(HBĐT) - Năm học 2020 - 2021 đã gần kết thúc học kỳ I. Đây là năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Sau 3 tháng thực hiện gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng triển khai chương trình. Những khó khăn liên quan đến việc triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 1 chưa được tháo gỡ, ngành Giáo dục lại tiếp tục chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT mới ở lớp 2 và lớp 6, năm học 2021 - 2022.


Học sinh lớp 1, trường tiểu học Mường Chiềng, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) học môn tiếng Việt theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Khó khăn trước tiên là vấn đề đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, toàn tỉnh hiện thiếu đến 121 giáo viên tiểu học. Do tình hình dịch Covid-19, việc triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên lớp 1 có gián đoạn, ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ, chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới. Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua trực tuyến, thực hành trên môi trường mạng. Tỷ lệ giáo viên đạt 1,32 giáo viên/lớp, theo đó, tỷ lệ các trường dạy học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần) mới chỉ là 157/689 lớp, đạt 22,7%. Ngoài ra, tỷ lệ giáo viên phân bổ không đồng đều giữa các huyện dẫn đến thừa thiếu cục bộ. Một số huyện tỷ lệ giáo viên thấp, chưa đảm bảo theo quy định nên chưa tổ chức học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh lớp 1 như: Kim Bôi (1,17 giáo viên/lớp), Lạc Sơn (1,21 giáo viên/lớp), Mai Châu (1,2 giáo viên/lớp), Lương Sơn (1,08 giáo viên/lớp).

Cùng với việc thiếu giáo viên, tỉnh gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến chương trình và sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Trong SGK môn tiếng Việt lớp 1 có nhiều âm, vần, bài đọc dài, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học. Tuy nhiên, chương trình không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học; SGK không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây, mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức. Do đó, các nhà trường phải giao cho giáo viên nghiên cứu chương trình, SGK, đặc điểm của học sinh tại trường để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng. Cùng một chủ đề trong SGK, nhưng tùy vào đối tượng học sinh mà trường này có thể dạy 2 tiết, trường khác có thể dạy 3, 4 tiết. Tốc độ thực hiện chương trình nhanh hay chậm từng giai đoạn có thể khác nhau, miễn là không vượt quá tổng thời gian cho môn học đó trong 1 năm. Trong quá trình thực hiện, giáo viên nhà trường điều chỉnh cho phù hợp (đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn), vì vậy giáo viên, nhà trường nhiều nơi còn lúng túng, chưa mạnh dạn thực hiện, vẫn thực hiện theo cách cũ. Ngoài ra, phụ huynh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình; so sánh chương trình cũ và mới, đưa ra những nhận định, đánh giá chưa thật phù hợp, đầy đủ, gây áp lực cho con và cho giáo viên, nhà trường…

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất nhiều trường chưa đảm bảo cho việc thực hiện chương trình GDPT mới. Đối với phòng học của lớp 1 năm học 2020-2021, đạt tỷ lệ 1,02 phòng học/lớp, tuy nhiên, do phân bố không đồng đều, một số trường phải sử dụng phòng học tạm, mượn, đặc biệt các điểm trường lẻ phòng học đã xuống cấp, chưa được sửa chữa, diện tích không đảm bảo cho tổ chức các hoạt động giáo dục. UBND các huyện, thành phố chưa bố trí nguồn kinh phí để mua sắm đủ bộ thiết bị dạy học lớp 1, giáo viên gặp khó khăn khi lên lớp (toàn tỉnh hiện thiếu 417 bộ đồ dùng dạy học cho giáo viên). Một số địa phương chưa chủ động trong công tác xã hội hóa để mua đồ dùng học tập nên một số học sinh còn phải dùng chung.

Những vướng mắc đối với việc triển khai chương trình GDPT ở lớp 1 chưa được giải quyết thì cũng như cả nước, tỉnh đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để lớp 2 và lớp 6 sẽ triển khai chương trình GDPT mới trong năm học 2021 - 2022. Trong khi đó, hiện, Hòa Bình là 2 trong 7 tỉnh miền núi phía Bắc chưa được cấp kinh phí tập huấn giáo viên cốt cán cấp THCS, THPT Chương trình GDPT năm 2018 theo chương trình của Bộ GD&ĐT; chưa có tài khoản học tập trực tuyến, chưa nộp được kết quả học tập qua tài khoản trực tuyến. Do vậy, các thầy, cô giáo cốt cán chưa được cấp chứng chỉ bồi dưỡng, tập huấn, chưa đủ điều kiện để triển khai tập huấn các lớp đại trà. Mặt khác, chương trình tập huấn kéo dài nên trong quá trình tham dự tập huấn, các giáo viên cốt cán có thể phải thay thế (lý do chủ quan hoặc khách quan), hoặc phải học bù và kinh phí học bù không được chi trả, dẫn đến khó khăn cho công tác điều động giáo viên của Sở GD&ĐT. Thời gian tổ chức bồi dưỡng, tập huấn vào năm học ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của các đơn vị, trường học. Địa điểm tổ chức một số bộ môn của tỉnh được đặt tại tỉnh Sơn La, gây khó khăn về đi lại cho giáo viên. Khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới đối với cấp THPT, còn thiếu giáo viên giảng dạy các môn mới (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Công tác biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS (đặc biệt là tài liệu giáo dục địa phương dành cho lớp 6 được giảng dạy vào năm học 2021-2022) cũng chưa được triển khai, không đảm bảo tiến độ. Việc chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến công tác bồi dưỡng giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục địa phương - vốn là môn mới và là môn bắt buộc trong Chương trình GDPT năm 2018.


Dương Liễu

Các tin khác


Trường PT DTNT THCS & THPT huyện Kim Bôi: Hiệu quả từ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt

(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Kim Bôi (PT DTNT THCS & THPT Kim Bôi) vào đúng dịp nhà trường đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt lập thành tích chào mừng kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2020).

Trường TH&THCS Nam Sơn: Cánh chim đầu đàn của giáo dục vùng cao Tân Lạc

(HBĐT) - Vùng cao huyện Tân Lạc mùa đông đến sớm. Gần 7h mà con đường dẫn vào trường TH&THCS Nam Sơn (xã Vân Sơn) vẫn mịt mù sương muối, không nhìn rõ mặt người. Thời tiết khắc nghiệt là vậy, nhưng vẫn không ngăn được bước chân học sinh vùng cao hiếu học đến trường. Vượt lên rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhiều năm liền, thầy trò trường TH&THCS Nam Sơn luôn giữ vững vị trí là cánh chim đầu đàn của giáo dục vùng cao Tân Lạc.

Tập huấn giảng viên kiêm chức (bước 2) cho trên 30 cán bộ Công đoàn chuyên trách

(HBĐT) - Ngày 23/11, LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn giảng viên kiêm chức (bước 2) cho trên 30 đồng chí cán bộ Công đoàn chuyên trách Công đoàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng ăn bán trú cho trẻ mầm non

(HBĐT) - Toàn tỉnh có 190/222 trường mầm non (MN), đạt 85,6% đã sử dụng phần mềm về tính khẩu phần ăn và quản lý bếp ăn (các phần mềm đều được Bộ GD&ĐT khảo sát và có văn bản công nhận đủ điều kiện). Các trường còn lại thực hiện theo cách tính khẩu phần dinh dưỡng theo phương pháp truyền thống và vẫn đảm bảo đúng và phù hợp với khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi MN của Bộ Y tế. Các bữa ăn không chỉ đảm bảo về lượng mà cũng không ngừng được nâng cao về chất. Qua đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt.

Ngành Giáo dục: Hiệu quả từ phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” 

(HBĐT) - Thời gian qua, phong trào thi đua "Giỏi việc trường, đảm việc nhà” do Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh phát động đã tác động mạnh mẽ, tạo động lực để nữ cán bộ, nhà giáo trong các đơn vị phát huy năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục và chăm sóc gia đình.  

Trường Mầm non Bình Chân đón bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1

(HBĐT) - Ngày 17/11, trường Mầm non Bình Chân, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) tổ chức lễ đón bằng công nhận trường Mầm non Bình Chân đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, giai đoạn 2020 - 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục