Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Năm học 2019 – 2020, diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 khiến học sinh phải nghỉ học dài ngày chống dịch. Do đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019 – 2020 đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng. Theo số liệu thống kê, có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Đến thời điểm này, sau 2 đợt dịch Covid 19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non được quan tâm, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Công tác giáo dục học sinh khuyết tật được quan tâm đúng mức; công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ được thực hiện hiệu quả, nhất là những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa; chất lượng GD dân tộc được nâng lên.
Ngành GD&ĐT đã thực hiện tốt mục tiêu kép tổ chức Kỳ thi THPT năm 2020 vừa đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid 19 vừa đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng của kỳ thi. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2020 đã tuyển 528.038 chỉ tiêu tuyển sinh, tăng 7,84% so với năm 2019...
Nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020 – 2021 và giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Cụ thể như: Rà soát chính sách và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; rà soát các vấn đề giáo dục và đào tạo trong toàn ngành để chủ động chỉ đạo giải quyết, khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập…
Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển KT - XH của đất nước, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền tới đây cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục. Thực hiện việc tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hơn đến văn hóa trong giáo dục; giáo dục phải hội nhập quốc tế. Để mọi người hiểu, đồng thuận và tham gia, cần hết sức cầu thị, có trao đi đổi lại trên tinh thần tôn trọng để tiếp thu nghiêm túc. Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đổi mới giáo dục là một quá trình và chúng ta phải rất kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới.
Dương Liễu