(HBĐT) - Học sinh lớp 12 trên địa bàn toàn tỉnh đã phải nghỉ học ngắt quãng gần 3 tháng để phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian học sinh nghỉ chống dịch, Sở GD&ĐT đã tổ chức thực hiện được 114 tiết dạy ôn thi trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Nội dung là ôn tập, củng cố kiến thức học kỳ I.



Trường THPT Yên Hòa (Đà Bắc) tạo điều kiện cho giáo viên trẻ tham gia việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.

Tuy nhiên, do điều kiện về cơ sở vật chất còn thiếu thốn, ý thức tự học cũng như sự quan tâm của phụ huynh đến việc học của con em, nhất là ở vùng sâu, vùng cao còn hạn chế nên việc ôn tập kiến thức cho học sinh trên truyền hình chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Sau khi nghỉ chống dịch, học sinh trở lại trường và kiến thức bị rơi rụng khá nhiều. Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ngành Giáo dục tỉnh tập trung cao độ cho công tác ôn thi, tập huấn. Đặc biệt tăng cường công tác hỗ trợ, giúp đỡ các trường vùng khó khăn trong việc ôn tập.

Thầy giáo Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Đà Bắc) cho biết: Hiện, nhà trường tiến hành ôn thi tốt nghiệp THPT đợt 1 là 3 buổi chiều mỗi tuần cho đến ngày 30/6. Sau đó, khi đã hoàn thành chương trình năm học, từ ngày 1/7 đến khoảng ngày 7/8, việc ôn thi của học sinh lớp 12 sẽ được tổ chức toàn thời gian cả buổi sáng và buổi chiều các ngày trong tuần. Việc nghỉ học do phòng, chống dịch Covid-19 đã có nhiều ảnh hưởng đến kiến thức, ý thức học tập của các em. Do đó, nhà trường phải khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện tốt việc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Đội ngũ giáo viên nhà trường hiện đảm bảo đủ, tuy nhiên, đa số là giáo viên trẻ, chưa có kinh nghiệm ôn thi. Do đó, Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn tích cực dự giờ, cùng trao đổi để giáo viên trẻ có thêm kiến thức, kinh nghiệm ôn luyện. Ngoài ra, các giáo viên trẻ của nhà trường cũng thường xuyên liên lạc, kết nối với các giáo viên cốt cán của tỉnh để được hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn, phương pháp ôn thi. Vừa qua, trường đã tổ chức thi thử lần 1. Từ kết quả thi thử sẽ phân loại học sinh để có phương pháp ôn luyện phù hợp. Ngoài nhóm học sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp, sẽ quan tâm nhiều hơn đến nhóm học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH.

Cùng với trường THPT Yên Hòa, sau khi học sinh đi học lại do nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, các trường THPT, trường DTNT có lớp 12 trên địa bàn tỉnh đã tập trung cho học sinh ôn tập và tổ chức cho học sinh thi thử từ 1 - 2 lần. Căn cứ kết quả thi thử để điều chỉnh phương pháp, nội dung ôn tập, cũng như xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng trong thời gian nước rút trước kỳ thi.

Đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tháng 3/2020, đội ngũ giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng ngân hàng đề thi năm 2020, mỗi môn có từ 500 - 1.000 câu hỏi, tương ứng với khoảng từ 15 - 20 đề. Ngân hàng đề đã bám sát nội dung chương trình giảm tải và đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng để giáo viên, học sinh các nhà trường thực hiện việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Nhằm bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho giáo viên, nhất là giáo viên các trường vùng khó khăn, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã hoàn thành việc tổ chức tập huấn 5 cụm cho tất cả giáo viên lớp 12 của 37 trường THPT, 4 trường DTNT có lớp 12 trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, quan tâm đặc biệt đến các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như THPT Yên Hòa, THPT Mường Chiềng, THPT Cù Chính Lan…, Sở GD&ĐT sẽ bố trí đưa giáo viên cốt cán đến dự giờ, tư vấn, giúp đỡ về chuyên môn khi các nhà trường đề xuất. Giáo viên cốt cán sẽ tập trung hỗ trợ mạnh cho các trường khó khăn vào giai đoạn nước rút cuối cùng.

Đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Kỳ thi năm nay chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, để phục vụ mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT. Do đó, công tác ôn tập cần điều chỉnh phù hợp, giúp học sinh ôn thi nhẹ nhàng, không áp lực và yên tâm, tự tin dự thi. Các nhà trường cần chỉ đạo, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định, để công tác dạy học trong nhà trường an toàn, nghiêm túc, không căng thẳng.

 

Một số vấn đề thí sinh cần lưu ý

* Thí sinh bị đình chỉ thi nếu vi phạm 5 lỗi

Theo quy định, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi nếu vi phạm 1 trong 5 lỗi như sau: Đã bị cảnh cáo 1 lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép vào phòng thi; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.

Thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của môn đó. Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của môn đó. Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài…

* Hủy toàn bộ kết quả bài thi nếu bị đình chỉ thi

Khoản 3, Điều 49, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được sửa đổi, bổ sung nội dung: "Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định.

Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm. Thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó".

 

Nguyễn Quân


Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục