Giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định luật Giáo dục quy định Bộ trưởng GD-ĐT chịu trách nhiệm về sách giáo khoa. Vừa qua, Bộ trưởng đã nhìn nhận rõ sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT.


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình trước Quốc hội về vấn đề SGK
ẢNH: GIA HÂN

Không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm

Sách giáo khoa (SGK) và đổi mới giáo dục là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đề cập, tranh luận tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại QH, sáng 4.11.

Dành phần lớn bài phát biểu dài 7 phút để nói về SGK, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) kiến nghị các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần dũng cảm nhìn thẳng sự thật, cho dừng sử dụng những bộ SGK chất lượng thấp. "Cần thiết thì nên lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục mới để hoàn thiện chặt chẽ”, bà Hiền nói, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm trong sự cố về SGK lớp 1. "Đặc biệt, lỗi sai về trách nhiệm cần phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh ở từng cấp, từng bộ phận. Không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm”, bà Hiền kiến nghị.

Tranh luận với ĐB Phạm Thị Minh Hiền, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh bày tỏ bà chia sẻ với những lo toan, trăn trở của các ĐB, song cho biết "đổi mới chương trình SGK là việc lớn và rất khó”. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, vừa rồi xảy ra đại dịch Covid-19, khiến hoạt động bồi dưỡng giáo viên, học sinh chịu áp lực rất lớn. Việc chuẩn bị cho các em 5 tuổi vào lớp 1 không đủ thời gian vì phải ở nhà do dịch. Bà Minh mong ĐB hiểu những điều đó, nhìn nhận cả chặng đường triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, để có sự đồng thuận, chia sẻ với ngành giáo dục. "Những hạn chế, "sạn" SGK là điều không tránh khỏi và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có những hứa hẹn, và có chỉ đạo rất quyết liệt trong ngành”, bà Minh nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là hết sức đúng đắn. "Tôi tin tưởng rằng Bộ GD-ĐT thực hiện đúng quy trình, trách nhiệm cao và có sự góp ý của các giáo sư, tiến sĩ và ban chỉ đạo. Tất nhiên, đây là lần đầu tiên nên việc thực hiện không thể tránh khỏi sai sót cần phải rút kinh nghiệm”, ông Phương nhận định, và cho rằng không nên đẩy sự việc lên mức độ khiến người dân mất niềm tin về Bộ GD-ĐT. "Ngành GD-ĐT mới làm lần đầu tiên, có những sơ suất như thế thì đề nghị phải có những chia sẻ, làm thế nào đó để cùng chung sức, đồng lòng với Bộ GD-ĐT trong thực hiện Nghị quyết 29 thành công”, ông Phương kiến nghị.

Đã thay chủ tịch hội đồng thẩm định sách tiếng Việt 1

Được mời giải trình vấn đề SGK mà các ĐB quan tâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định luật Giáo dục mới sửa đổi quy định rất rõ về trách nhiệm về SGK, từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập hội đồng thẩm định và quy trình thẩm định ra sao... "Luật quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK ở tất cả các khâu đó. Việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ hay của Thủ tướng Chính phủ”, ông Đam nói. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng dù không thuộc thẩm quyền, song Chính phủ và Thủ tướng đặc biệt quan tâm tới SGK. Theo ông Đam, qua nhiều lần làm việc với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH, có thể nói cuốn SGK tiếng Việt của nhóm Cánh Diều đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt là có lỗi, và cần phải được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học.

Ông Đam cũng khẳng định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã báo cáo và nhìn nhận rõ là có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. "Bộ trưởng cũng đã có các bước chỉ đạo, theo như chúng tôi được báo cáo thì cũng khá cương quyết. Chẳng hạn, Bộ trưởng đã thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt 1”, ông Đam thông tin, và cho biết Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc và "nghiêm khắc” để quy trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy nữa.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí là trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên và những người có kinh nghiệm dạy trẻ, sẽ góp ý, từ đó tiếp thu, chắt lọc những ý kiến đúng. "Những ý kiến nào chưa đúng thì giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận, vì tất cả chúng ta đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu”, ông Đam nói.

Theo Báo Thanh Niên

Các tin khác


Ngoại khóa tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Cao Phong

(HBĐT) - Tại trường THPT Cao Phong vừa diễn ra hoạt động ngoại khóa tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Cao Phong.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020

(HBĐT) - Ngày 31/10, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2019 – 2020 và giai đoạn 2016 – 2020; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020 – 2021 và các năm tiếp theo. Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính Phủ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Sở GD&ĐT gặp mặt các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh năm học 2020 – 2021

(HBĐT) - Ngày 30/10, Sở GD&ĐT tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh năm học 2020 – 2021. Dự buổi gặp mặt có lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh, Sở TT&TT, thường trú Báo Nhân dân, thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hòa Bình.

Huyện Kim Bôi: Sôi nổi Ngày hội "Khi tôi 18" năm học 2020-2021

(HBĐT) - Ngày 27/10, Huyện Đoàn Kim Bôi đã tổ chức Ngày hội "Khi tôi 18" năm học 2020-2021, thu hút đông đảo học sinh các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, phổ thông DTNT THCS-THPT trên địa bàn huyện tham gia.

Giám sát việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN và sáp nhập trường TH&THCS tại huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Ngày 28/10, Ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) đã có buổi giám sát việc thực hiện chương trình giáo dục, mô hình trường học mới VNEN và tình hình sát nhập trường TH&THCS tại huyện Đà Bắc.

Huyện Lạc Thủy bồi dưỡng văn hóa công vụ cho trên 450 người

(HBĐT) - UBND huyện Lạc Thủy vừa phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia tổ chức 2 lớp bồi dưỡng văn hóa công vụ cho 456 học viên là lãnh đạo công chức, viên chức các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn và các trường học trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục