Ngày 15/6 tại TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm chuẩn bị xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học. Tham dự có đại diện của rất nhiều trường ĐH trong và ngoài công lập ở khu vực phía Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Việc triển khai Khung trình độ quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, thực hiện trong nhiều năm trên cơ sở pháp lý của Luật 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) và được Thủ tướng chỉ đạo (thông qua Quyết định 1982 và Quyết định 436/QĐ-TTg) nên việc triển khai cần hết sức bài bản.
Ngoài việc xây dựng chuẩn chung còn có chuẩn các chương trình đào tạo cho các khối ngành và ngành nên rất cần có ý kiến thảo luận, góp ý.
Đây là chuẩn tối thiểu để các trường xây dựng chương trình đào tạo. Các đơn vị sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp cũng sẽ tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình đào tạo phải đáp ứng được yêu cầu hội nhập ASEAN và các nước phát triển.
Mục tiêu chung của chúng ta là nâng cao chất lượng GDĐH đào tạo, công tác đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, những chuẩn chương trình mà chúng ta sắp xây dựng ban hành là chuẩn tối thiểu để các cơ sở GDĐH căn cứ vào đó để xây dựng các chương trình đào tạo của mình.
Chính vì xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng lao động, của sự phát triển kinh tế xã hội nên trong quá trình xây dựng khung trình độ quốc gia sẽ có sự tham gia, góp ý rộng rãi của các cơ sở GDĐH, các hiệp hội, các đơn vị sử dụng lao động" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.
Đa số ý kiến các đại biểu tham dự đều đồng ý với việc cần có chuẩn chương trình đào tạo, vừa làm cơ sở để các trường xây dựng chương trình, kiểm định và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, góp ý với dự thảo ban hành chuẩn chương trình đào tạo, rất nhiều ý kiến cho rằng quy định trong dự thảo của Bộ còn khá cứng nhắc, ràng buộc sự tự chủ của các trường. Bên cạnh đó, dung lượng các khối kiến thức chưa hợp lý có thể dẫn đến chất lượng đào tạo khó đạt yêu cầu.
ThS Lê Văn Hiển, phó Trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Luật TPHCM cho rằng, cấu trúc 120 tín chỉ trong dự thảo quy định khối giáo dục đại cương 30 tín chỉ, cơ sở ngành 30, kiến thức ngành 54, tự chọn 6.
Khối kiến thức đại cương và cơ sở ngành như vậy là quá nhiều trong khi kiến thức ngành lại quá ít. Như vậy khó đảm bảo chất lượng. Do đó, ông Hiển đề xuất khối kiến thức đại cương và cơ sở ngành tối thiểu chỉ khoảng 12-15 tín chỉ để tăng thời lượng cho kiến thức ngành.
Nhiều đại biểu thì cho rằng việc quy định số tín chỉ tối thiểu như vậy khiến các trường khó tự chủ trong xây dựng chương trình dựa vào thế mạnh và đặc thù của mình.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH Bộ GD&ĐT cho biết: Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho GDĐH là những chuẩn mực tối thiểu, là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kĩ năng, thái độ, tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới; phù hợp yêu cầu từng lĩnh vực ngành nghề đó, nhằm quản lý chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí này cũng là căn cứ để xây dựng hệ thống đảm bảo và đánh giá chất lượng, kiểm định chương trình. Các tổ chức kiểm định phải sử dụng bộ tiêu chí để đối chiếu khi thực hiện kiểm định chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục Việt Nam.
Các cơ sở GDĐH có trách nhiệm căn cứ chuẩn tối thiểu đó để xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo, đồng thời không ngừng tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở GDĐH.
Trước ý kiến của các trường, Vụ GDĐH cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ sẽ tiếp tục có những điều chỉnh dự thảo, giảm kiến thức tối thiểu của các khối kiến thức cơ sở để các trường có thể tự chủ hơn trong việc tăng thời lượng kiến thức chuyên ngành.
Theo Dân Trí