Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, phù hợp với lộ trình đổi mới thi, khâu tổ chức được giao cho địa phương. Khi giao cho địa phương thì tính trung thực, khách quan, công bằng phải được đảm bảo.
Không gây tâm lý nặng nề, căng thẳng
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Kỳ thi năm nay được giao cho địa phương tổ chức nhưng Bộ GD&ĐT cũng như cá nhân Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo, đặc biệt trực tiếp là những khâu quan trọng như xây dựng và ban hành quy chế thi, ra đề thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, tập huấn.
Các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp quá trình tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng, đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện chặt chẽ, quy định rõ ràng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương, hội đồng thi, điểm thi trong từng khâu tổ chức kỳ thi.
"Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng giao trách nhiệm tổ chức kỳ thi cho các địa phương, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm cuối cùng, sẽ diễn ra an toàn, trung thực, nhưng không gây nặng nề, căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh và xã hội”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ.
Còn bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đồng tình với những giải pháp của Bộ GD&ĐT đưa ra để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, trung thực, tạo sự yên tâm, thoải mái thí sinh, phụ huynh.
"Kỹ năng xử lý tình huống, ứng xử của giáo viên cần được chú ý hơn nữa, đặc biệt với những tình huống có thể không có trong quy chế, để làm sao bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, không gây tâm lý nặng nề, căng thẳng”, bà Ngô Thị Minh góp ý.
Kỳ thi bớt tính "đánh đố” nhưng đảm bảo sự phân hoá
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Chính phủ đã có một lộ trình, trong đó có lộ trình đổi mới kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học gắn với tự chủ đại học, gắn với trách nhiệm giải trình.
Trong những năm thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi, Phó Thủ tướng nêu rõ: So với trước năm 2015, kỳ thi đã có bước tiến rất dài. Bên cạnh những sai sót, kẽ hở, những điểm bất hợp lý, qua từng năm thì rõ ràng kỳ thi đã bớt căng thẳng, áp lực, học sinh bớt học lệch, học tủ.
Cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học được mở rộng để học sinh có thể học đại học, học nghề theo năng lực, nguyện vọng và năng lực.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có 2 điểm dư luận xã hội, cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tổ chức theo Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đòi hỏi kỳ thi bớt tính "đánh đố” nhưng đảm bảo sự phân hoá và độ tin cậy cho các trường đại học tham khảo để tuyển sinh.
Thứ hai là kỳ thi năm nay, phù hợp với lộ trình đổi mới thi, song song với tinh thần phòng, chống dịch bệnh, khâu tổ chức được giao cho địa phương. Khi giao cho địa phương thì tính trung thực, khách quan, công bằng phải được đảm bảo.
Vì vậy, trên tinh thần thảo luận hôm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có một chỉ thị cụ thể, Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi, trực tiếp chỉ đạo các khâu thuộc trách nhiệm của Bộ, trong đó đặc biệt lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Ở địa phương giao trách nhiệm cho UBND tỉnh, thành phố, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn; thực hiện đúng, nghiêm các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng: Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ đáp ứng được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, trung thực nhưng không gây áp lực, căng thẳng cho học sinh và xã hội.
"Đây là năm cuối thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi theo Nghị quyết 29, nếu chúng ta thực hiện thành công thì sẽ tạo niềm tin, tạo đà để tiếp tục thực hiện các khâu đổi mới khác trong giáo dục, đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 trong thời gian tới" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Dân trí