Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội.
Mở về tư duy, tầm nhìn chiến lược, lấy con người làm trọng tâm
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, nhiệm vụ của ngành Giáo dục trong công cuộc chuyển đổi số là chuyển đổi số các hoạt động trong ngành. Bên cạnh đó, mục tiêu rất quan trọng là phát triển con người và đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, ngành Giáo dục đặt ra 2 mục tiêu rất cơ bản.
Thứ nhất, chuyển đổi cách dạy và học, cách quản trị, quản lý dựa trên công nghệ số, hướng tới hệ thống giáo dục đào tạo với chi phí thấp, tiếp cận dễ dàng với mọi người dân. Có như vậy chúng ta mới tạo đột phá nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo với chi phí thấp.
Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với nâng cao năng lực về khoa học công nghệ phục vụ phát triển nền kinh tế số, xã hội số và quốc gia số.
"Cuối cùng, câu chuyện chuyển đổi số không phải vấn đề công nghệ mà vấn đề ở tầm nhìn chiến lược, cách làm cách tư duy, suy nghĩ. Và con người phải là trung tâm, là chủ thể của quá trình chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số, đặc biệt trong giáo dục đào tạo cũng để phục vụ con người.
Con người chính ở đây trong giáo dục, trước mắt là học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên. Với mọi công nghệ làm sao khai thác tối đa lợi thế công nghệ, cập nhật công nghệ mới nhất của thế giới nhằm giúp người thầy dạy tốt hơn, học trò dễ học hơn và người quản lý giáo dục thì nhẹ nhàng hơn", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ, từ một số ít trường năm 2007, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai đào tạo tín chỉ. Hàng chục ngàn sinh viên, hàng ngàn lớp học và mỗi sinh viên một kế hoạch học tập, thời khóa biểu, một lịch thi…
Việc đăng ký học tập, xem xét kết quả học tập, đăng ký tốt nghiệp, đóng học phí… nay chỉ cần qua một thiết bị di động. Ngay như thời điểm dịch Covid-19, với phương châm "tạm dừng đến trường, không ngừng học", đã có 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo tổ chức dạy học - trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy - học hoàn toàn qua mạng. Ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên trước đại dịch Covid-19.
Về kế hoạch ngành Giáo dục sẽ làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng nêu lên 4 vấn đề cơ bản: Thứ nhất, phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; Thứ hai, phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; Thứ ba, xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; Thứ tư, phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Thứ trưởng kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025; Văn phòng Chính phủ hỗ trợ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng và triển khai các chính sách, đề án, dự án; hỗ trợ kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đối với các tập đoàn, công ty công nghệ, Thứ trưởng mong muốn sẽ nhận được sự hợp tác xây dựng nền tảng dùng chung trong ngành Giáo dục và hợp tác với các cơ sở GD-ĐT trong đào tạo nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp hiệp lực góp sức
Ông Phạm Đức Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng giám đốc tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) cho biết, VNPT đã đồng hành cùng ngành Giáo dục và ngành Thông tin và Truyền thông triển khai giải pháp VNPT E - Learning đến hơn 21.000 trường học; 600.000 giáo viên, 8 triệu học sinh và hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra.
Ông Long nhấn mạnh, ngành Giáo dục cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ với ngành mà còn tác động lớn đối với đất nước - cả trước mắt và lâu dài. "Trên môi trường số, các quyết định đều dựa trên dữ liệu, do đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành là hết sức quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số", ông Long nói.
Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, đánh giá giáo dục và đào tạo là ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin song, quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập nhất định.
Chẳng hạn, Bộ GD&ĐT đã ban hành chuẩn kết nối, chuẩn cơ sở dữ liệu từ năm 2019 nhưng các quy chuẩn này vẫn chưa đầy đủ dẫn đến cơ sở dữ liệu của các địa phương chưa thực sự kết nối hoàn toàn với của Bộ. Thêm nữa, các ứng dụng phần mềm triển khai nhiều ở cấp trường, có khoảng 16 phần mềm ở một nhà trường, nhưng rời rạc gây bất tiện cho người dùng. Theo ông Dũng, rất cần xây dựng nền tảng chuẩn để triển khai đồng bộ nhà trường thông minh.
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho ngành giáo dục trong giai đoạn tiếp theo, ông Dũng đề xuất Bộ cần sớm ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 cho ngành, đồng thời ban hành quy chuẩn công nghệ, kiến trúc thiết kế, yêu cầu nghiệp vụ với các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và nhà trường. Các quy chuẩn này cũng cần được cập nhật kịp thời để công bố trên Cổng thông tin của Bộ.
Bộ cũng cần nhanh chóng nghiên cứu, sớm ban hành khung pháp lý để công nhận kết quả học tập trên môi trường số và chính thức áp dụng, sử dụng học bạ điện tử cho ngành.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT nhắc đến "ước mơ thần tốc" về chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng. Tại sao lại là ước mơ thần tốc?
Bởi nhân loại và Việt Nam đang đứng trước những thách thức không ngờ tới.
"Nhìn về tương lai có thể thấy điều chắc chắn nhất là không có gì chắc chắn cả. Báo cáo của các tổ chức thế giới viết 10 năm nữa thôi, 85% công việc mà chúng ta làm là chưa tồn tại. Vì vậy, tất các dân tộc đang bước vào cuộc đua số. Trên bước cùng vạch xuất phát này, chúng ta có lợi hay có hại? Việt Nam đang được đứng trước ở vạch xuất phát trong cuộc đua này. Bởi lẽ, những nước đã đi qua rất nhiều cuộc đua khác, họ phải quay về vạch xuất phát", ông Bình nói.
Nhắc lại câu nói của huấn luyện viên Park Hang-seo "Bước vào cuộc đua, chúng ta không thể thiếu một ước mơ chiến thắng", "Đã đánh là phải thắng, quyết thắng từng trận một" và một nền bóng đá Việt Nam hoàn toàn khác, ông Bình cho rằng cuộc đua chuyển đổi số "cần vô cùng tận một quyết tâm chiến thắng".
Covid-19 ập đến và chúng ta có gì trong tay? Có phải chúng ta có một nền y tế cộng đồng phát triển hay không? Chúng ta không có gì cả nhưng chúng ta vẫn chiến thắng. Cho nên ngoài quyết tâm chiến thắng, ông Bình bày tỏ mong muốn, hy vọng Bộ trưởng GD&ĐT cùng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông "mở tất cả cánh cửa để có một cuộc chiến thần tốc". Ông cũng kêu gọi cộng đồng công nghệ thông tin dốc lực cùng thực hiện ước mơ này.