CCB Hoàng Minh Giám giới thiệu với lãnh đạo và hội viên Hội CCB thành phố Hòa Bình về những mặt hàng của Công ty đang kinh doanh.

CCB Hoàng Minh Giám giới thiệu với lãnh đạo và hội viên Hội CCB thành phố Hòa Bình về những mặt hàng của Công ty đang kinh doanh.

(HBĐT) - Vào những ngày giáp Tết Quý Tỵ 2013, khi những cành đào đang đua nhau khoe sắc trong không gian của mùa xuân dịu dàng, chúng tôi có dịp được gặp và trò chuyện với những CCB ở TP Hòa Bình. Trở về từ những chiến trường ác liệt, mặc dù giờ tóc đã điểm màu sương khói nhưng tinh thần “thép” ngày ấy vẫn kiên định trong từng nếp nghĩ, việc làm; các anh đang ngày đêm vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, chiến thắng bệnh tật do chiến tranh để lại, làm giàu cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương và làm tốt công tác xã hội.

 

Người CCB đầu tiên chúng tôi gặp tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Giám, phường Tân Hòa là ông Hoàng Minh Giám. ông được nhiều người biết đến không chỉ với cái tài “một tay gây dựng cơ đồ” mà còn là một “mạnh thường quân” của nhiều địa phương và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Sau những năm tháng tham gia trong quân ngũ, CCB Hoàng Minh Giám chuyển ngành và quyết định gắn bó với mảnh đất Hoà Bình để cùng tham gia phá đá, ngăn sông, đắp đập xây dựng công trình thủy điện Hoà Bình. Sau khi công trình thế kỷ được hoàn thành và đi vào vận hành, ông lại tiếp tục chuyển sang một hướng đi mới. Với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ, vượt qua biết bao gian khó, lao động cật lực bằng nhiều nghề khác nhau để hôm nay, ông trở thành một doanh nhân thành đạt với cương vị Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thanh Giám. Doanh nghiệp của ông doanh thu hàng năm đạt gần 40 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với mức lương từ 3-4 triệu đồng/ người/tháng. Những năm gần đây, ngoài việc cung cấp vật liệu xây dựng ra thị trường, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại vật liệu xây dựng, chuyên kinh doanh các trang thiết bị nội thất xây dựng như: thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát, thiết bị cung cấp nước trong nhà... Điều đáng ghi nhận ở Giám đốc Hoàng Minh Giám đó là song hành với sản xuất, kinh doanh giỏi, ở ông còn vẹn nguyên tình cảm thủy chung của người lính. Trong điều kiện khó khăn về vốn, hàng năm, ông vẫn dành một phần lợi nhuận để ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, đóng góp quỹ nghĩa tình đồng đội và quỹ từ thiện, nhân đạo. Riêng trong 2 năm gần đây (2011-2012), doanh nghiệp của ông đã dành trên 100 triệu đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. ông Giám tâm sự: Làm việc thiện là để được sẻ chia yêu thương, tri ân mảnh đất nơi gắn bó với mình, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, tri ân đồng chí, đồng đội.

 

Với CCB, thương binh 4/4 Nguyễn Ngọc Tuấn ở tổ 26, phường Đồng Tiến thì cây tre luôn gắn bó thân thiết với ông bởi hồi còn là lính, chiếc gậy tre luôn trợ giúp ông khi chiến đấu, rừng tre nơi biên giới giúp trú quân, làm hầm che mắt địch... Còn trong thời bình, cây tre lại là loại cây có thể dùng để chẻ tăm hương, không vật liệu nào thay thế được. Sau gần 6 năm tham gia chiến đấu ở khắp vùng miền Đông Nam Bộ, khi đất nước bình yên, trở về quê hương, cũng như bao người lính trở về với đời thường, lúc đó, hoàn cảnh gia đình CCB Nguyễn Ngọc Tuấn đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Là thương binh 4/4, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cuộc sống của gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã bươn chải lao động với nhiều nghề rồi xoay sang nghề đan lát rổ, rá, vất vả, cực nhọc nhưng sản phẩm rổ rá tre do gia đình làm ra không cạnh tranh được với rổ, rá nhựa. Từ thực tế đó, ông Tuấn luôn trăn trở quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói, nghèo, phải thay đổi hướng làm ăn vừa mang tính ổn định, lâu dài, đạt hiệu quả cao. ông đã bàn với vợ, con mạnh dạn tổ chức thành đầu mối thu gom, sản xuất và tiêu thụ tăm hương, bên cạnh đó bỏ công sức xây dựng vùng nguyên liệu ở 8 xã vùng ngoại thành. Bằng kinh nghiệm và sự mày mò học hỏi qua sách, báo, năm 1993, ông đã tìm hiểu, thử nghiệm và tự chế thành công chiếc máy xát tăm tre, đưa năng suất gấp 4 lần so với làm thủ công. Vượt qua bao khó khăn, có lúc tưởng như thất bại nhưng bằng ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ không ngại gian khổ, luôn lao động miệt mài, cần cù, chịu khó, bước đầu, ông đã thành công. Khi đã có vùng nguyên liệu ổn định, sản phẩm tăm tre do xưởng sản xuất của ông làm ra luôn đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp nên đã được thị trường chấp nhận. Hàng tháng, xưởng sản xuất tăm tre của CCB Nguyễn Ngọc Tuấn cung cấp từ 40 - 50 tấn tăm hương ra thị trường các tỉnh phía Bắc. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. ông Tuấn chia sẻ: Tôi chẳng hiểu nguyên cớ gì mà lại gắn bó duyên nợ thân thiết với cây tre đến thế. Hồi trai trẻ là lính chiến hành quân luôn có cây gậy tre trợ giúp, ở rừng tre, mắc võng vào cây tre, che mắt địch bằng lá tre, làm hầm ken bằng thân tre và măng tre dọc dải rừng Bình Phước, Bình Long, Bình Dương là nguồn thực phẩm dồi dào, thậm chí có đận hết gạo phải ăn măng tre trừ bữa mấy ngày và cũng chính cây tre đã mấy lần cứu tôi thoát chết.

 

Câu chuyện của chúng tôi luôn bị gián đoạn, ông phải ngưng lại để tiếp khách. Khách của ông đến bàn việc mở các lớp dạy chẻ tăm hương cho người nghèo, người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/điôxin, tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số... Hoá ra, ngoài việc làm kinh tế giỏi, ông còn làm Chi hội trưởng Chi hội CCB, Hội trưởng Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin phường Đồng Tiến. ông tâm sự: “Bản thân tôi đã và đang trải qua muôn vàn khó khăn nhưng khó nhất là bệnh tật, sức khoẻ. Vì vậy, tôi thấu hiểu những khó khăn mà những người khác gặp phải. Tôi chỉ muốn góp một chút sức lực của mình làm vơi đi những khó khăn đó và cũng là để giúp mình chiến thắng chính mình...”.

 

Chia tay CCB Nguyễn Ngọc Tuấn, chúng tôi đến thăm gia đình CCB Đào Ngọc Phúc ở tổ 14, phường Phương Lâm. Sau cái bắt tay thân mật, ông  dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng cơ sở sản xuất đồ mộc, ông tâm sự: Năm 1975, khi rời quân ngũ trở về, lúc đó rất khó khăn về kinh tế, tôi lại còn bị nhiễm chất độc hoá học nên mỗi lần trái gió, trở trời, cơ thể lại khó chịu, mệt mỏi. Thời gian này, tôi tham gia công tác tại HTX TTCN Thuận Hòa. Đến năm 1986, do kinh doanh gặp nhiều khó khăn, HTX giải thể. Tôi nảy ra ý tưởng khôi phục nghề mộc truyền thống, mở xưởng mộc kinh doanh tại gia. Công việc mở xưởng cũng không hề đơn giản, nào là thiếu vốn, đào tạo thợ cho xưởng...  Tôi đã vận động người nhà, con em đồng đội cũ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên chưa có việc làm đi học nghề.

 

     

CCB Đào Ngọc Phúc giới thiệu với đồng đội cũ của mình về quy trình và kỹ thuật sản xuất đồ điêu khắc.

 

Mọi việc tạm suôn sẻ, xưởng mộc hoạt động bắt đầu có lãi thì năm 1996, khi Nhà nước có lệnh đóng cửa rừng, xưởng mộc của ông khó khăn về nguyên liệu. Sản phẩm khó tiêu thụ. ông lại tính chuyện chuyển hướng học thêm nghề điêu khắc, khảm trai, làm đồ thờ, nghề thêu ren. ông cùng nhóm thợ lặn lội đi tìm các cơ sở sản xuất có uy tín ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để học nghề. Công việc của ông bắt đầu chuyển hướng có hiệu quả. Sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết. Có thời điểm, công nhân làm cho các xưởng của gia đình ông lên tới gần 400 thợ lành nghề. Hiện nay, thu nhập bình quân của thợ chính, lành nghề của xưởng ông đạt 4,5 triệu đồng/ tháng, thợ làm lương thấp nhất 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập của gia đình ông mỗi năm hàng tỷ đồng.

 

Chia tay những CCB trong không khí rộn ràng của mùa xuân đang đến gần, chúng tôi thầm cảm phục những người lính  Cụ Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”... Đâu đấy xa xa vang lên giai điệu thân thương của bài hát “Mùa xuân”. Những ca từ và giai điệu nhẹ nhàng của bài hát như vẽ lên những khung cảnh đầy yêu thương và làm xao xuyến lòng người.

 

 

 

 

                                                                        Hoàng Huy

 

 

 

Các tin khác


Dịp nghỉ lễ, tỉnh Hòa Bình xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5/2024), tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường giao thông trong tỉnh được bảo đảm an toàn, thông suốt. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các lực lượng khác tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, đảm bảo TTATGT. Nhờ vậy không để xảy ra các sự việc đột xuất, bất ngờ ảnh hưởng đến tình hình TTATGT trên tuyến quản lý.

Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục