Xác định nâng cao chất lượng dạy và học là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần tích cực trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.


Giáo viên Trường tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang) trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.

Ba năm trở lại đây, Trường THPT Nguyễn Văn Huyên, TP Tuyên Quang tập trung thực hiện kế hoạch của ngành về nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Là trường học mà chất lượng tuyển sinh đầu vào không đồng đều, điểm tuyển sinh vào trường thường thấp hơn từ 5 - 6 điểm so với các trường học ở trung tâm thành phố cho nên chất lượng giáo dục luôn là nỗi lo của ban giám hiệu. Khắc phục khó khăn, trường đã kiểm tra lực học để đánh giá, phân loại học sinh ngay sau khi nhập học, từ đó, chia thành nhóm theo sức học để bố trí giáo viên giảng dạy ngoài giờ lên lớp. Ban giám hiệu cũng đã thành lập tổ tư vấn gồm các thành viên ban giám hiệu, đại diện công đoàn, đoàn thanh niên và các tổ trưởng bộ môn, giáo viên giỏi thường xuyên kiểm tra đánh giá chuyển biến trong quá trình học tập của học sinh; phối hợp hội cha mẹ học sinh thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để có biện pháp động viên, giúp đỡ kịp thời... Do vậy, chất lượng học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020, lần đầu tiên 100% học sinh lớp 12 của Trường THPT Ỷ La đỗ tốt nghiệp. Đây là niềm vui lớn của không chỉ thầy và trò mà cả phụ huynh và chính quyền các xã có học sinh theo học. Thầy giáo, Hiệu trưởng Nguyễn Minh Cảnh cho biết, tuy trường nằm trên địa bàn TP Tuyên Quang nhưng cơ bản học sinh nhà trường ở các xã ngoại thành và của huyện Yên Sơn. Nhiều em phải đi hơn 10 km từ nhà đến trường, lại thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Điểm tuyển sinh đầu cấp của học sinh chỉ có 30% đến 40% đạt trung bình. Một số giáo viên trình độ đạt chuẩn nhưng chất lượng giảng dạy chưa tương xứng… Vì vậy, trường thường xuyên nắm bắt tư tưởng giáo viên và học sinh; phân loại theo lực học; chia phòng kiểm tra để xác định chất lượng học sinh; dạy ngoài giờ không thu tiền; chấn chỉnh tác phong, lề lối của học sinh,... dần đưa việc dạy và học của trường vào nền nếp.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và hỗ trợ của người dân nên mạng lưới trường, lớp của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo hướng hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác quản lý có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực; nền nếp, kỷ cương trong trường học cơ bản được duy trì và giữ vững. Đội ngũ nhà giáo được quan tâm, bổ sung về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, cơ bản đạt chuẩn về trình độ đào tạo, được bồi dưỡng về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếp tục được bổ sung. Công tác xã hội hóa giáo dục góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non giữa các địa phương, giữa trường chính với các điểm trường lẻ còn khoảng cách khá lớn. Chất lượng giáo dục phổ thông tuy có những chuyển biến tích cực nhưng chưa vững chắc. Do công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của một bộ phận cán bộ quản lý hiệu quả chưa cao; giáo viên còn thiếu về số lượng; một số giáo viên hạn chế về năng lực chuyên môn so với trình độ được đào tạo. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang Vũ Đình Hưng cho biết, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Toàn ngành duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tư vấn chuyên môn giáo dục phổ thông; kết hợp tư vấn trực tiếp và trực tuyến. Tập trung tư vấn về công tác quản lý, quản trị của lãnh đạo, quản lý các trường và việc tổ chức dạy học của giáo viên đáp ứng yêu cầu về phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Đặt hàng, giao nhiệm vụ cho hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc Sở và các phòng Giáo dục và Đào tạo với các chỉ tiêu cụ thể theo xu hướng nâng cao từng bước chất lượng giáo dục đại trà qua các năm. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh; sử dụng, khai thác hiệu quả thiết bị dạy học, phòng học bộ môn. Ngành giáo dục Tuyên Quang xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.


Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Quy định của các trường ĐH về việc học trực tuyến

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các trường ĐH chủ động đưa ra kế hoạch dạy học trực tuyến khác nhau theo điều kiện từng trường.

Hà Nội chủ động chuẩn bị cho ngày đầu tiên học trực tuyến sau Tết

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh, đồng thời hạn chế việc tập trung đông người và góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định cho học sinh, sinh viên các cấp học tạm dừng đến trường, triển khai học trực tuyến từ ngày 17/2.

Tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 21/2/2021

(HBĐT) - Ngày 16/2/2021, Sở GD&ĐT đã có công văn số 279/SGD&ĐT-CTTT về việc "tiếp tục cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học để thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19".

Gần 40 trường đại học thông báo dừng tập trung sau Tết, chuyển sang học online

Để thuận tiện cho việc di chuyển đến Hà Nội và TP.HCM sau Tết, sinh viên cần nắm rõ thông tin sau đây.

Cập nhật lịch đi học sau Tết của 63 tỉnh, thành trong cả nước

Ngày mai 17/2 (tức mùng 6 Tết), nhiều địa phương chưa xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đã chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Những cô giáo mang mùa xuân về

(HBĐT) - Trong danh sách các thầy, cô giáo được Sở GD&ĐT đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú”, tôi đặc biệt ấn tượng với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà (Hiệu trưởng trường Mầm non Suối Hoa, xã Độc Lập). Trò chuyện với chúng tôi, cô Hà chia sẻ: Năm 2016, tôi được phân công chuyển công tác từ trường Mầm non Sao Mai (xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình) lên trường Mầm non Suối Hoa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục