P.V: Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện như thế nào?
Đồng chí NGUYỄN VĂN CHƯƠNG: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại tỉnh Hòa Bình có tổng số 8.993 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 61,8% thí sinh chỉ dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT (tăng 3,5% so với năm 2018). Toàn tỉnh sẽ có tổng số 37 điểm thi với 393 phòng thi. Dự kiến có 1.176 CB, GV tham gia ban coi thi, trong đó có 507 cán bộ coi thi là của các trường đại học.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, ngày 9/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập BCĐ kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ngay sau khi thành lập, BCĐ kỳ thi đã tổ chức họp bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, các thành viên BCĐ đã xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại ngành, địa phương mình.
Công tác chuẩn bị được tập trung vào một số nội dung như: tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức kỳ thi; thực hiện tốt việc ôn tập, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng làm bài cho thí sinh; chuẩn bị tốt về nhân lực, cơ sở vật chất, hoàn thiện các điều kiện theo quy định. Bố trí nơi ăn, ở và đảm bảo an toàn cho cán bộ coi thi tại các điểm thi của địa phương; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự; hỗ trợ thí sinh tham gia dự thi. Chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực, phương án in sao đề thi, vận chuyển và bảo quản đề thi, bài thi, cơ sở vật chất phục vụ việc chấm thi.
Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh kiểm tra hệ thống camera giám sát tại trường THPT Phú Cường (Kỳ Sơn).
Cho đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ Quy chế thi THPT quốc gia, đã có sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
P.V: Thưa đồng chí, những giải pháp nào đã và đang được triển khai để phòng, chống gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019?
Đồng chí NGUYỄN VĂN CHƯƠNG: Rút kinh nghiệm từ những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nên việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng, chống gian lận.
Trước tiên, đối với cơ quan thường trực là Sở GD&ĐT, đã tập trung cao cho việc tập huấn nghiệp vụ về quy chế thi, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn gian lận trong thi cử bằng các thiết bị công nghệ cao, việc nhận diện thiết bị công nghệ cao khi đem vào phòng thi. Ngoài ra, ngành cũng đã quan tâm phổ biến kỹ lưỡng đến học sinh về: Quy chế thi, danh mục những thiết bị không được mang vào phòng thi. Tại địa điểm chấm thi và 100% điểm thi đã được trang bị hệ thống camera giám sát theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT nhằm phòng ngừa, hạn chế tiêu cực.
Theo nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ. Đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, bảo đảm an toàn khu vực in sao đề thi, khu vực chấm thi, công tác vận chuyển đề thi, bài thi; quyết tâm không để xảy ra hiện tượng lộ lọt đề thi.
Ngoài ra, một giải pháp phòng ngừa quan trọng đã được triển khai đó là vấn đề nhân sự trực tiếp tham gia, phối hợp tổ chức kỳ thi. BCĐ đã yêu cầu việc lựa chọn, bố trí lực lượng cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi THPT quốc gia phải kỹ lưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn. Quán triệt sâu sắc tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ tham gia kỳ thi. Đặc biệt, thủ trưởng đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng cán bộ, giáo viên được giới thiệu tham gia tổ chức kỳ thi.
P.V: Được biết, thời gian qua, BCĐ thi đã trực tiếp kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia tại các điểm thi trên địa bàn toàn tỉnh. Xin đồng chí cho biết, qua kiểm tra thực tế thì có những vấn đề gì nổi lên cần gấp rút hoàn thiện trước ngày thi?
Đồng chí NGUYỄN VĂN CHƯƠNG: Kiểm tra thực tế tại các điểm thi cho thấy, các nhà trường, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc chuẩn bị cho kỳ thi. Công tác chuẩn bị được đánh giá chung là chu đáo, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, BCĐ cũng đã có một số lưu ý yêu cầu các điểm thi, địa phương cần khẩn trương hoàn thiện.
Trước tiên là về vấn đề cơ sở vật chất. Hiện nay, có một số nhà trường đang tiến hành việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp về cơ sở vật chất thì BCĐ yêu cầu hạn cuối cùng phải dừng thi công là ngày 19/6. Trước khi dừng thi công, yêu cầu các đơn vị xây lắp phải tiến hành vệ sinh công nghiệp công trình đảm bảo an toàn, xây dựng phương án cách ly khu vực thi công. Trong thời gian diễn ra kỳ thi không để cán bộ, công nhân trong khu vực công trình xây dựng. Các nhà trường cũng phải rà soát lại hệ thống điện, thay mới hệ thống chiếu sáng đảm bảo yêu cầu, kiểm tra cơ sở vật chất đảm bảo không để xảy ra những tình huống đáng tiếc trong kỳ thi. Đối với những khu vực phòng thi gần nhà dân (cửa sổ phòng thi cách tường bao nhà trường hoặc cách nhà dân dưới 5m) thì phải dán cửa kính cửa sổ, chú ý giám sát để tránh lộ lọt đề thi. Phải có biên bản bàn giao phòng chứa đề thi, bài thi.
Thứ hai là cần làm tốt công tác bảo vệ an toàn kỳ thi, đảm bảo không có sự xâm nhập trái phép vào hội đồng thi, không để xảy ra việc lộ lọt đề thi. Cần lưu ý đội ngũ cán bộ coi thi thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng việc kiểm tra thẻ dự thi, đối chiếu ảnh, giấy tờ tùy thân, nhất là tại những điểm thi có đông thí sinh tự do, ngăn chặn việc thi hộ. Lưu ý việc đảm bảo ANTT tại các phòng chờ.
Thứ ba là các nhà trường cần tiếp tục tập trung phổ biến, quán triệt sâu sắc về quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Đặc biệt tập trung vào việc phổ biến quy chế thi; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ tham gia kỳ thi, chú ý kịp thời phát hiện ngăn chặn các trường hợp có dấu hiệu sử dụng thiết bị công nghệ cao. Nếu trong quá trình thi có phát sinh tình huống, cán bộ coi thi cần báo cáo trưởng điểm thi để xin ý kiến chỉ đạo, tuyệt đối không được tự ý xử lý.
Thứ tư là kỳ thi diễn ra vào mùa mưa bão, nên các điểm thi phải có phương án dự phòng mất điện. Tại các điểm chấm trắc nghiệm và in sao đề thi phải bảo đảm có máy phát điện công suất lớn dự phòng 24/24 giờ. Đề phòng thời tiết cực đoan có thể diễn ra tại các huyện vùng cao, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, cần có phương án dự phòng hỗ trợ phụ huynh và học sinh.
Công tác chuẩn bị phương án về y tế, ATVSTP, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo ATGT, tiếp sức mùa thi, thông tin tuyên truyền… cũng cần được nước rút hoàn thiện để có thể chủ động xử lý tình huống phát sinh.
Với quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, các nhà trường, địa phương, sở, ban, ngành liên quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, rà soát lại thật kỹ từng khâu trong công tác chuẩn bị và phương án tổ chức thực hiện. Quyết tâm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra an toàn, đúng quy chế.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hơn 38 tỉ đồng hỗ trợ 60 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số và vùng biển đảo là kết quả thỏa thuận vừa được ký kết giữa các doanh nghiệp, Quỹ học bổng Vừ A Dính ngày 11/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh.