiến sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của nước này. Nỗi lo suy thoái toàn cầu cũng khiến giá cổ phiếu trên khắp thế giới sụt giảm mạnh, bao gồm chỉ số Nikkei của Nhật Bản, vốn đã giảm gần 9% ngay trong phiên giao dịch sáng ngày 7/4.

Theo tờ Nikkei của Nhật Bản, ông Ishiba đã triệu tập các bộ trưởng kinh tế chủ chốt, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Katsunobu Kato vào tối ngày 6/4 và chỉ đạo phải theo dõi sát sao tình hình thị trường để ứng phó kịp thời.

Các nhà phân tích nói gì về tác động của thuế quan đối với Nhật Bản?

Theo hãng tin Kyodo, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế quan "nặng tay" của Tổng thống Trump đang đe dọa nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Nhật Bản có thể giảm tới 2% trong những năm tới.

Nhà kinh tế trưởng Takahide Kiuchi tại Viện Nghiên cứu Nomura ước tính rằng thuế quan của Hoa Kỳ có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản giảm hơn 0,7% trong năm, đồng thời cảnh báo khả năng suy thoái kinh tế. Viện Nghiên cứu Daiwa thậm chí còn đưa ra dự báo ảm đạm hơn, cho rằng các thuế quan đối ứng mà Hoa Kỳ áp đặt dự kiến sẽ kéo tụt GDP đã điều chỉnh theo lạm phát của Nhật Bản khoảng 1,8% vào năm 2029, năm mà ông Trump dự kiến rời Nhà Trắng.

Chuyên gia kinh tế chính tại Viện Nghiên cứu và tư vấn Mitsubishi UFJ, ông Shinichiro Kobayashi cảnh báo căng thẳng thương mại leo thang do thuế quan của Hoa Kỳ có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh trên diện rộng, tạo ra "kịch bản xấu nhất”. Theo ông Kobayashi, nếu nền kinh tế thế giới giảm tốc, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm, kéo theo những tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước như chi tiêu vốn suy giảm - một yếu tố quan trọng khác của GDP.

Trước đó, ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng áp mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu trong tháng 3 và bắt đầu áp thêm thuế 25% đối với tất cả ô tô sản xuất ngoài Hoa Kỳ.

Thuế ô tô của Hoa Kỳ được dự báo sẽ tác động rất lớn đối với Nhật Bản, vì ngành công nghiệp ô tô là một trong những trụ cột kinh tế của nước này. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Theo Chính phủ Nhật Bản, trong năm 2024, Nhật Bản đã xuất khẩu hơn 1,3 triệu chiếc xe sang thị trường Hoa Kỳ, tương đương 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các mặt hàng xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đòn thuế quan của Hoa Kỳ giáng xuống vào thời điểm Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tiền lương để vượt qua lạm phát. Năm ngoái, các công ty trong nước đã nhất trí mức tăng lương trung bình 5,28% trong các cuộc đàm phán thường niên với các công đoàn. Đây cũng là mức tăng lớn nhất trong hơn 30 năm qua, trong khi lạm phát lõi của Nhật Bản tăng 3,1% vào năm 2023, mức tăng cao nhất trong 41 năm.

Nỗi lo ngại ngày càng gia tăng rằng nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, vốn đã chật vật với lạm phát cao, có thể rơi vào suy thoái nếu xuất khẩu giảm mạnh do thuế quan của Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và kìm hãm tăng trưởng tiền lương. Kết quả cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) cho thấy niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp lớn đã suy giảm trong tháng 3. Đây cũng là lần đầu tiên trong một năm BOJ ghi nhận mức giảm, cho thấy rõ tác động tiêu cực của thuế quan do Hoa Kỳ áp đặt đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Các nhà kinh tế nói gì về công thức tính thuế của chính quyền Tổng thống Trump?

Các nhà kinh tế bày tỏ sự kinh ngạc trước cách tính toán các mức thuế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Cơn bão thuế quan" từ Mỹ gây chấn động toàn cầu

Mức áp thuế mới đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu. Đây là bước leo thang mạnh mẽ trong chính sách bảo hộ thương mại.

Nhật Bản: Động đất có độ lớn 6,2 tại thành phố Nishinoomote

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết ngày 2/4, một trận động đất có độ lớn 6,2 đã làm rung chuyển khu vực phía Đông Bắc của thành phố Nishinoomote, thuộc tỉnh Kagoshima, Nhật Bản.

Động đất ở Myanmar: Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải cứu được một nạn nhân còn sống trong đống đổ nát

Thông tin từ hiện trường gửi về cho biết, 10h sáng 2/4, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tìm kiếm các nạn nhân sau trận động đất ở Myanmar đã đưa một nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát ra ngoài.

Động đất tại Myanmar: Đội cứu hộ Bộ Công an tìm thêm được một nạn nhân

Chiều 1/4, tại hiện trường bệnh viện thị trấn Xabuthiri, ngoại ô thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã đưa được thi thể nạn nhân thứ hai là một nam thanh niên 17 tuổi ra khỏi đống đổ nát.

Động đất tại Myanmar: Chưa thể xác định quy mô tàn phá

Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ cho biết chưa thể xác định quy mô tàn phá của trận động đất kinh hoàng vừa qua ở Myanmar, đồng thời cảnh báo vụ việc có thể làm trầm trọng thêm nạn đói và nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở một quốc gia vốn đã có gần 20 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo trước trận động đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục