(HBĐT) - Được thành lập năm 1947, trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) là ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong giai đoạn 1947-1961, trường mang tên Lạc Long Quân. Với mục tiêu xây dựng và phát triển trường thành một cơ sở giáo dục mang tầm vóc hiện đại, có "thương hiệu”, trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Liên tục nhiều năm trường được công nhận là trung tâm giáo dục chất lượng cao của ngành GD&ĐT tỉnh với những thành tích rất đáng tự hào.

 


"Góc sáng tạo” trong thư viện - sản phẩm của Câu lạc bộ Sách, hội họa của học sinh trường trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ.

Quyết tâm xây dựng "thương hiệu”

Quyết tấm ấy bắt đầu từ bộ máy lãnh đạo nhà trường - những người luôn trăn trở với trách nhiệm nặng nề, là làm thế nào để xứng đáng với những kỳ vọng mà các thế hệ cha anh đã trao gửi, làm thế nào để cái tên Hoàng Văn Thụ trở thành một địa chỉ tin cậy không chỉ với giáo dục tỉnh nhà mà còn đối với nền giáo dục chung của đất nước. Tiếp đó là tiếng nói đồng thuận từ phía tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh (HS) nhà trường - những người trực tiếp làm nên "thương hiệu”. Không ai nói gì, tuyên bố gì, chỉ không khí giảng dạy, học tập và sinh hoạt ở đây đã nói lên rõ ràng quyết tâm ấy.

Phát huy sức mạnh tập thể trên nền tảng năng lực của đội ngũ giáo viên là mối quan tâm hàng đầu của Đảng ủy, Ban giám hiệu (BGH) nhà trường. Trong số 126 cán bộ, giáo viên của trường đã có 56 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 32 giáo viên cốt cán cấp tỉnh, 2 giáo viên có trình độ tiến sĩ, 53 thạc sĩ, 6 giáo viên đang theo học cao học tại các trường đại học hàng đầu cả nước. Nhiều thầy, cô giáo trong những năm qua là hạt nhân trong sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Có trong tay một đội ngũ mà nhiều trường THPT ở một tỉnh miền núi như Hòa Bình đều mơ ước, nhưng để mỗi người tự bộc lộ hết khả năng của mình nhằm mang lại hiệu quả dạy học cao nhất cũng không phải là việc dễ dàng, nếu không biết đặt họ đúng vị trí, sở trường của mình.

 Sau nhiều năm theo dõi sát sao và rút ra những kinh nghiệm thực tế, BGH nhà trường đã tìm được lối đi riêng, phù hợp với yêu cầu chuyên môn của một trường chuyên. Việc phân công giáo viên giảng dạy được thảo luận kỹ với các tổ trưởng chuyên môn, những giáo viên giàu kinh nghiệm và vững tay nghề được phân công đảm trách các lớp chuyên. Tuy nhiên, những giáo viên này không "độc quyền” trong việc bồi dưỡng, phát triển những học sinh có năng lực tốt nhất để góp mặt trên các "đấu trường” HS giỏi trong tỉnh và cả nước, mà có sự hỗ trợ của các thành viên trong tổ chuyên môn. Mỗi người xây dựng một chuyên đề thuộc sở trường của mình cùng tham gia giảng dạy, vì thế ai cũng cảm thấy được tin tưởng, được góp sức nên luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu, các thầy cô luôn cố gắng rèn luyện mình trở thành tấm gương sáng thực sự trong cuộc sống để HS nhìn vào đó mà tự điều chỉnh mình. Xem học trò như những đứa con, yêu thương các em nhưng đánh giá chính xác năng lực học tập và nghiêm khắc kiểm điểm khi các em phạm lỗi là nguyên tắc bất di bất dịch của thầy, cô giáo nơi đây. Chính vì thế, phụ huynh HS trong tỉnh yên tâm gửi gắm con em mình cho nhà trường những "hạt giống” tốt nhất để ươm mầm tiếp tục đơm chồi, nảy lộc, làm nên những mùa vui trên miền đất mới. Một nửa của "thương hiệu” đã bắt đầu bám rễ vào tâm thức cộng đồng giáo dục như thế.

Nửa thứ hai làm nên "thương hiệu” chính là tập thể HS nhà trường - "những hạt giống” được sàng lọc kỹ từ các trường THCS trong toàn tỉnh. Trải qua một cuộc thi tuyển hết sức cam go, hầu hết các em đều ý thức được trách niệm của một "cư dân” ở ngôi trường mà danh tiếng của nó đã in dấu 74 năm qua. Là HS đến từ 10 huyện, thành phố trong tỉnh, nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn, 16 tuổi phải làm quen với cuộc sống xa gia đình, tự chăm sóc bản thân nhưng các em đã vượt qua khó khăn để khẳng định mình. Kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, những thành tích các em đã gặt hái được quả là đáng biểu dương. 20 HS được dự thi chọn đội tuyển HS giỏi quốc tế các môn Toán, Vật lý, Sinh học; 1.071 em đạt giải HS giỏi quốc gia; 3.998 em đạt giải HS giỏi cấp tỉnh; 25 em đạt giải trong Hội thi Khoa học kỹ thuật toàn quốc, 342 em đạt huy chương Olympic duyên hải Bắc bộ, 54 em đạt giải Olympic tiếng Nga và dành học bổng du học tại Liên bang Nga, hơn 5.000 em đạt danh hiệu HS giỏi cấp trường; nhiều em đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi giải toán trên máy tính Casio cấp khu vực, kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng (HS giải Toán bằng tiếng Anh). Hàng năm, tỷ lệ học sinh của trường đỗ vào đại học chiếm từ 95 - 98% trở lên… Ngoài ra, các em còn tham gia các cuộc thi trí tuệ như: Đố vui để học, giải báo Toán học tuổi trẻ, Văn học tuổi trẻ, Vật lý học tuổi trẻ, Hóa học ứng dụng… dành nhiều giải thưởng từ các cuộc thi này. Các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao, phong trào Đoàn, hoạt động xã hội đều được các em hưởng ứng nhiệt tình, để lại những ấn tượng tốt đẹp. Nửa thứ hai của "thương hiệu” đã nhận được những tình cảm trân trọng và cả sự ngưỡng mộ của bạn bè trong và ngoài tỉnh một cách tự hào.

Từng bước khẳng định "thương hiệu”

Nhìn lại những gì đã làm được từ quyết tâm xây dựng cho ngôi trường của mình một "thương hiệu” theo đúng nghĩa, đến nay, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã thực sự trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao có uy tín trong và ngoài tỉnh. "Thương hiệu” ấy gắn liền với một cơ ngơi khang trang gồm 45 phòng học, 1 khu hiệu bộ, 1 khu giáo dục thể chất, 1 khu ký túc xá thanh niên 350 giường, 1 phòng thư viện, 4 phòng học vi tính, 3 phòng thí  nghiệm (Lý, Hóa, Sinh), 8 phòng bộ môn được trang bị khá đầy đủ, phục vụ tốt nhu cầu dạy và học ngày một nâng cao của nhà trường; một đội ngũ giáo viên có năng lực, tâm huyết với nghề, hết lòng vì sự nghiệp trồng người; một tập thể học sinh vượt khó không ngừng vươn lên. Đơn cử một vài số liệu biểu hiện rõ nét nhất từ ngày tái lập tỉnh đến nay, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã đào tạo được trên 5.000 lượt HS các thế hệ, nhiều em trở thành kỹ sư, kiến trúc sư, bác sỹ, nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học, doanh nhân tài năng; nhiều em trở thành giáo sư, tiến sĩ đang sinh sống, công tác trong và ngoài nước. Cũng từ mái trường, nhiều thầy, cô giáo đã trưởng thành, khẳng định được tài năng và nhân cách, đã có 1 thầy giáo được phong tăng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 7 thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Tất cả điều đó đã làm nên bảng thành tích rất đáng tự hào của nhà trường. Trường vinh dự được Nhà nước 3 lần trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì và hạng nhất và các năm 1962, 1992, 2003; Huân chương Độc lập hạng ba, hạng nhì vào các năm 2001, 2010 và nhiều bằng khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt, năm 2014, trường vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Đến nay, sau 30 năm này tái lập tỉnh và trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã có chặng đường 74 năm xây dựng và phát triển, song điều tập thể cán bộ, giáo viên, HS nhà trường luôn ý thức là giữ gìn và phát huy "thương hiệu” đã dày công tạo dựng vẫn là mục tiêu phía trước. Đồng thời, với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, sự chăm lo quan tâm của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhà trường luôn tin tưởng vững chắc rằng trong giai đoạn mới sẽ đưa tầm vóc nhà trường lên một tầm cao mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân.


 Nguyễn Phú Thành

(Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ)

Các tin khác


Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục