Dự án "Vườn rau thông minh" của trường TH&THCS Yên Mông, TP Hòa Bìnhcó tính ứng dụng thực tiễn cao.
Dự án đạt giải nhì là "Tủ đựng giày tự khử mùi, hút ẩm” của em Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tuấn Dũng (trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ và THPT Công Nghiệp). 2 dự án đạt giải tư là "Hệ thống tự động cảnh báo nguy hiểm do mưa, gió trên cầu” của em Trần Đỗ Phúc và Đỗ Mạnh Cường (trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ); "Hệ thống quản lý dinh dưỡng vườn cây công nghệ cao” của em Bùi Thị Ái Xuân và Nguyễn Phương Nam ( Phổ thông DTNT THPT tỉnh). Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn,vấn đề tiếp cận KH- KT, công nghệ, điều kiện thực hành của học sinh hạn chế thì kết quả này đã tiếp tục khích lệ, cổ vũ cho phong trào sáng tạo KH- KT trong học sinh tỉnh ta.
Đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Hoạt động nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực quan trọng luôn được ngành GD&ĐT quan tâm nhằm khuyến khích học sinh tích cực nghiên cứu, sáng tạo KH-KT công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Hoạt động này cũng góp phần đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức dạy học, đánh giá kết quả năng lực, phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục. Hoạt động sáng tạo KH- KT ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của học sinh, phụ huynh, nhà trường. Để duy trì, khích lệ phong trào sáng tạo KH-KT trong học sinh trung học, hàng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức thường niên cuộc thi KH-KT dành cho học sinh trung học. Điều đáng phấn khởi là số dự án tham gia năm sau cao hơn năm trước và chất lượng các dự án cũng nâng dần qua từng năm.
Cụ thể như cuộc thi cuộc thi KH-KT dành cho học sinh trung học tỉnh năm học 2018-2019 có 51 dự án tham gia dự thi, trong đó có 34 dự án của học sinh bậc THCS, 17 dự án của học sinh THPT. So với năm học 2017 - 2018, số dự án dự thi năm nay tăng 5 dự án và tăng gần gấp đôi số dự án so với năm học 2016 - 2017. Lĩnh vực tham gia dự thi đa dạng hơn, chất lượng chuyên môn các dự án tốt hơn, có sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng hơn... Các dự án tham gia dự thi ở hầu hết các lĩnh vực của cuộc thi do Bộ GD&ĐT quy định. Trong đó, một số lĩnh vực có số dự án tham gia dự thi nhiều như: Kỹ thuật cơ khí, năng lượng vật lý, kỹ thuật môi trường, robot và máy thông minh… Sân chơi sáng tạo KH-KT đã thực sự khơi dậy tinh thần sáng tạo trong giáo viên, học sinh, đẩy mạnh việc học tập lý thuyết gắn với thực hành; là cơ hội cho học sinh thể hiện đam mê, tìm tòi, khám phá, sáng tạo khoa học.
Đặc biệt, bên cạnh một số đơn vị có truyền thống tham gia cuộc thi và đạt thành tích cao như: THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Phòng GD&ĐT TP Hòa Bình, Phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy, PT DTNT THPT tỉnh, THPT Công Nghiệp...,những năm gần đây, một số đơn vị như trường PT DTNT THCS&THPT huyện Lương Sơn, THPT Quyết Thắng… lần đầu tham gia hoạt động này nhưng đã có kết quả tốt. Thực tế này cho thấy sức lan tỏa và ý nghĩa của hoạt động sáng tạo KH-KT trong học sinh, sinh viên đã nhận được sự quan tâm không chỉ của các em học sinh, các thầy,cô giáo mà còn đối với phụ huynh và toàn xã hội.
Đồng chí Đinh Thị Hường,Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Mặc dù còn nhiều khó khăn do ý tưởng nghiên cứu chưa phong phú, kinh phí nghiên cứu KH-KT của các nhà trường còn hạn chế... nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học đã được các trường quan tâm triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đáng ghi nhận là khi phong trào phát triển ngày càng sâu rộng, tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng thì đồng thời khả năng ứng dựng thực tế của hoạt động sáng tạo KH-KT cũng được nâng lên. Các dự án sáng tạo KH-KT của các em có mục đích, đề tài rất thiết thực, gắn bó với cuộc sống hàng ngày như: tủ đựng giày tự khử mùi, hệ thống tự động cảnh báo mưa gió trên cầu, vấn đề quản lý dinh dưỡng cho vườn cây, bảo quản hoa quả, thuyền cứu hộ, khai thác cá trên sông Đà… Điều này cho thấy,học sinh đã vận dụng linh hoạt kiến thức môn học để giải quyết các tình huống thực tếvà khả năng tự học, tự nghiên cứu của bản thân; đặc biệt là sự yêu thích, đam mê nghiên cứu KH-KT.
Dương Liễu