Thượng tá Nguyễn Hồng Thái - Trưởng ban Thư ký Toà soạn Báo CAND trao tặng máy tính, vở viết và sách giáo khoa cho học sinh Trường THCS Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Thượng tá Nguyễn Hồng Thái - Trưởng ban Thư ký Toà soạn Báo CAND trao tặng máy tính, vở viết và sách giáo khoa cho học sinh Trường THCS Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Những ngày đầu tháng 11, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo CAND và các nhà hảo tâm đã về Quảng Bình để dành toàn bộ thiết bị học tập gồm: 21 bộ máy tính mới, 55 nghìn tập vở viết và hàng nghìn cuốn sách giáo khoa ủng hộ cho đối tượng là các em học sinh vùng lũ miền núi.

 

Dẫu đây không phải lần đầu tiên Báo CAND trao tặng thiết bị giáo dục cho đối tượng là học sinh nghèo vượt khó, nhưng với chúng tôi thì cảm xúc trong chuyến đi làm công tác xã hội, từ thiện này thật khó tả. Từ hình ảnh các em học sinh nô đùa trong sân trường với tiếng cười giòn tan, ánh mắt ngời sáng khi đón nhận những tập vở viết mới tinh, những cuốn sách giáo khoa chứa đầy con chữ, bộ máy tính do Báo CAND và nhà hảo tâm trao tặng để thầy và trò nhà trường học tập, sớm cập nhật các thông tin khoa học.

Nhìn nét mặt hân hoan của các em học sinh khi đón nhận món quà nghĩa tình do các nhà báo Công an và nhà hảo tâm trực tiếp trao tặng, chúng tôi thật sự cảm thấy vui lây với niềm vui của các em. Bởi những cuốn sách giáo khoa và những tập vở của các em học sinh và các bậc phụ huynh ở TP Hà Nội, TP Hải Phòng và nhiều địa phương khác trong cả nước nhờ chúng tôi chuyển về nơi đây đã góp phần thắp sáng ước mơ học tập của các em trong những ngày khó khăn nhất.

Sáng 9/11, từ trung tâm tỉnh Quảng Bình, 6 chiếc xe ôtô chở thiết bị học tập của Đoàn Công tác xã hội - từ thiện Báo CAND do Thượng tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Ban Thư ký Toà soạn làm Trưởng đoàn đã vượt quãng đường hơn 100km đến với các em học sinh vùng lũ huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa. Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là Trường THCS Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Được tái thành lập cách đây bảy năm, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy học còn hạn chế, nhưng nhìn vào thành tích mà một trường THCS miền núi như Phong Hóa đã đạt được thật khiến người ta trân trọng. Được tái thành lập bảy năm thì bảy năm liên tục đều đạt và giữ vững danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc và Tập thể lao động tiên tiến". Năm nào cũng vậy, nhà trường đều có nhiều giáo viên đạt danh hiệu "Giáo viên giỏi cấp huyện" và "Giáo viên giỏi cấp tỉnh". Hàng năm, nhà trường liên tục có học sinh đạt danh hiệu "Học sinh giỏi cấp tỉnh" và "Học sinh giỏi cấp huyện".

Cháu Cao Thị Hà, học sinh lớp 6.2 đang chơi ngoài sân trường, thấy Đoàn Công tác xã hội - từ thiện mang theo nhiều sách giáo khoa và vở viết đến tặng tỏ rõ niềm phấn khởi. Trò chuyện với Cao Thị Hà, chúng tôi được biết, trận lũ vừa qua đã khiến ngôi nhà cháu bị ngập sâu trong nước, đồ dùng học tập, sách giáo khoa của cháu đã trôi hết theo dòng nước lũ. Cháu Bùi Đức Phúc, học sinh lớp 6.1 cũng đón nhận những tập vở viết do Đoàn Công tác xã hội - từ thiện trao tặng với sự hồ hởi. Hỏi chuyện cháu, chúng tôi được biết, đợt lũ lụt vừa qua đã cuốn trôi toàn bộ sách giáo khoa và vở viết của cháu. Nhiều ngày rồi cháu đến trường học nhưng chỉ học chay.

Đang giữa trưa nắng cộng với cái đói cồn cào trong bụng các cháu, nhưng nhìn nét mặt ngời sáng, hồ hởi của hàng trăm học sinh khi đón nhận và ôm chặt những tập vở viết, những cuốn sách giáo khoa mà Đoàn Công tác xã hội - từ thiện trao tặng vào lòng như một thứ gì giá trị lắm, thì tôi hiểu, đó là lý do mà Ban Biên tập Báo CAND, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình chọn các trường miền núi bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt của huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa để trao tặng thiết bị học tập.

Sau khi cùng các nhà báo Công an trao tặng thiết bị học tập cho các cháu học sinh, cô giáo Trương Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Phong Hóa tâm sự: Do đặc thù riêng về địa hình nên xã Phong Hóa được chia thành hai miền rõ rệt và được ngăn cách bởi sông Gianh. Số học sinh trong trường hiện có 450 em, trong đó có tới trên 300 em ở bên kia sông. Để đến được lớp học thì các em chỉ có một con đường duy nhất là đi thuyền qua sông. Một khó khăn đặc thù nữa là mỗi năm, nơi đây thường xảy ra từ 5-6 trận mưa lũ. Mỗi đợt mưa, nước sông Gianh dâng rất cao và chảy xiết. Vậy là các em buộc phải nghỉ học. Mà cứ sau mỗi trận mưa lũ là các em ở bên kia sông buộc phải nghỉ học từ 4/7 ngày.

Thượng tá Hà Thế Cương, Phó trưởng Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP HCM trao tặng sách, vở, máy tính cho thầy và trò các trường học thuộc huyện Minh Hóa.

"Từ ngã tư Ba Đồn của huyện Quảng Trạch, chúng tôi đi khoảng 30km là tới Trường THCS Phong Hóa. Trên đường đi, chúng tôi thấy sông Gianh hiền hòa lắm mà?". Nghe tôi hỏi, cô giáo Hương cười mà rằng: "Đúng là sông Gianh hiền hòa thật anh ạ. Nhưng sông chỉ hiền hòa vào những thời điểm không mưa to và mưa nhiều thôi. Chứ vào các đợt mưa lớn và lũ lụt thì sông Gianh trở nên hung dữ vô cùng". Một yêu cầu khẩn thiết lúc này của các trường học trên địa bàn là rất cần có một cây cầu bắc qua sông Gianh, để các cháu học sinh hàng ngày đi học được thuận tiện, và tránh nguy hiểm mỗi khi lũ về.

Chia tay thầy và trò Trường THCS Phong Hóa, chúng tôi về xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá khi trời đã muộn. Nhiều em học sinh của Trường Tiểu học Đức Hoá vẫn đứng đợi với mong muốn được nhận món quà nghĩa tình từ Báo CAND và các nhà hảo tâm trao tặng. Khi những cuốn vở được đưa từ xe ôtô xuống để tặng học trò nghèo, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui vỡ òa nơi con trẻ. Những mái đầu tuổi thơ chưa thể nghĩ sâu, nghĩ xa về những thiệt hại khủng khiếp mà mưa lũ đã gây ra cho gia đình và quê hương các cháu. Nhưng gần nửa tháng nay, nhiều em học sinh nghèo ở vùng quê nghèo khó vẫn thập thò ở cổng trường mà không dám vào lớp học. Hỏi ra mới biết, không còn sách vở để học, các cháu tới trường với hai bàn tay trắng nên không dám vào lớp. Các cháu đón nhận những cuốn vở ôly mới tinh còn thơm mùi giấy mà Báo CAND và các nhà hảo tâm trao tặng có khác gì mang lại giấc mơ hồng cho tuổi thơ.

Rời huyện Tuyên Hoá khi mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi tiếp tục đến Trường Tiểu học Tân Hóa và Trường Mầm non Tân Hóa. Trong lũ, Tân Hóa là địa phương bị cô lập thiệt hại nặng nề nhất của huyện Minh Hóa. Thương nhất là các cháu học sinh ở vùng quê này khi đến trường với bàn tay trắng, không sách giáo khoa, vở viết, không bút mực, dù rất khát chữ cộng thêm nỗi nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thầy, cô đã khiến nhiều em dù đã đứng trong trường mà vẫn khóc hoài. Cầm những cuốn vở mới tinh, tay mân mê bên chiếc máy tính mà Báo CAND và các nhà hảo tâm trao tặng, các em đều nở nụ cười giòn tan và trong trẻo khiến chúng tôi thấy ấm lòng biết mấy.

Thầy Đinh Xuân Pháo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Tân Hoá nhớ lại, ngày đầu tiên đến trường sau lũ để dọn dẹp bùn đất, thầy và trò cứ ôm nhau khóc hoài vì toàn bộ đồ dùng dạy và học bị lũ cuốn trôi hết. Thấy các em học sinh đôn đáo chạy tìm sách vở, bút mực trong đống bùn đất, các giáo viên vừa giúp học sinh tìm sách, vừa liên tục lau mặt để học trò khỏi thấy những dòng nước mắt và cả những tiếng nấc nghẹn vì thương con trẻ. Bộ máy tính, sách giáo khoa và vở viết mà Báo CAND và các nhà hảo tâm trao tặng sẽ giúp nhà trường rất nhiều trong việc dạy và học.

Cháu Đinh Minh Hải, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Tân Hoá đã bỏ học cả tuần nay. Khi biết Đoàn Công tác xã hội - từ thiện đến tặng thiết bị học tập, cháu cứ đứng ở cổng trường mà không dám vào. Lúc cô giáo chủ nhiệm gọi vào nhận vở mới, Hải mới vào và bảo: "Con bỏ học vì thiếu vở, dừ (giờ) có vở rồi phải đi học thôi"…

Chia tay thầy và trò ở các trường học trên địa bàn huyện Tân Hoá và huyện Minh Hóa, chúng tôi trở về Hà Nội. Khi những chiếc xe của Đoàn từ thiện nổ máy, các cháu học sinh lại ùa đến cùng với các thầy cô giáo trong trường thêm một lần nói lời chia tay trong lưu luyến và xúc động. Xen lẫn trong những lời chào tạm biệt, bất chợt vang lên giọng của một cháu học sinh: "Các chú, các bác có quay trở lại và mang thêm sách vở cho tụi con học không?". Tôi thấy mắt mình cay cay và nhòa đi. Lời con trẻ hồn nhiên đến thân thương. Con trẻ đang hỏi rất thật. Đúng! Phải đầu tư thật nhiều cho giáo dục và có sự quan tâm đặc biệt cho các trường học, cũng như thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa, học sinh ở khu vực miền núi thì các thế hệ tương lai của đất nước mới hi vọng thoát khỏi cảnh sống trong lũ lụt triền miên. Nhà nước cũng bớt đi những khoản tiền rất lớn để cứu trợ cho người dân miền Trung mỗi đợt lũ về.

Trời miền núi về đêm gió thổi mạnh, sương rơi ướt bờ vai, nhưng chúng tôi đều cảm thấy lòng mình ấm lại, khi nghĩ tới việc ngày mai, tất cả các em học sinh lại đến trường học tập, nhưng không phải trong cảnh "học chay" mà học khi đã có đủ sách giáo khoa và vở viết còn thơm mùi giấy do các bạn học sinh và phụ huynh học sinh trên toàn quốc, với tình cảm sâu sắc đã gửi tặng các em học sinh vùng lũ miền Trung. Hơn lúc nào hết, giờ đây, thầy và trò vùng lũ các tỉnh miền Trung đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ không chỉ của ngành Giáo dục mà của cả cộng đồng.

Ngay khi Báo CAND & Chuyên đề ANTG phát động lời kêu gọi hoạt động xã hội- từ thiện để giúp đỡ học sinh vũng lũ, đại diện lãnh đạo Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều (OV Club) và Công ty Vabis Lào đã đến trao cho Báo CAND 500 triệu đồng, trong đó dành 400 triệu đồng để mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập trao tận tay cho học sinh các trường bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ thuộc 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị (mỗi địa phương 200 triệu đồng). 100 triệu đồng còn lại sẽ hỗ trợ cho gia đình có người chết và mất tích trong chiếc xe khách bị nước lũ cuốn trôi ngày 18/10 và 6 thợ lặn đã tham gia tìm kiếm, trục vớt chiếc xe khách nói trên.

Được biết, cả 2 đơn vị (OV CLub và Vabis Lào) đều thuộc Tổng Công ty Bến Thành Moskva. Đây là một doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Liên bang Nga, nhưng từ nhiều năm nay đã có nhiều hoạt động từ thiện hướng về Tổ quốc. Riêng Công ty Vabis Lào hiện đang hoạt động tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về lĩnh vực khai khoáng và các công trình dịch vụ tại Lào, song lại có quan hệ trực tiếp với các tỉnh miền Trung. Trong đợt mưa lũ vừa qua, Công ty Vabis Lào và Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều đã ủng hộ các tỉnh miền Trung với số tiền 1 tỉ 800 triệu đồng.

                                                                                  Theo Báo CAND

Các tin khác


Hình thành văn hóa giao thông "đã uống rượu, bia thì không lái xe"

Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 1 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 80% số vụ (2/10 vụ), giảm 50% số người chết (1/2 người), giảm 72,7% số người bị thương (3/11 người).

Công an huyện Yên Thủy liên tiếp bắt 3 vụ tàng trữ trái phép ma túy

Trong 4 ngày, từ 30/4 - 4/5, Công an huyện Yên Thuỷ liên tiếp bắt 3 vụ, 5 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý. Trong đó, 4 đối tượng cư trú ngoài địa bàn.

Đồng bộ, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực. Để có được kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) một cách quyết liệt, đồng bộ, thống nhất cao từ trên xuống dưới...

Bắt 4 đối tượng tạt sơn vào nhiều xe ô tô

Ngày 4/5, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đã làm rõ thông tin và bắt 4 đối tượng liên quan đến vụ 6 xe ô tô bị tạt sơn tại phường Định Công.

Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái bị khởi tố, bắt tạm giam

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Bắt cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục