Đối với nhiều phóng viên, những ngày tác nghiệp tại các "điểm nóng” gian lận thi cử thực sự là trải nghiệm khó quên. Đó là những ngày ngủ chập chờn, phỏng vấn vào lúc 1h đêm; những giọt nước mắt khi biết được sự thật.


Những buổi thông tin báo chí vào nửa đêm của đại diện Bộ GDĐT về tình hình điều tra, làm rõ những bất thường trong điểm thi THPT quốc gia tại một số địa phương.

Cuộc "họp báo” muộn nhất trong lịch sử khoa cử

Những ngày giữa tháng 7, ngay sau khi điểm thi THPT quốc gia 2018 được công bố, nhiều chuyên gia đã phát hiện ra điểm bất thường trong điểm thi của Hà Giang. Số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên 3 môn khối A1 cao vượt trội, cao gấp nhiều lần các địa phương có truyền thống hiếu học như Hà Nội, TPHCM, Nam Định…

Cùng với đó, chúng tôi - những phóng viên theo dõi lĩnh vực Giáo dục - cũng nhận được rất nhiều thông tin từ học sinh của tỉnh Hà Giang, những em vừa bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018 bằng tâm hồn trong sáng, đã nỗ lực hết sức cho kỳ thi quan trọng trong cuộc đời học sinh.

Nhưng thứ các em nhận lại là gì: Là điểm thi không cao như kỳ vọng, là sự phẫn nộ khi chứng kiến những điều "nghịch mắt, trái tai”. Có thí sinh ngủ trong giờ thi vẫn được điểm cao chót vót, có thí sinh học lực không thực sự nổi trội nhưng đạt tổng điểm 27-28 điểm/3 môn, là những lời xì xào về đường dây mua điểm, chạy điểm vào các trường công an, quân đội…

Từ những thông tin học sinh và phụ huynh cung cấp, chúng tôi vội vã lên Hà Giang.

Những ngày đó, trên đường phố Hà Giang, cứ đi vài chục mét, người ta lại gặp cảnh phóng viên chụp ảnh, ghi hình, phỏng vấn, hoặc kỳ cạch gõ bài. Những dòng tin tức nóng hổi về sự bất thường trong điểm thi ở Hà Giang được truyền liên tục về tòa soạn.

Còn khi màn đêm buông xuống, trong khi người dân đã say giấc, đường phố Hà Giang trở về khung cảnh yên bình vốn có, thì tại trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Giang, không khí trở nên "nóng” hơn bao giờ hết.


 Cục trưởng Mai Văn Trinh trả lời phỏng vấn vào lúc 1h đêm.

Tại đó, Tổ cổng tác của Bộ GDĐT có những đêm không ngủ, khẩn trương rà soát những điểm bất thường trong điểm thi. Phía ngoài cổng, phóng viên của hơn 20 cơ quan báo chí trung ương và địa phương túc trực để chờ tin tức. Không ai kêu than nửa lời, dù ăn uống không bữa nào ra bữa nào.

Có lẽ, ai cũng hiểu mình đang sống trong những ngày tác nghiệp đáng nhớ, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử thi cử nước nhà.

Nhưng hơn hết, những giọt nước mắt của học sinh, sự nỗ lực của phụ huynh, những người đã học thật thi thật… là niềm thôi thúc các phóng viên, cũng như thành viên trong tổ công tác phải cố gắng nhiều hơn, để tìm lại sự công bằng.

Và 1h đêm ngày 17.7, một sự việc hi hữu đã xảy ra, đại diện Bộ GDĐT phải tổ chức một cuộc thông tin báo chí bất thường. Ấy là lúc, sau những đêm đấu trí với các đồng nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Mai Văn Trinh và các thành viên trong tổ công tác đã phát hiện ra sai phạm trong khâu chấm thi ở Hà Giang và đối tượng gây ra sự việc chấn động này đã khai nhận hành vi phạm tội.

Một cuộc thông tin chóng vánh, đúng 5 phút, diễn ra ngay tại cổng Sở GDĐT. Phóng viên đến tác nghiệp đa phần là nữ, đi lấy tin trong bộ dạng lếch thếch, PV nam vẫn mặc quần đùi, đi dép lê vì từ lúc nhận tin báo chỉ có vài phút để chuẩn bị. Hầu hết mọi người dành thời gian đó cho việc kiểm tra đồ dùng tác nghiệp, từ máy tính, máy ảnh, máy quay.

Đến nỗi, trước khi trả lời phỏng vấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh khi nhìn một lượt phóng viên đến "tham dự” chỉ kịp thốt lên”: "Thực sự nhìn các em mà anh thấy thương quá”. 

Còn phóng viên, sau cuộc thông tin hiếm có này là bao cảm xúc. Rất nhiều người, gõ những dòng tin tức đẩy về tòa soạn trong nước mắt. Vì hạnh phúc khi sau bao nỗ lực, công bằng sắp được lấy lại cho bao nhiêu thí sinh. Vì rùng mình trước những sự thật được tìm ra: Vì tư lợi cá nhân, những người từng là nhà giáo, rao giảng đạo đức trên bục giảng lại gây ra sự bất công cho bao học trò.


 23h đêm, các phóng viên, báo đài vẫn túc trực ở cổng Sở GDĐT Sơn La để chờ kết quả rà soát điểm thi của cơ quan chức năng. Ảnh: Đ.C

Sau Hà Giang, điểm nóng gian lận thi cử lan sang Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình. Cũng có những cuộc "họp báo” bất thường vào những giờ giấc lạ lùng, như gần 11h đêm. Cũng có những đêm ngủ chập chờn.

Nhưng ám ảnh chúng tôi nhất, chính là những số phận, câu chuyện nghị lực của những thí sinh nhà nghèo, học giỏi tại những địa phương xảy ra việc gian lận thi cử. Các em đang phải trải qua những ngày nặng nề, vì bị miệt thị, quy chụp với những thí sinh được điểm cao nhờ "mua", nhờ quyền lực của gia đình. 

Trận đánh không có người chiến thắng

Còn với người trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GDĐT lên làm rõ những bất thường trong điểm thi tại Hà Giang và Sơn La, PGS-TS Mai Văn Trinh cũng trải qua những ngày với nhiều trạng thái cảm xúc lẫn lộn, vừa phẫn nộ, vừa lo lắng.

"Chúng tôi đã có những cuộc họp, thảo luận, họp hội đồng giữa đêm sang ngày mới. Trong quá trình đó, chúng tôi luôn nhận được sự chia sẻ động viên kịp thời từ Bộ trưởng.

Tôi gọi điện lúc 1, 2h sáng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đều nghe máy, chứng tỏ Bộ trưởng cũng không ngủ trong những ngày chúng tôi ở Hà Giang, Sơn La. Bộ trưởng chỉ đạo rất sát sao và động viên chúng tôi"- Cục trưởng Mai Văn Trinh nhớ lại.

Còn với PGS-TS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII), là người theo dõi sát sao diễn biến những vụ việc gian lận thi cử thời gian qua, bà ví đây là trận đánh lớn trong giáo dục. Nhưng chỉ tiếc là trận đánh này không có người chiến thắng.

Với những người làm công tác giáo dục, nó đau như tự cứa vào da thịt mình. Nhưng nếu không quyết tâm cắt hết những u nhọt, trị tận gốc tiêu cực, nỗi đau này sẽ còn kéo dài và gây nhiều hệ lụy. Quan trọng nhất, nếu sự thật không đi đến tận cùng, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân với sự nghiệp giáo dục.

 

          TheoLaodong

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục