(HBĐT) - Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp vì một cuộc sống, tương lai tốt đẹp cho trẻ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cần có những giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em. Từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện, bình đẳng trong môi trường an toàn, lành mạnh, đảm bảo được hưởng các quyền lợi như được sống, học tập, vui chơi giải trí…


Học sinh trường tiểu học Kỳ Sơn (TP Hòa  Bình) thực hành cách sơ cứu cho người bị đuối nước.

Những con số biết nói

Tuy đã được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, nỗ lực thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, thế nhưng, những vụ việc liên quan đến trẻ em như tai nạn thương tích, tử vong do đuối nước, xâm hại tình dục… còn xảy ra là thực trạng đáng buồn. Năm 2019, tỉnh có 224.122 trẻ em, chiếm 26,24% dân số của tỉnh. Có 1.935 trẻ em khuyết tật, trong đó, 499 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, 915 trẻ khuyết tật nặng, 521 trẻ khuyết tật nhẹ. Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.326 trẻ; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 48.283 trẻ. Trẻ em hoàn cảnh đặc biệt có chiều hướng gia tăng, do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, trẻ em sinh sống trong các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở vùng sâu, xa, vùng kinh tế khó khăn.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2019, toàn tỉnh có 175 vụ tai nạn thương tích trẻ em, tăng 17 vụ so với năm 2018, có 29 trẻ bị tử vong do đuối nước. Gần đây nhất, trong hơn 1 tháng (từ ngày 16/4 – 25/5/2020), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ trẻ bị tử vong do đuối nước tại các huyện: Lạc Thuỷ, Lương Sơn, Tân Lạc. Liên tiếp các vụ trẻ bị tử vong do đuối nước xảy ra cho thấy, đây là vấn đề đáng báo động mà cộng đồng xã hội cần chung tay hành động, tăng cường công tác dạy bơi, giáo dục kỹ năng và các biện pháp phòng, chống đuối nước, nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro trẻ có thể gặp.

Ngoài ra, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục tuy đã giảm so với năm 2018, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi. Trong năm 2019 có 18 trẻ em bị xâm hại tình dục (10 trẻ bị hiếp dâm xảy ra tại các địa phương: Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc…; 4 trẻ bị giao cấu tại Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, TP Hoà Bình, 4 trẻ bị dâm ô xảy ra tại huyện Đà Bắc, Lương Sơn, Lạc Sơn).

Số trẻ em nhiễm HIV/AIDS là 26 trẻ. 17 trẻ vi phạm pháp luật tại huyện Lương Sơn, Kim Bôi. 1 trẻ nghiện ma tuý và 1 trẻ bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tinh thần do bị bạo lực.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên một phần do công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa thực sự đạt hiệu quả. Từ đó, nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình và cộng đồng còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến một số hoạt động chưa được triển khai. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cấp cơ sở thường xuyên phải kiêm nhiệm nhiều công việc; mạng lưới cộng tác viên thôn, bản chủ yếu là các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng xóm không được phổ biến nhiều về công tác trẻ em…

Giải pháp giải quyết các vấn đề về trẻ em


Học sinh trường TH&THCS Cao Sơn (Đà Bắc) tham gia hoạt động ngoại khoá với chủ đề "Phòng chống bạo lực trẻ em, bạo lực học đường".

Trao đổi về các giải pháp giải quyết những vấn đề về trẻ em, đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em một cách tích cực nhất, Sở tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Sở đã tập trung công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH ở cơ sở, người chăm sóc trẻ và trẻ em. Đổi mới công tác tuyên truyền, đi vào chiều sâu, tiếp cận cụ thể tới các đối tượng là cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ trên địa bàn dân cư; một số mô hình mới triển khai thực hiện đạt những hiệu quả nhất định như: Mô hình phòng, chống tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước cho trẻ em; tổ chức các phiên tòa giả định tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em. Diễn đàn trẻ em được tổ chức từ cấp huyện đến cấp tỉnh, là hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đã được Luật Trẻ em quy định. Những kiến nghị, đề xuất của các em tại diễn đàn đã góp phần quan trọng để những cơ quan liên quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp thực hiện phù hợp nhằm bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất”. 

Để thực hiện tốt việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, thành phố, đội ngũ bảo vệ, Ban bảo vệ trẻ em các xã, phường, thị trấn dần được kiện toàn, củng cố. Tổ chức tập huấn cho cán bộ các sở, ngành, hội, cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, cha mẹ, trẻ em, giáo viên, Ban chỉ đạo công tác trẻ em cấp huyện, Ban bảo vệ trẻ cấp xã, cán bộ làm công tác cung cấp dịch vụ trẻ em, cộng tác viên… về kỹ năng truyền thông, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ vào các vấn đề của trẻ em.

Tăng cường tuyên truyền về quyền trẻ em và những vấn đề liên quan đến trẻ em tại tất cả các địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức của chính bản thân các em, gia đình, nhà trường, địa phương và cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác rèn luyện phẩm chất đạo đức, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em và phòng tránh tai, tệ nạn xã hội... Các hoạt động ngoại khóa, tập huấn, giáo dục kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em… được Sở LĐ-TB&XH phối hợp triển khai liên tục. In, cấp phát hơn 36.000 tờ rơi về phòng tránh đuối nước tại các huyện, thành phố. Đối với gia đình, cần trang bị cho các em biết cách phòng vệ, tự bảo vệ bản thân khi phát hiện đối tượng có ý định thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với mình.

Các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện sống, cơ hội phát triển toàn diện, bình đẳng trong môi trường an toàn, lành mạnh giữa những trẻ ở vùng sâu, xa với vùng đô thị. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp và chăm sóc kịp thời để có cơ hội phát triển. Phối hợp tổ chức khám sàng lọc, điều trị, phẫu thuật, hỗ trợ phẫu thuật… cho gần 4.400 trẻ khuyết tật bẩm sinh. Đồng thời, tặng hàng nghìn phần quà cho trẻ em nghèo, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, có những bản án thích đáng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em như xâm hại, bóc lột, bạo hành trẻ… Theo hồ sơ vụ án, ngày 9/2/ 2018, Bùi Văn Huỳnh, xã Hữu Lợi (Yên Thuỷ) đã dùng vũ lực thực hiện hành vi giao cấu với cháu B.T.M (SN 2008). Sau đó hành hung và thực hiện hành vi giết cháu M. Được người dân kịp thời phát hiện, cứu chữa nên cháu M. không tử vong. Tuy nhiên, những vết thương do Bùi Văn Huỳnh gây ra làm cháu B.T.M tổn hại 26% sức khoẻ. Với hành vi phạm tội "hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và "giết người”, theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 142; điểm g, khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã tuyên phạt Bùi Văn Huỳnh 20 năm tù giam về tội "hiếp dâm người dưới 16 tuổi”; 20 năm tù về tội "giết người”. Căn cứ quy định tại Điều 55, Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với hình phạt tù có thời hạn, Bùi Văn Huỳnh phải nhận tổng mức án là 30 năm tù giam. Đây chỉ là một trong số những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em, mà đối tượng xâm hại trẻ đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng từ pháp luật, sự lên án của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, vai trò, năng lực của trẻ trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em được phát huy. Trong năm 2019, toàn tỉnh có gần 30 diễn đàn trẻ em các cấp được tổ chức, với sự tham gia của trên 4.600  lượt trẻ; diễn đàn trẻ em cấp tỉnh với chủ đề "Trẻ em với các vấn đề về trẻ em” đã tạo điều kiện cho các em được chia sẻ sự hiểu biết, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình. Đồng thời bồi dưỡng, trang bị cho trẻ kỹ năng thực hành xã hội, nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với bản thân, quê hương, đất nước, từ đó, tích cực rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường, địa phương, cộng đồng xã hội cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm, từ đó chung tay hành động để trẻ em được phát triển trong môi trường sống lành mạnh, sự yêu thương, quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng xã hội.

 Linh Nhật

Tổ chức nhiều hoạt động hè bổ ích, thiết thực

Đồng chí Hà Văn AnBí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Pheo (Đà Bắc)

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong dịp nghỉ hè sắp tới, Đoàn Thanh niên xã sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hoá, giải trí, thể dục - thể thao… lồng ghép truyền thông giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh xa các nguy cơ bị xâm hại, phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước… Qua đó, không chỉ nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho trẻ, mà còn góp phần tạo sân chơi an toàn, hạn chế trẻ mắc tai, tệ nạn xã hội. Đồng thời phát huy quyền tham gia của trẻ vào những vấn đề liên quan đến trẻ em.

 

Mong muốn có thêm nhiều sân chơi

Em Bùi Diệp Linh, Xã Hùng Sơn (Kim Bôi)

Sau 1 năm học tập căng thẳng, mỗi dịp hè đến, chúng em mong muốn có sân chơi thực sự để được thư giãn, giải trí. Hiện nay, em và các bạn thường vui chơi tại sân nhà văn hoá hoặc bãi đất trống... Em mong muốn trên địa bàn xã có nhiều điểm vui chơi miễn phí với các trò chơi ngoài trời như đu quay, cầu trượt, bập bênh… hoặc thư viện, tủ sách phù hợp với lứa tuổi, các buổi sinh hoạt văn nghệ, tập luyện thể dục - thể thao… Một sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích góp phần giúp trẻ em phát triển toàn diện về cả thể chất và trí tuệ.

 




Các tin khác


Giáo viên mầm non xin về hưu sớm

Nhiều chuyên gia ủng hộ việc cho giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55, thậm chí là sớm hơn nữa. Trong gần 10.700 ý kiến gửi về Công đoàn Giáo dục Việt Nam thì có tới 96% ý kiến đề nghị cho giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55, thậm chí là sớm hơn nữa.

Đảm bảo các điều kiện để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra nghiêm túc, trung thực, công bằng

 (HBĐT) - Ngày 18/6, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã tổ chức họp bàn, triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị. 

Trên 500.000 chỉ tiêu vào đại học năm 2020

Năm 2020, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học khoảng trên 500.000 chỉ tiêu. Các trường ở top trên có mức độ cạnh tranh cao nhưng số chỉ tiêu tuyển sinh chiếm chưa đến 10%.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thi tốt nghiệp THPT phải trung thực, nghiêm túc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, phù hợp với lộ trình đổi mới thi, khâu tổ chức được giao cho địa phương. Khi giao cho địa phương thì tính trung thực, khách quan, công bằng phải được đảm bảo.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản số 2115/BGDĐT-QLCL hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.

Bộ Giáo dục: Thí sinh cân nhắc chọn kỹ ngành học nếu không sẽ mất cơ hội

Bộ GD&ĐT đang xem xét lùi thời gian tựu trường sau ngày 15/8 để học sinh có thêm thời gian nghỉ hè và các trường THPT làm công tác thi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục