Việc xử lý gian lận thi cử đang gây ra những phản ứng nhiều chiều,
nhất là khi có những thí sinh được nâng sửa điểm vẫn tiếp tục học đại học, rồi
nhiều cán bộ giáo dục lại làm những việc phản giáo dục.
Ngày 23-4, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi
đồng của Quốc hội cũng sẽ mời Bộ GD-ĐT, Bộ Công an báo cáo về vụ gian lận thi cử
chấn động này.
Trước sức nóng của dư luận, Bộ GD-ĐT đã và sẽ làm gì? Bộ trưởng Bộ
GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: "Bộ GD-ĐT đang tích cực phối hợp với Bộ
Công an nhanh chóng xác định đối tượng vi phạm trong vụ tiêu cực, gian lận tại
kỳ thi THPT quốc gia 2018 để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao
che và công khai, minh bạch".
Tôi luôn quán triệt với cán bộ trong ngành giáo dục và những người
tham gia công tác thi cử rằng việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh
ĐH không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục mà còn là nhiệm vụ chính
trị, trách nhiệm với xã hội. Do đó phải đặc biệt coi trọng để đảm bảo tính an
toàn, nghiêm túc, công bằng, chính xác".
"Tôi rất đau lòng..."
* Trong số 222 thí sinh được nâng điểm thi, nhiều em là con cháu
cán bộ ngành giáo dục. Quan điểm xử lý của bộ trưởng ra sao nếu họ bị cơ quan
điều tra kết luận có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh?
- Thi cử phải nghiêm túc, kết quả thi phải đảm bảo trung thực,
khách quan. Tôi rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức
ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh.
Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm
trọng pháp luật. Bộ GD-ĐT không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách
như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ,
công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con
em mình. Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ này.
* Có ý kiến cho rằng tất cả thí sinh được nâng, sửa điểm trong kỳ
thi THPT quốc gia 2018 đều phải hủy kết quả, buộc thôi học, thậm chí không được
thi trong 1-2 năm tới. Còn ý kiến của bộ trưởng ra sao?
- Tất cả hành vi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và
bất cứ kỳ thi nào khác đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Hiện nay, các trường
ĐH thuộc khối công an đã hủy kết quả trúng tuyển, trả về địa phương đối với các
thí sinh được nâng điểm.
Các trường khối dân sự cũng hủy kết quả trúng tuyển đối với các
thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn. Riêng 12 thí sinh có điểm
chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình
điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học.
Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết
luận có tham gia quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí
sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.
Ông Hoàng Tiến Đức (bìa phải) - giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, chứng kiến
việc tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh - trưởng
phòng khảo thí và quản lý chất lượng sở GD-ĐT tỉnh - Ảnh cắt từ clip
Ủng hộ cách xử lý của các trường công an
* Cùng xử lý gian lận thi nhưng các trường công an đã hủy kết quả
trúng tuyển tất cả thí sinh được nâng điểm, còn các trường khác lại "lọc"
một số thí sinh sau chấm thẩm định vẫn đạt điểm chuẩn để cho học tiếp. Việc xử
lý còn khác nhau giữa các trường như vậy có bất thường không, thưa ông?
- Xử lý những sai phạm liên quan đến kết quả thi THPT quốc gia của
thí sinh không chỉ được áp dụng bởi các quy định trong quy chế, mà còn theo các
quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của cơ sở
giáo dục ĐH. Vì thế khi xử lý một trường hợp, chúng ta phải áp dụng các quy định
để đảm bảo tính chính xác, công bằng, nghiêm minh.
Theo quy định của Luật giáo dục ĐH, việc tuyển sinh thuộc quyền tự
chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm
thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường.
Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH có quyền và trách nhiệm xử lý,
không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của bộ. Vừa qua, các trường ĐH khối công an đã
chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ. Tôi ủng hộ cách xử lý của các
trường này.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường phải căn cứ vào quy định của quy chế
tuyển sinh, của đề án tuyển sinh đã công bố, các quy định riêng của từng trường
và quy định có liên quan của cơ quan có thẩm quyền (bộ, ngành, địa phương... nếu
có) để chủ động xử lý nghiêm, đúng pháp luật, đảm bảo có căn cứ và có trách nhiệm
giải trình với xã hội.
Bộ GD-ĐT đang rà soát, tham khảo ý kiến chuyên gia pháp luật để
hoàn thiện các quy chế, quy định của ngành nhằm giải quyết những vấn đề thực tế
phát sinh khi thực hiện cơ chế tự chủ ĐH, đặc biệt là quy định các chế tài đủ mạnh
để răn đe, xử lý được ngay đối với các loại vi phạm gián tiếp trong gian lận
thi cử.
* Để kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2019 diễn ra an
toàn, nghiêm túc, ngành giáo dục sẽ có những thay đổi gì trong tổ chức thực hiện,
thưa bộ trưởng?
- Những "lỗ hổng" về mặt quy trình, kỹ thuật trong tổ chức
thi THPT quốc gia 2018 hiện đã được ngành giáo dục khắc phục. Chúng tôi cũng
tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị kỹ thuật để đảm bảo
an ninh, an toàn trong tổ chức thi; nâng cấp các phần mềm để phòng ngừa, ngăn
chặn và hỗ trợ phát hiện gian lận trong quá trình chấm thi.
Tuy nhiên kỹ thuật, công nghệ có tốt đến đâu nhưng con người tham
gia công tác thi cử mà không tốt, cố ý vi phạm thì sai sót vẫn có thể xảy đến.
Do đó, trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, tôi luôn đặc
biệt yêu cầu ngành giáo dục và đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan phải
lựa chọn cán bộ có năng lực, trách nhiệm, phẩm chất chính trị tốt để tham gia
công tác thi cử và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về nhiệm vụ
được phân công.
TheoTuoitre