Trẻ khuyết tật ở xã Suối Hoa (Tân Lạc) được quan tâm chăm sóc, dạy dỗ để hòa nhập giáo dục.
Dự án được triển khai từ tháng 10/2020, qua khảo sát, thu thập thông tin, số TKT ở 4 xã có 179 cháu, phần lớn là trẻ chậm phát triển về trí tuệ, tăng động, tự kỷ. Bà Phan Thị Thu Nga, Giám đốc Trung tâm LACEW cho biết: Nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực can thiệp của gia đình, nhà trường và xã hội, Dự án đã thực hiện 18 cuộc truyền thông tại cộng đồng và nhà trường về Luật Người khuyết tật, quyền trẻ em, nghĩa vụ của cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ với gần 700 người dân và trên 1.700 giáo viên, học sinh tham dự. Tập huấn cho 109 giáo viên về kỹ năng sàng lọc TKT, kỹ năng sống cho trẻ và kỹ năng giảng dạy, thiết kế giáo án mẫu, xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho TKT trong HNGD. Tập huấn cho 30 cán bộ LĐ-TB&XH, y tế xã; 145 cán bộ y tế thôn bản và người chăm sóc trẻ về kỹ năng can thiệp tại nhà, kỹ năng xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, sàng lọc TKT. Đồng thời, thực hiện lồng ghép kế hoạch giảng dạy TKT vào kế hoạch chung của nhà trường, thực hành giảng dạy đối với giáo viên tại các trường; rà soát TKT trên địa bàn 4 xã vùng dự án, giám định chuyên sâu cho 25 TKT...
Cháu Bùi Hà Tuyên, xóm Đạy, xã Suối Hoa bị mắc hội chứng đao. Nhiều năm nhìn con gần như chỉ nằm một chỗ, đến tự tay cầm bát ăn cơm cũng khó mà chị Bùi Thị Lan chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Giờ đây, niềm vui đã đến với gia đình nhỏ khi con trai biết phụ mẹ việc nhà. Chị Lan chia sẻ: Được tham gia dự án của Trung tâm LACEW đã giúp con tiến bộ nhiều. Bản thân tôi được tư vấn pháp luật về quyền trẻ em, nhất là TKT, được tiếp cận các thông tin xã hội, thông tin về hội chứng đao để biết cách chăm sóc, dạy dỗ, làm bạn với con. Đặc biệt là con được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tâm lý và hướng dẫn các bài tập phù hợp. Sau khi được can thiệp, sức khỏe của Tuyên khá hơn nhiều. Hàng ngày, cháu tích cực đi bộ với mẹ và đã biết nhặt rau, quét nhà, tự ăn cơm.
Cũng như gia đình chị Bùi Thị Lan, thời gian qua, nhiều gia đình có TKT tại các xã vùng dự án được nâng cao nhận thức về vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc con cái, cách can thiệp sớm TKT, các luật, chính sách liên quan đến người khuyết tật; tư vấn thủ tục, chính sách liên quan đến quyền người khuyết tật. Đồng thời, nâng cao năng lực, nhận thức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế, LĐ-TB&XH tại cơ sở về sàng lọc và cách can thiệp TKT...
Đồng chí Mạc Thị Phượng Bích, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc đánh giá: Dự án đã giúp thầy cô nâng cao được năng lực tiếp cận, chia sẻ, giúp TKT tiến bộ hơn nhờ được tư vấn tâm lý, sức khỏe, được chăm sóc, giáo dục đúng cách nên các em tự tin hơn, thích được đến trường với tình yêu thương của thầy cô, bạn bè. Năm học 2021 - 2022, Phòng GD&ĐT đã đưa việc giáo dục TKT, hòa nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Sắp tới, phòng chỉ đạo xây dựng kế hoạch nuôi dạy TKT trong trường học, đề nghị các trường xây dựng kế hoạch cá nhân đối với mỗi trẻ. Ngoài ra, có kế hoạch ký quy chế phối hợp với các phòng: Y tế, LĐ-TB&XH trong việc nuôi dạy, chăm sóc sức khỏe, thực hiện các chế độ, chính sách, bảo vệ quyền lợi cho TKT. Song, gốc rễ vẫn là việc truyền thông, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình; những tác hại, hệ lụy của vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sự thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, dẫn đến sinh ra những đứa trẻ yếu ướt, không lành lặn. Đây là vấn đề mang tính xã hội cần được giải quyết để từng bước giảm số TKT trong tương lai.
Bình Giang