(HBĐT) - Tối 30/1, Hòa Bình xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ngoài cộng đồng. Để thực hiện công tác phòng, chống dịch (PCD), học sinh toàn tỉnh được nghỉ học từ ngày 31/1. Ngay khi có quyết định của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh nghỉ học để PCD, các đơn vị trường học đã khẩn trương triển khai việc dạy học trên internet. Rút kinh nghiệm từ những đợt "tập dượt” trong năm 2020, nên đợt học trên internet lần này được các nhà trường triển khai khá thuận lợi, nhuần nhuyễn. Cô trò không gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ như trước đây.


Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) triển khai việc dạy học qua internet. 

Tìm hiểu thực tế tại trường tiểu học Dạ Hợp, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) được biết, tuần học từ ngày 1 - 5/2 của trường có 71% học sinh tham gia học online và làm bài theo phiếu học tập gửi giáo viên chủ nhiệm, thầy, cô giáo bộ môn. Hiện, nhà trường tích cực triển khai các điều kiện ứng dụng phần mềm Microsoft 365 (thay thế phần mềm Zoom đã sử dụng trong thời gian qua). Tất cả học sinh của trường được cấp tài khoản Office 365A1 để tham gia lớp học trực tuyến.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở GD&ĐT có văn bản tiếp tục cho học sinh nghỉ học từ ngày 17 - 21/2 để thực hiện các giải pháp PCD. Các nhà trường tiếp tục triển khai việc dạy và học qua internet.

Đồng chí Phạm Thị Hải Châu, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) cho biết: Ngày 18/2, trường chính thức tổ chức việc dạy và học qua internet. Điểm đặc biệt của đợt học này là nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh đã có sự chủ động chuẩn bị từ trước. Trước khi nghỉ Tết Âm lịch, nhà trường đã có phương án, kế hoạch cụ thể, thống nhất giữa các tổ chuyên môn, giáo viên. Đồng thời, thông báo kế hoạch dạy học trên internet đến phụ huynh, học sinh để các gia đình có sự chuẩn bị, bố trí phương tiện, thời gian, nhắc nhở con em thực hiện việc học trên internet. Các thầy, cô giáo đã gửi đề cương học trên internet cho học sinh. Việc học trên internet thực hiện theo đúng thời khóa biểu chính thức, nội dung học bài mới theo phân phối chương trình chính thức chứ không phải ôn tập. Do đã có sự chuẩn bị từ trước nên ngay trong ngày đầu tiên, tỷ lệ học sinh tham gia học đạt trên 99%. Trừ 1 trường hợp giáo viên thuộc diện F1 dạy học tại nhà, còn lại tất cả giáo viên đến trường để thực hiện việc dạy học trên internet.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT, đơn vị trường học trực thuộc căn cứ tình hình thực tế của địa phương, nhà trường để chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện tăng cường các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình, hỗ trợ trực tiếp học sinh tự học ở nhà trong thời gian nghỉ học để PCD Covid-19. Cụ thể như các nhà trường, giáo viên tổ chức giao nhiệm vụ, bài tập làm ở nhà cho học sinh bằng các hình thức phù hợp (thông qua tin nhắn, giao bài trực tuyến...), đảm bảo việc tự học tại nhà của học sinh, chuẩn bị tốt cho việc học sinh đi học lại theo lịch. Đồng thời, tổ chức rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học (xây dựng các chủ đề ôn tập hỗ trợ kiến thức, kỹ năng hoặc tiếp tục triển khai chương trình học kỳ II ở một số môn học) để tổ chức dạy học qua internet, hoặc lựa chọn các công cụ dạy học phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng trường, từng giáo viên, học sinh để triển khai thực hiện. Ngoài ra, các nhà trường phải chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chuyên môn, giáo viên tham khảo, sử dụng nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập. Tham khảo các chương trình giảng dạy, ôn tập kiến thức cho học sinh được phát sóng trên các kênh truyền hình như: VTV7, VTC, QTVtube..., hoặc trên các website: kho học liệu trực tuyến từ lớp 1 đến lớp 12 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các kênh truyền hình khác được công bố trên cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT theo đường link: moet.gov.vn.

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Đối với học sinh không có điều kiện để ứng dụng công nghệ thông tin, học trực tuyến trên internet, truyền hình... yêu cầu giáo viên phân loại học sinh, xác định cụ thể đối tượng học sinh cần được hỗ trợ trực tiếp tại gia đình. Cán bộ quản lý phân công giáo viên giám sát, hỗ trợ học sinh học tập theo thôn, xóm, tổ trên địa bàn. Lãnh đạo các đơn vị trường học chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên lập kế hoạch hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo từng tuần; phối hợp với cha mẹ học sinh để quản lý hoạt động học tập của học sinh; nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm hàng tuần về kết quả chỉ đạo, quản lý giáo viên và hỗ trợ học sinh học ở nhà. Phân công cán bộ quản lý kiểm tra, giám sát việc thực hiện của giáo viên về các hoạt động dạy và học trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19. Khi học sinh đi học trở lại, các trường tổ chức đánh giá kết quả học tập của học sinh qua internet, truyền hình, tự học có sự hỗ trợ trực tiếp của giáo viên..., từ đó hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học, điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung đã học qua internet, truyền hình.

 Dương Liễu

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục