Ngày 23/9, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) khẳng định, các binh sĩ của họ đã thâm nhập vào vùng ngoại ô phía đông thành phố Sirte và đã kiểm soát được cửa phía đông của quê hương ông Gaddafi mà không gặp phải sự kháng cự nào từ lực lượng trung thành với chế độ cũ.

 

Từ tuyên bố bất ngờ của con gái ông Gaddafi

Tướng Mohammed al-Marimi của NTC cho biết, có 3-4 binh đoàn đã vào bên trong thành phố Sirte qua cổng này. Nếu thành phố Sirte cũng thất thủ thì chỉ còn mỗi Bani Walid là hiện còn nằm dưới sự kiểm soát của ông Gaddafi. Tuyên bố kể trên trái với tuyên bố của ông Mustafa bin Dardef, chỉ huy Lữ đoàn Zintan của NTC ở mặt trận cách 25km về phía Đông thành phố Sirte - cuộc tấn công phải tạm ngưng 1 tuần bởi thiếu đạn dược.

Tuy nhiên với diễn biến kể trên NATO cho biết, đang tiến gần tới giai đoạn cuối của chiến dịch không kích tại Libya và điều này cũng đồng nghĩa với việc khép lại chế độ tồn tại 42 năm của Tổng thống Gaddafi. Mặc dù đã kiểm soát gần trọn vẹn Libya, nhưng tung tích cha con ông Gaddafi hiện vẫn là bí ẩn.

Theo lời khai của Tướng Belgasem al-Abaaj, trước khi bị bắt khoảng 10 ngày ông vẫn liên lạc với Tổng thống Libya và được biết, ông Gaddafi đang di chuyển bí mật giữa hai thị trấn ốc đảo Sabha và Ghat ở giữa sa mạc. Và hiện ông Gaddafi nhận được sự giúp đỡ từ lính đánh thuê người Nigeria và Chad vốn thông thạo địa hình trên sa mạc.

Được biết, NTC đang lên kế hoạch cho đợt tấn công mới vào hai thành trì cuối cùng của ông Gaddafi ở Bani Walid và Sirte. Nhưng nhiều người đã cảnh báo, cho dù bắt được cha con ông Gaddafi, kết thúc cuộc chiến, lập chính phủ mới, nhưng những mâu thuẫn giữa các bộ tộc, bộ lạc cũng như lợi ích giữa các phe nhóm sẽ tiếp tục đẩy Libya vào một cuộc nội chiến mới.

Ông Mahmoud Jibril (trái) và ông Mustafa Abdul Jalil.

Ngày 24/9, Aisha Gaddafi, con gái ông Gaddafi bất ngờ lên tiếng sau gần 1 tháng đào tẩu sang Algeria tị nạn và sinh con. Trong cuộc điện đàm tới hãng truyền hình Arrai có trụ sở ở Syria, Aisha Gaddafi khẳng định, cha cô vẫn đang lãnh đạo cuộc chiến ở Libya. Aisha Gaddafi cho biết, ông Gaddafi đang chiến đấu dưới lòng đất ở Libya. Con gái ông Gaddafi cũng kêu gọi những người ủng hộ Tổng thống Libya tiếp tục đứng dậy chống lại chính quyền mới và gọi các thành viên của NTC là những kẻ phản bội đã phá vỡ lời thề trung thành trước đây.

Ngày 23/9, chỉ huy quân đội NTC Mohammed Barka Wardugu cho biết, cách đây vài ngày ông Gaddafi đã bí mật từ sa mạc Sahara di chuyển đến biên giới Algeria. Có tin nói rằng, Tổng thống Gaddafi và các cận thần đã được chở đến Algeria trên một đoàn xe hôm 26/8.

Trong khi đó, Algeria bác bỏ thông tin này thì đại diện NATO từ chối bình luận. Chủ tịch NTC Mustafa Abdul Jalil cho biết, bản thân ông không thể xác định được tính chính xác của tin nói rằng, ông Gaddafi đã đào tẩu và hiện đang ở đâu.

Cũng trong ngày 23/9, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận, Libya có uranium thô sau khi kênh CNN đưa tin lực lượng NTC phát hiện vật liệu phóng xạ được chứa trong các thùng hình trụ tại một địa điểm gần Sabha, miền Trung Libya. IAEA hy vọng có thể kiểm tra số nguyên liệu này khi tình hình Libya ổn định trở lại. Phát hiện này trái ngược với tuyên bố của Mỹ hồi tháng trước rằng toàn bộ số uranium của Libya được cất giữ tại một địa điểm ở Tajura, gần thủ đô Tripoli.

Năm 2003, chính quyền của ông Gaddafi đã đồng ý từ bỏ mục tiêu sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm thiết lập quan hệ với các nước phương Tây. Thủ tướng Angela Merkel vừa cho biết, Đức sẵn sàng giúp đỡ Libya tái thiết sau cuộc nội chiến, đồng thời khẳng định sẽ cân nhắc tham gia sứ mệnh tiếp theo của Liên hợp quốc tại Libya. Giới bình luận cho rằng, mặc dù bị "lỡ nhịp", nhưng Đức vẫn muốn có vị trí, vai trò tại quốc gia Bắc Phi này.

Đến vai trò của Chủ tịch và Phó chủ tịch NTC

Ngày 24/9, NTC có các cuộc thảo luận nhằm thành lập chính phủ lâm thời sau thất bại hồi tuần trước và đây sẽ là cuộc họp mang tính quyết định đối với thành viên trong chính phủ mới - một chính phủ mang tính thỏa hiệp. Phát ngôn viên của NTC, ông Abdel Hafiz Ghoga cho biết, trong vài ngày tới chính phủ lâm thời Libya sẽ công bố tân bộ trưởng bởi ban lãnh đạo NTC đã thống nhất được số thành viên trong chính phủ lâm thời và những người sẽ nắm giữ các cương vị quan trọng nhất.

Một trong những nguyên nhân khiến NTC chưa thể thành lập chính phủ mới bởi những phức tạp về sắc tộc, tôn giáo và quan điểm chính trị. Ngoài ra, một số vị trí gây nhiều bất đồng nhất là Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Dầu mỏ vẫn chưa có hồi kết. Được biết, ông Oussama Al-Jouili và ông Abdel Rahmane Ben Yezza là 2 ứng cử viên sáng giá cho ghế Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Dầu mỏ. Còn ông Ali Tarhouni là Bộ trưởng Tài chính và sẽ làm Phó Thủ tướng nắm Bộ Tài chính và Kinh tế. Dự kiến, tân chính phủ sẽ có 22 ghế Bộ trưởng và 1 Phó Thủ tướng.

Phó Chủ tịch NTC, Thủ tướng tạm quyền Mahmoud Jibril được coi là một trong những gương mặt sáng giá của NTC. Một trong những công lao lớn nhất của ông Mahmoud Jibril là đến châu Âu thuyết khách để giải cứu khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ USD bị đóng băng ở đây. Giới truyền thông đưa tin, ông Mahmoud Jibril là người đã thuyết phục thành công để Tổng thống Nicolas Sarkozy tin rằng, NTC là tổ chức đáng tin cậy và Pháp trở thành quốc gia đầu tiên công nhận NTC (tháng 3). Kể từ đó tới nay đã có hơn 90 quốc gia công nhận NTC.

Tổng thống Nicolas Sarkozy và Chủ tịch NTC Mustafa Abdul Jalil.

Trước khi trở thành Phó Chủ tịch NTC, Thủ tướng tạm quyền từ 23/3/2011, ông Mahmoud Jibril từng lấy bằng kinh tế và chính trị tại trường Đại học Cairo năm 1975, sau đó tiếp tục theo học rồi giảng dạy tại trường đại học Pittsburgh ở bang Pennsylvania, Mỹ. Sau khi rời Mỹ tới Cairo, Ai Cập, ông Mahmoud Jibril kiếm sống với tư cách chuyên viên tư vấn kiêm "huấn luyện lãnh đạo".

Chính giới Libya biết tới danh tính của ông Mahmoud Jibril cách đây 4 năm, khi "thái tử" Saif al-Islam, con trai ông Gaddafi đáp chuyên cơ tới Cairo đón về nước làm cố vấn. Sau đó không lâu, ông Mahmoud Jibril được mời làm Bộ trưởng Kế hoạch và Chủ tịch Hội đồng phát triển kinh tế quốc gia (2009). Khi đó, "thái tử" Saif al-Islam muốn ông Mahmoud Jibril giúp tái cơ cấu nền kinh tế Libya bởi ông có đầu óc cải cách.

Giới truyền thông nói rằng, tất cả những kiến nghị cải tổ của ông Mahmoud Jibril đều bị Tổng thống Libya bác bỏ và đó là nguyên nhân khiến người từng du học ở Mỹ phải ra đi. Điều đáng nói là những kiến nghị của ông Mahmoud Jibril được giới chuyên môn quan tâm bởi khi đó hệ thống cơ sở hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng và thời điểm ra đi "hợp thời".

Ông Mahmoud Jibril là một trong số những người đầu tiên gia nhập NTC và vẫn tồn tại trong ban lãnh đạo cao nhất sau những biến động vừa qua, đặc biệt là vụ ám sát Tướng Abdul Fatah Younis ở Benghazi. Cho tới giờ phút này chưa có ứng cử viên nào vượt mặt ông Mahmoud Jibril để làm Thủ tướng. Theo dự kiến ban đầu, tân chính phủ được công bố hôm 18/9, nhưng bất thành bởi những bất đồng không giải quyết được.

Trước khi trở thành Chủ tịch NTC, ông Mustafa Abdul Jalil là Bộ trưởng Tư pháp dưới chế độ Tổng thống Gaddafi. Bộ trưởng Tư pháp là thành viên đầu tiên trong nội các dám tuyên bố từ bỏ chế độ để bày tỏ sự phản đối trước việc ông Gaddafi đã sử dụng quá nhiều bạo lực để đàn áp những người biểu tình không có vũ khí. Điều đáng nói là trước khi tuyên bố từ chức hôm 21/2, ông Mustafa Abdul Jalil từng được chính phủ Gaddafi cử tới trấn an dân chúng ở thành phố Benghazi, thành trì của phe nổi dậy sau này. Chỉ một thời gian ngắn sau khi từ chức Bộ trưởng Tư pháp, ông Mustafa Abdul Jalil được bầu làm Chủ tịch NTC. Việc ra đi của ông Mustafa Abdul Jalil không gây bất ngờ đối với chính giới bởi từ lâu Bộ trưởng Tư pháp đã nổi tiếng là người "chuẩn bị sẵn tinh thần để lật đổ chế độ".

Sau khi học Luật và lấy bằng tại trường Đại học Libya, ông Mustafa Abdul Jalil sống bằng nghề luật sư tại văn phòng công tố ở Bayda. Là người có thâm niên trên ghế thẩm phán nên năm 2002, ông Mustafa Abdul Jalil được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tòa án phúc thẩm, và 5 năm sau (2007) làm Bộ trưởng Tư Pháp. Cũng giống như Phó Chủ tịch NTC Mahmoud Jibril, ông Mustafa Abdul Jalil được "thái tử" Saif al-Islam cất nhắc để trợ giúp cải cách hệ thống tư pháp tại Libya, nhưng bất thành. Mặc dù được cả Tổng thống và "thái tử" trọng dụng, nhưng ông Mustafa Abdul Jalil vẫn đưa ra nhiều tuyên bố gây sốc và đó là những dấu hiệu "làm phản" sau này.

Những tuyên bố, chỉ trích của ông Mustafa Abdul Jalil khiến ông Gaddafi tức giận tới mức treo giải thưởng trị giá khoảng 400.000 USD cho bất cứ ai ám sát thành công. Giới bình luận cho rằng, vì từng là thành viên của chính phủ cũ nên ảnh hưởng của Chủ tịch NTC Mustafa Abdul Jalil trong phe đối lập, cũng như các bộ lạc và nhân dân Libya tương đối lớn, nhưng việc ông từng là Bộ trưởng Tư pháp cũng khiến nhiều người quan ngại.

Giới truyền thông cho rằng, cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch NTC đều phải quan tâm tới "những đổi thay" của Pháp, Anh, Mỹ và những quốc gia hữu quan trong việc ủng hộ và trợ giúp Libya tái thiết đất nước. Mặc dù đã nhường vị trí đi đầu cho Pháp và Anh trong cuộc chiến Libya, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ không có vai trò tại quốc gia Bắc Phi này. NTC cũng đang phải đối mặt với hàng trăm khó khăn như nền kinh tế bị đình trệ, hàng triệu người không có thu nhập, không có điện, không có nước sạch.

Nhiều người nói rằng, việc xử lý thỏa đáng đối với những người từng bị đọa đầy trước đây cũng là bài toán khó và trường hợp của ông Abdul Hakim Belhaj là ví dụ điển hình.

Trước khi trở thành anh hùng của NTC, ông Abdul Hakim Belhaj từng bị tình báo Anh và CIA trục xuất với một số người Libya bất mãn và giao cho chính quyền Gaddafi đầy đọa. Nhưng hiện ông Abdul Hakim Belhaj đang có khá nhiều mâu thuẫn với Chủ tịch NTC Mustafa Abdul Jalil và một số người trong NTC.

Cách đây hơn 20 ngày (3/9), NTC thành lập Ủy ban An ninh Tối cao với nhiệm vụ bảo vệ khu vực công và tư ở Tripoli và loại trừ những nhân vật còn sót lại của các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Nhiều người cho rằng, những nhân viên trong Ủy ban An ninh Tối cao sẽ được giữ lại và trở thành hạt giống của lực lượng an ninh, cảnh sát sau này. NTC từng bị coi là đội quân ô hợp, vô kỷ luật, không bài bản và để xóa dấu ấn này cần phải có thời gian và việc làm cụ thể.

 

                                                                     Theo Báo CAND

 

 

 

Các tin khác


LHQ kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza

Ngày 26/3, người phát ngôn Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Jens Laerke kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza, khẳng định rằng người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ chết vì đói.

Nga chiếm giữ các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk

Hôm 25/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã chiếm giữ được các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk.

Xung đột Hamas-Israel: HĐBA LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza.

Israel cân nhắc cho phép dân thường Palestine trở lại miền Bắc Gaza

Ngày 24/3, Israel đã phát đi tín hiệu về khả năng cho phép những người Palestine phải đi lánh nạn có thể trở về nhà tại khu vực miền Bắc Dải Gaza. Đây cũng là một phần của tiến trình đàm phán nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn tại khu vực này.

Vụ tấn công tại Moskva: Hai nghi phạm bị buộc tội khủng bố

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga ngày 24/3 đã đưa ra các cáo buộc đối với 2 người đàn ông bị tình nghi tham gia vụ tấn công khủng bố Nhà hát Crocus City Hall hôm 22/3.

Khi đau thương hóa thành sức mạnh

Ngày 24/3, nước Nga tổ chức quốc tang, tưởng nhớ hơn 130 người đã vĩnh viễn ra đi sau trong vụ tấn công khủng bố man rợ và đê hèn ở Moskva.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục