Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với các tỉnh miền trung, trong đó ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến việc dạy và học gián đoạn suốt nhiều ngày; đời sống của các thầy giáo, cô giáo, học sinh gặp nhiều khó khăn, vất vả. Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, trong những ngày thiên tai khắc nghiệt nhất, các thầy giáo, cô giáo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, bảo đảm an toàn cho học sinh và dạy học ngay sau khi mưa lũ kết thúc.



Thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học - THCS Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lội suối giữa mùa lũ đến trường dạy học.

Vượt lũ vì học sinh thân yêu

Hướng Sơn là một trong bốn xã bị lũ lụt cô lập, tàn phá nặng nhất của huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trong đợt mưa lũ vừa qua. Tất cả đường đến xã đều bị lũ ống cuốn trôi từng đoạn. Thời điểm mưa lũ, ở bên kia con suối Ra Ly hung hãn vẫn có hơn 300 học sinh nội trú của Trường tiểu học và THCS Hướng Sơn đang thiếu lương thực vì bị lũ cô lập nhiều ngày. Không để học sinh đứt bữa, thầy giáo Nguyễn Đình Sâm, Hiệu trưởng nhà trường liều mình băng qua suối Ra Ly để vào thôn Nguồn Rào, điểm chính của trường, cung ứng thực phẩm kịp nấu cơm cho học sinh. Thấy thầy ướt dầm vác thực phẩm vào trường, học sinh thương thầy, ôm nhau khóc nức nở. Nhớ lại buổi sáng 20-10 vượt suối, thầy Sâm cho biết, có khó khăn, nguy hiểm nhưng tất cả vì học sinh thân yêu mà thôi. Không riêng gì huyện miền núi Hướng Hóa, các thầy giáo, cô giáo công tác, dạy học ở huyện miền núi Đakrông cũng gặp muôn phần gian khổ. Vừa đến xã Ba Nang, chúng tôi qua bờ sông A La, thắp nén nhang tưởng nhớ những thầy giáo, cô giáo miền xuôi lên cắm bản dạy học đã vĩnh viễn ra đi vì lũ cuốn. Tháng 10 vừa qua, do sơ suất, thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS A Vao bị lũ cuốn trôi. Nhận được tin thầy Hoàng mất tích trong đêm, dân bản cùng giáo viên của trường nhiều ngày kiếm tìm. Nhưng mọi cố gắng cứu thầy đều không có kết quả, hơn 10 ngày sau, gia đình và người thân mới tìm được thi thể của thầy cách điểm mất tích mấy chục ki-lô-mét.

Tại tỉnh Quảng Bình, trận mưa lũ "lịch sử” trong tháng 10 đã khiến hai xã vùng cao Tân Trạch và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) bị cô lập hoàn toàn trong thời gian dài. Khi đó, các thầy giáo, cô giáo Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch rất lo lắng cho hơn 280 học sinh nội trú. Thầy giáo Hoàng Đức Hòa chia sẻ: Khi lương thực dự trữ đã cạn kiệt sau hai tuần cầm cự, nhà trường phải nấu cầm chừng, bữa ăn chỉ còn là cơm trắng và cá khô. Dè sẻn dần rồi cũng hết, không còn cách nào khác là phải băng qua lũ dữ để đi tìm lương thực, thực phẩm. Các thầy quyết định lên rừng chặt chuối kết thành bè để bám vào đó, vượt qua các chỗ ngập sâu, ra bên ngoài tìm cách tiếp tế lương thực cho học sinh. Hiện nay, con đường độc đạo xuyên rừng già Phong Nha - Kẻ Bàng vào Thượng Trạch dù đã khơi thông, nhưng vẫn còn những bất trắc khó lường trong mùa mưa, lũ. Để đưa cái chữ lên với con em đồng bào Ma Coong, Vân Kiều ở vùng biên giới Thượng Trạch, những cán bộ, giáo viên của Trường phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch vẫn hằng ngày, hằng giờ kiên trì bám trụ.

Quyết tâm sau lũ

Thầy giáo Hoàng Dương Hòa, Trường tiểu học và THCS A Ngo (huyện Đakrông, Quảng Trị) cho biết, mưa lũ đã làm bàn, ghế, máy tính, thiết bị dạy học hư hỏng. Khi học sinh lên lớp trở lại, các thầy phải đi mua sắt về tự cắt, hàn thành từng chiếc bàn học. Bọn trẻ sau lũ đến trường chỉ bằng tay không vì nhà các em cũng bị trôi hết tài sản, sách, vở, đồ dùng học tập. Thương các em, các thầy góp tiền đi mua từng chiếc khăn quàng đỏ, xin từng quyển vở, chiếc áo ấm. Theo cô giáo Từ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trường Sơn (Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), sáng 9-11, học sinh đi học trở lại tại lớp học vừa dựng tạm. Đây là điểm cuối cùng của trường tổ chức được dạy học trở lại sau trận lũ lớn. Lớp học này gồm 15 em thuộc các lớp 1, 2 và 3. Riêng học sinh lớp 4 được đưa về học tập và ở nội trú tại trường trung tâm. "Lớp học tạm sẽ duy trì và chỉ chuyển về điểm trường cũ khi được khắc phục, đủ điều kiện an toàn. Để kịp chương trình, trường tổ chức dạy học cả thứ bảy và chủ nhật. Trong những ngày qua, trường đã vận động và hỗ trợ đầy đủ sách vở, quần áo, giày, dép cho học sinh” - cô Hà chia sẻ. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Nguyễn Văn Vững cho biết, sau trận lũ lịch sử vừa qua, ngành giáo dục huyện cần nguồn kinh phí lớn để tu sửa lại trường, lớp, hàng rào, trang thiết bị dạy và học. Hiện ở những điểm trường, phòng học hư hỏng chưa tổ chức dạy học được, phòng chỉ đạo dồn điểm, ghép lớp, vận động hỗ trợ sách, vở để các em bảo đảm điều kiện học tập; những hư hỏng nặng sẽ đề nghị cấp trên tìm cách khắc phục dần. Theo báo cáo của Sở GD và ĐT Quảng Bình, đợt mưa, lũ đã làm ba học sinh tiểu học chết do bị lũ cuốn. Toàn tỉnh có 334 trường với 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách vở, thiết bị dạy học bị hư hỏng, trôi theo lũ; tổng thiệt hại ước tính khoảng 370 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Trị có 200 trường học với 308 điểm trường bị ảnh hưởng với hơn 2.100 phòng học ngập nước từ 1 đến 3 m. Gần sáu nghìn bàn, ghế, tủ; hàng chục nghìn thiết bị trường học, đồ dùng khác bị hỏng... Tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 100 tỷ đồng. Ngành GD và ĐT các địa phương đang khắc phục hậu quả để sớm ổn định việc dạy học. Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Quảng Trị Lê Thị Hương cho biết, các đợt mưa lũ trong tháng 10 đã làm ngành giáo dục địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Trên tất cả, vì học sinh thân yêu, cho nên ngay trong những ngày mưa, lũ khắc nghiệt nhất, các thầy giáo, cô giáo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, quyết tâm tổ chức dạy, học trở lại bình thường. Sở GD và ĐT Quảng Trị đã thành lập các đoàn kiểm tra nắm tình hình, động viên các trường làm tốt công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ; huy động giáo viên các trường không bị ảnh hưởng mưa, lũ đến giúp các trường bị ngập lụt nặng; học sinh THPT đến giúp các trường tiểu học, mầm non. Với quyết tâm cao, đến nay, tất cả trường học ở vùng lũ Quảng Trị đã trở lại học tập bình thường.

Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước những thiệt hại do mưa, lũ gây ra, Bộ GD và ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần phát động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị và cá nhân quyên góp, ủng hộ bằng tiền, bàn ghế, thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em bảo đảm thiết thực, đúng đối tượng. Đồng thời đề nghị các trường đại học, cao đẳng rà soát, nghiên cứu xem xét miễn giảm học phí cho sinh viên đến từ các địa phương bị ảnh hưởng mưa, lũ. Trước mắt, các nguồn ủng hộ sẽ được ưu tiên dùng để mua sách, vở cho học sinh vùng lũ, cố gắng tất cả học sinh có sách, vở đến trường; ngoài ra, sẽ sử dụng để khắc phục một phần khó khăn, thiếu thốn về bàn ghế, thiết bị, đồ dùng học tập. Sau thời gian phát động, Bộ GD và ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tiếp nhận và trao tặng hàng nghìn bộ sách giáo khoa, bàn, ghế học sinh, đồ chơi trẻ em cho ngành giáo dục bốn tỉnh miền trung trị giá hàng chục tỷ đồng.

            Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Kỷ niệm 20 năm thành lập trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật, 5 năm thành lập trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật

 (HBĐT) - Ngày 17/11, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT - KT) đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập trường Trung học KT - KT, 5 năm thành lập trường Cao đẳng KT - KT, 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học 2020 – 2021. Đến dự, chúc mừng nhà trường có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Trao Bằng khen và sổ tiết kiệm tặng 63 giáo viên người dân tộc thiểu số

Tối 16-11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam đã trao sổ tiết kiệm và các phần quà tặng 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, mỗi sổ trị giá mười triệu đồng.

Để vẹn nghĩa tri ân và tôn vinh các nhà giáo

(HBĐT) - Vẫn biết, "Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” và là người dân Việt Nam hẳn ai cũng đã từng nghe, từng biết và thuộc lòng vài câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhắc nhở , mạn đàm về tinh thần "Tôn sư, trọng đạo” như: "Muốn sang thì bác cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”; "Ơn thầy soi lối mở đường/ Cho con vững bước dặm đường tương lai”, " Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/ Con ơi ghi nhớ điều này chớ quên”, đến Tết cổ truyền của dân tộc Việt cũng được mặc định : "Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”... Và đúng vậy, công ơn của thầy cô được ví như trời, biển, không chỉ các em học sinh mà cả các bậc phụ huynh cũng trân trọng tri ân vào dịp lễ, Tết, đặc biệt là dịp 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tạo động lực cho giáo viên người dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn

Chiều 16/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi gặp mặt 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

Trường Trung cấp Y tế Hòa Bình khai giảng năm học 2020 - 2021

(HBĐT) - Ngày 16/11, trường Trung cấp Y tế Hòa Bình tổ chức khai giảng năm học 2020 - 2021 và kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020). Tới dự và chúc mừng có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục