Chiều 27/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo.


Quang cảnh tọa đàm. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt trong đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tính đến năm 2024, cả nước có 1.596.735 nhà giáo, (cơ sở giáo dục công lập là 1.383.912 người, ngoài công lập 212.823 người). Với lực lượng nhà giáo công lập đông đảo (chiếm trên 70% đội ngũ viên chức) và lực lượng nhà giáo ngoài công lập ngày càng phát triển, yêu cầu đặt ra là cần có một khung pháp lý đầy đủ, toàn diện, tạo thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Vì thế, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao vị thế, quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Luật được kỳ vọng sẽ tạo ra không khí mới cho nhà giáo nói riêng, ngành giáo dục nói chung. Đây là dự thảo Luật có số chương, điều ít nhất trong các luật từ trước đến nay, thể hiện sự đổi mới về tư duy trong xây dựng pháp luật, đảm bảo tính khả thi trong triển khai và đảm bảo được nguyên tắc căn cơ.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 46 điều. Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo là bước tiến quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà giáo và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định mang tính định hướng, dự thảo luật vẫn cần được rà soát, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và phù hợp thực tiễn.

Ví dụ như việc phân cấp tuyển dụng và điều động nhà giáo cần rõ ràng hơn, tránh chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý; chế độ tiền lương và phụ cấp cần có sự linh hoạt, phù hợp lộ trình cải cách tiền lương; chính sách hỗ trợ nhà giáo cần cụ thể hơn, đảm bảo tính công bằng. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang, dự thảo luật lần này đã có bước tiến rất căn bản, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một đạo luật tập trung điều chỉnh quan hệ pháp luật liên quan đến một chủ thể đặc biệt trong hoạt động giáo dục - đào tạo. Các nội dung trong dự thảo luật đã giải quyết được những vấn đề, khía cạnh cốt lõi nhất như vị trí, vai trò của nhà giáo, việc bảo vệ hay các chính sách đãi ngộ, tuyển chọn, sử dụng nhà giáo… Đặc biệt, trong dự thảo luật thể hiện rõ sự bình đẳng giữa nhà giáo ở khu vực công lập và ngoài công lập; đánh giá đúng mức về đóng góp của khu vực ngoài công lập trong việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội. 

Góc độ cơ sở giáo dục ngoài công lập, ông Tưởng Nguyên Sự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ngô Thời Nhiệm cho biết, giáo viên ngoài công lập rất phấn khởi khi dự thảo luật đã thể hiện sự bình đẳng về vai trò, vị trí giữa nhà giáo ngoài công lập và công lập. Nội dung dự thảo luật đã nêu rõ, cụ thể quyền, nghĩa vụ và những việc không được làm của nhà giáo. Đây là căn cứ quan trọng để tổ chức thực hiện thống nhất chung trong các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập, bởi trước đây, nhà giáo ngoài công lập chủ yếu căn cứ thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

Về vấn đề điều động giáo viên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không cho phép điều động viên chức giữa các địa phương. Cụ thể, hiện nay, các cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở do UBND quận, huyện quản lý nên chưa cho phép việc điều động giáo viên giữa các quận, huyện với nhau; chỉ riêng cấp Trung học phổ thông do Sở quản lý có thể điều động nhân sự trong trường hợp cần thiết. Do đó, cần thiết có sự đồng bộ quy định giữa Luật Nhà giáo và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong thực hiện công tác điều động giáo viên, góp phần giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên.


Theo TTXVN

Các tin khác


Tuyển sinh đại học 2025: Xây dựng tổ hợp xét tuyển cần phù hợp yêu cầu của ngành học

Bắt đầu từ mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, thay vì bắt buộc các trường chỉ được tối đa 4 tổ hợp xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho mỗi ngành học như trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường không giới hạn các tổ hợp xét tuyển.

Trường phổ thông DTNT THCS & THPT B huyện Đà Bắc: Bước tiến mới trong công tác giáo dục

Những năm qua, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc có những tiến bộ đáng kể trong công tác giáo dục, trong đó, Trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) B huyện Đà Bắc đã có đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tại địa phương.

Bộ GDĐT thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Bộ GDĐT vừa có Thông báo số 296 về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các đối tượng được hưởng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng

Theo hướng dẫn một số nội dung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong thời hạn đăng ký dự thi tốt nghiệp (từ 21/4 đến 17 giờ ngày 28/4), thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng phải khai báo trên phần mềm đầy đủ, đúng các thông tin kèm minh chứng để hưởng ưu tiên trong xét tuyển.

Trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số có làm sinh viên ngành xã hội thất nghiệp?

Thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng với sự bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo - AI và chuyển đổi số, đặt ra nhiều thách thức cho sinh viên khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Dù vậy, với những lợi thế sẵn có, cùng sự đổi mới trong đào tạo và kết nối doanh nghiệp, sinh viên vẫn có nhiều cơ hội nếu chủ động trang bị kỹ năng để thích ứng với xu hướng mới.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra ngày 26 và 27-6

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ diễn ra ngày 26 và 27-6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục