Ở nhiều địa phương, nhất là đô thị lớn, vào dịp hè, nhiều bậc cha mẹ thường thu xếp cho con em mình trải nghiệm các khóa học kỹ năng sống. Sự nở rộ các trung tâm học thêm, đào tạo kỹ năng cho trẻ liệu có đi kèm với chất lượng hay không?


Học kỳ quân đội, khóa học kỹ năng được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn cho con tham gia trong dịp hè.

Như nấm sau mưa

Ngay từ khi chưa bước vào kỳ nghỉ hè chính thức, các bậc cha mẹ đã có thể thấy vô số tờ rơi, quảng cáo trên mạng xã hội, báo chí truyền thông và nhiều kênh không chính thức về các lớp học, trung tâm đào tạo kỹ năng cho trẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu khắp các trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa thiếu nhi, các trung tâm giáo dục tư…, đều nhanh nhạy mở nhiều khóa học về nghệ thuật, thể thao, giáo dục thể chất, năng khiếu cho học sinh mọi lứa tuổi, từ bậc tiểu học đến THPT. Các lớp kỹ năng ngoại khóa mùa hè không còn gói gọn trong những môn học bơi, đàn, khiêu vũ, múa, mỹ thuật, âm nhạc… như trước đây, mà đã nở rộ với nhiều nội dung đa dạng phong phú hơn, như: "Học kỳ quân đội”, "Lớp cai nghiện online”, "Học thành người có ích”, "Hòa mình với thiên nhiên”, "Học làm bác nông dân”, "Lắp ráp rô-bốt”, "Khóa tu mùa hè”, "Bé thông minh xã hội”, "Kỹ năng ghi nhớ”… Nghĩa là bất cứ chủ đề gì cũng có thể trở thành nội dung của một lớp kỹ năng, với những lời quảng cáo hấp dẫn đầy sức thuyết phục để phụ huynh thấy tầm quan trọng của vấn đề mà đầu tư cho con em mình theo học. Chị Linh Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cảm thấy bối rối khi đứng trước rất nhiều lựa chọn. Kỹ năng gì cũng thấy cần thiết cho con mình. Cả gia đình phải trao đổi để thống nhất chọn cho con theo học một loại nào đó cần thiết và con cũng phải hứng thú nữa. Thật sự là việc mình lựa chọn mới khó, chứ tìm các điểm dạy kỹ năng cho con thì không khó, chỗ nào cũng quảng cáo tốt về chất lượng đào tạo. Muốn tìm một nơi học, tôi phải tham khảo nhiều kênh bạn bè. Ðăng ký học thì dễ vô cùng, chỉ cần một cú điện thoại là sẽ được "chăm sóc” nhiệt tình”.

Ðể góp thêm vào sự phong phú của các lớp dạy kỹ năng, có thêm lựa chọn cho phụ huynh và học sinh, một số trung tâm còn "lạ hóa” chương trình học của mình bằng việc mua bản quyền các chương trình dạy kỹ năng sống của các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Một số chương trình được thiết kế đưa học sinh đi cắm trại ở một nơi xa, thậm chí ra nước ngoài, dành cho những gia đình có tiềm lực kinh tế, sẵn sàng đóng từ 30 đến 40 triệu đồng cho một khóa học. Rồi không chỉ học kỹ năng trong một vài giờ, nắm bắt thực tế nhiều phụ huynh bí chỗ gửi con, một số trung tâm mở lớp dạy kỹ năng bán trú. Con sẽ được ở trường cả ngày, như đi học trong năm, để bố mẹ yên tâm đi làm. Mỗi gia đình tùy vào nhu cầu và mức tiền mình có mà lựa chọn cho con theo học ở đâu, kỹ năng gì, thời gian như thế nào. Nhìn vào thực tế "dày đặc”, "vàng thau lẫn lộn” các lớp học kỹ năng hiện nay, mới thấy cha mẹ dù có tiền đi nữa, tìm được cho con một lớp học chuẩn, chất lượng đào tạo tốt cũng không dễ dàng!

Ngoài việc khó lựa chọn được lớp học hiệu quả, các phụ huynh còn phải đau đầu về học phí, khi dù nhiều lớp học mọc lên, nhưng giá cả thì luôn ngất ngưởng. Mỗi trung tâm một mức học phí khác nhau, từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/tháng cho một học sinh. Nhiều phụ huynh chung một ý kiến, rằng mùa hè chi phí cho con lớn hơn trong năm học, vì các lớp học kỹ năng giá khá… trên trời (!).

Chất lượng có như kỳ vọng?

Mùa hè đúng ra là dịp trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích sau một năm học vất vả, bận rộn. Nhưng thực tế, không mấy gia đình bằng lòng với việc để con em mình rong chơi tự do suốt hè; luôn có nhiều lý do để ngụy biện cho việc các con phải đến trung tâm, lớp học kỹ năng. Ở thành phố, đại đa số bố mẹ vẫn phải đến công sở, nên việc gửi con vào các lớp kỹ năng gần như là một giải pháp bắt buộc. Nhưng, câu hỏi đặt ra là, liệu bố mẹ có kiểm soát được việc các con ở lớp học những gì, hiệu quả ra sao? Và thật sự với một số tiền học phí không nhỏ bỏ ra, sau những khóa học như vậy, kiến thức mà các con thu lượm được có thật sự tốt, làm hài lòng cha mẹ?

Một nữ nhà văn chia sẻ về một lớp học kỹ năng chị được mời đến "gặp gỡ, trao đổi với học viên về kỹ năng sáng tác”, kể lại: Lớp học đó có tên "Làm quen với bảy ngành nghệ thuật”. Người đứng ra tổ chức lớp học là một nam họa sĩ, chiêu mộ mỗi khóa chừng hơn 20 học viên là các em nhỏ mọi lứa tuổi, học bán trú tại một cơ sở anh thuê. Trong 20 ngày học, cha mẹ phải đóng một khoản học phí khá lớn để các em học những kiến thức cơ bản về các ngành nghệ thuật như văn học, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc… Người tổ chức lớp học liên hệ để mời các nhà văn, họa sĩ, đạo diễn, kiến trúc sư đến nói chuyện. Chị được mời nói chuyện một ngày về văn học; bảo muốn nói gì cũng được, các em hỏi gì thì trao đổi cái đó. Chị cảm nhận, việc nói chuyện với các em chỉ để giết thời gian, làm sao cho hết một ngày. Và chị nói về tự do thoải mái, không theo giáo trình nào cả. Các em thật sự không quan tâm nhiều đến câu chuyện của chị, trừ một vài em lớn tuổi tỏ ra chăm chú nghe một chút. Không biết sau một vài buổi học như vậy các em thu lượm được những kiến thức gì, khi mà người tổ chức lớp học không có một chương trình cụ thể để hướng cho các "khách mời” nói đúng, nói trúng vào những nội dung phù hợp nhận thức và lứa tuổi của các em. Nghệ thuật vốn trừu tượng, lại mênh mông, nếu không có phương pháp tiếp cận phù hợp, con trẻ sẽ thấy mình như bơi trong một biển mây mù. Và không phải người sáng tạo nào cũng có khả năng sư phạm để truyền đạt kiến thức mình có đến người khác, nhất là đối tượng học sinh nhỏ tuổi. Không riêng gì nghệ thuật, các kỹ năng khác cũng mông lung không kém. Trước thực trạng này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh nhận xét: "Chúng ta chưa có một bộ giáo trình chuẩn để dạy kỹ năng sống cho học sinh; các sách dạy kỹ năng hiện nay chỉ là những sách tham khảo do các nhà xuất bản phát hành. Chúng ta đang lạm dụng mấy chữ "kỹ năng sống” mà không thật sự hiểu chúng gồm những gì, phương pháp truyền đạt đến con em mình thế nào là chuẩn”.

Thực tế, nhiều bậc cha mẹ chỉ cần nhìn thấy chữ "kỹ năng sống” trên các tờ rơi, quảng cáo là yên tâm gửi con vào trung tâm, mà thực chất không biết con học được những gì ở những lớp như vậy. Tệ hơn, theo tâm lý của một số người, cứ đóng tiền gửi con vào các lớp kỹ năng, đầu tiên là có chỗ gửi trẻ yên tâm đi làm, còn con học được gì không quan trọng. Ngược lại, một số cha mẹ lại quá kỳ vọng khi bỏ một khoản tiền lớn đóng góp và tin rằng sau một khóa học, con sẽ thay đổi hoàn toàn. Ðến khi không thấy mấy hiệu quả, họ lại thở than, thất vọng. Tất cả những cách tiếp cận của cha mẹ như vậy đều chưa đúng. Kỹ năng là một quá trình, trẻ sẽ phải học hỏi thường xuyên. Bản chất kỹ năng sống là thay đổi từ nhận thức đến hành vi, cảm xúc cho nên cần một thời gian đủ dài để hình thành. Trông đợi vào việc con thay đổi theo kiểu "lột xác” sau một khóa học, cha mẹ sẽ nhanh chóng thất vọng. Vì vậy, khi được hỏi có hài lòng về sự thay đổi của con sau các khóa học kỹ năng dịp hè không, phần lớn các bậc phụ huynh đều lắc đầu. Có người nói, con kể lại, đến lớp chỉ để chơi là chính, thầy cô còn bận lướt facebook hay làm việc riêng. Ðáng nói, những khóa kỹ năng đắt tiền, đưa cả giáo trình ngoại vào giảng dạy vì không Việt hóa giáo trình nên những gì thầy cô truyền đạt lại khá xa lạ với học sinh, các em không lĩnh hội được nhiều. Theo cô giáo Nguyễn Thùy Khanh (giáo viên tiểu học quận Thanh Xuân), muốn gửi con vào một lớp học nào đó, cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu kỹ càng, chứ đừng đăng ký cho xong. Cần đến trung tâm, hỏi rõ giáo trình, phương pháp mà trung tâm áp dụng đào tạo cho khóa học, nói rõ những mong muốn của mình để giáo viên và phụ huynh thống nhất mục tiêu đào tạo. Nếu cảm thấy phù hợp với mong muốn của gia đình thì hãy gửi con vào lớp, không thì tìm kiếm cơ sở khác.

Chuyên gia giáo dục Ðồng Xuân Tứ, Giám đốc Trung tâm huấn luyện kỹ năng sống Ðồng Ðội, chia sẻ: "Việc đưa trẻ đến học các khóa kỹ năng dịp hè cũng cần thiết, nhưng không đến mức bắt buộc, vì sẽ chẳng có thay đổi lớn nào đến với một đứa trẻ sau một thời gian ngắn. Học điều gì cũng phải là một quá trình; kỹ năng sống càng phải là một quá trình dài và việc học nó ở trường thậm chí không thể quan trọng bằng học từ gia đình. Cha mẹ mới chính là những người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến các hành vi sống, kỹ năng sống của con trẻ”. Bởi vậy, thay vì việc "đau đầu nhức óc” tìm lớp học kỹ năng, cha mẹ cần chú trọng nhiều hơn vào việc rèn luyện các thói quen tốt cho trẻ ngay từ trong gia đình. Cần dành cho con một mùa hè đáng nhớ bằng được xả hơi, tự do với thiên nhiên; những chuyến đi nhiều kỷ niệm và học tập những điều con tự nguyện, thích thú…

TheoNhanDan

Các tin khác


Nhiều cơ hội mở ra cho thí sinh Đại học, Cao đẳng 2018

Nhằm giúp thí sinh cùng phụ huynh hiểu rõ về những định hướng, cơ hội ngành học cũng như những thay đổi trong việc xét tuyển năm nay, Ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2018 đã diễn ra ngày 15-7 tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2018 của Hà Giang thuộc nhóm thấp nhất cả nước

Sau khi Phổ điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đã có những ý kiến xung quanh vấn đề học sinh ở Hà Giang đạt điểm cao bất thường ở một số môn thi.

6 học sinh Việt dự Olympic Toán học quốc tế đều giành huy chương

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế lần thứ 59 tại Romania đều xuất sắc giành huy chương, trong đó có 1 Huy chương Vàng.

Gặp những bông hoa điểm 10 trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018

(HBĐT) - Đề thi THPT Quốc gia năm 2018 được đánh giá là khó, có tính phân hóa cao. Số bài thi đạt điểm 10 rất hiếm hoi, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng thật tự hào khi trong bối cảnh đó, tỉnh ta đã có 3 thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối ở 3 bộ môn cũng khá đặc biệt là môn Lịch sử, Tiếng Pháp và GDCD. Cả 3 em đều là học sinh trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia đạt 96,05%

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, tỉnh ta có tổng số 8.559 thí sinh dự thi, có 8.221 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia, chiếm 96,05%.

Kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018: Không bất ngờ

Sau khi phân tích điểm thi của thí sinh trên toàn quốc và xây dựng phổ điểm của các môn thi, cho đến thời điểm này, theo đánh giá tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần lớn các môn thi có phổ điểm gần với phân phối chuẩn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục