Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên bậc đại học, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030 (gọi tắt là Đề án 89).
Sản xuất nước muối sinh lý trong phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh minh họa: Hữu Chí/TTXVN
Đây là một đề án được đánh giá tích cực, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của các trường đại học ở Việt Nam. Dự kiến, nhóm người học đầu tiên được cấp học bổng theo Đề án sẽ bắt đầu từ năm 2022.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án 89, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Theo đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học, mức đầu tư cho giảng viên đi học tiến sỹ phải đảm bảo thỏa đáng để ứng viên có thể tập trung toàn thời gian cho việc học tập, nghiên cứu và đảm bảo chất lượng.
Đẩy nhanh tiến độ cấp phát kinh phí trong năm 2022
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giảng viên, cán bộ quản lý theo Đề án 89, trong 10 năm tới, giáo dục đại học Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sỹ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sỹ.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp cùng Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế quản lý và cấp phát kinh phí để bảo đảm cho việc triển khai Đề án 89 trong năm 2022.
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án 89 vừa được Bộ Tài chính công bố, đối với hình thức đào tạo tập trung toàn thời gian ở nước ngoài, Bộ Tài chính cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất học phí và các khoản chi liên quan đến học phí phải trả cho các cơ sở đào tạo nước ngoài được ngân sách nhà nước chi trả tối đa là 25.000 USD hoặc tương đương với đồng tiền nước sở tại cho một năm học.
Đối với các cơ sở đào tạo nước ngoài có mức học phí thấp hơn 25.000 USD hoặc tương đương với đồng tiền nước sở tại cho một năm học, học phí tính theo thông báo trong giấy tiếp nhận nhập học. Trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 USD/người học/năm, mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả.
Ngoài ra, giảng viên đi học cũng được thanh toán sinh hoạt phí tối đa 1.300 USD/người/tháng; bảo hiểm y tế tối đa không vượt quá 1.000 USD/người/năm và một số chi phí khác…
Đối với hình thức đào tạo tập trung toàn thời gian ở trong nước, chi phí hỗ trợ học tập, nghiên cứu cho người học là 72 triệu đồng/người học/1 năm theo cơ chế khoán, hỗ trợ một phần sinh hoạt phí, thực hiện đề tài luận án; tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước.
Đồng thời, hỗ trợ 1 lần cho người học ở trình độ tiến sỹ tối đa 70 triệu đồng/người học tham dự hội thảo, hội nghị ở nước ngoài hoặc tối đa 70 triệu đồng cho các mục chi và mức chi vận dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài.
Để được đi học theo Đề án 89, giảng viên cơ hữu, giảng viên nguồn của các trường phải tham gia tuyển chọn. Người tham gia không quá 40 tuổi, đáp ứng điều kiện tuyển sinh của chương trình đào tạo, được các trường tiếp nhận học chính thức hoặc giảng viên nguồn, cơ hữu đang theo học chương tình tiến sỹ còn thời gian học tập, nghiên cứu từ 18 tháng trở lên.
Trong thời gian học tập, nghiên cứu hoặc chậm nhất trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp, người học tiến sỹ phải công bố được kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp tới đề tài luận án trên các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus.
Giảng viên học xong cũng phải trở về cơ sở cử đi học ngay khi tốt nghiệp để làm việc. Trường hợp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhận từ Đề án.
Đảm bảo mức hỗ trợ thỏa đáng
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 89 là tăng mức đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sỹ, thạc sỹ đáp ứng đủ chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng với Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát các nội dung chi và mức chi cho người học trong quá trình đào tạo để bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, ở một số Đề án đã thực hiện trước đây, do mức kinh phí hỗ trợ học tập, nghiên cứu thấp nên học bổng của Nhà nước thường là lựa chọn cuối cùng của nhiều ứng viên có đủ năng lực sau khi họ không có cơ hội tiếp nhận các học bổng khác. Nếu mức kinh phí hỗ trợ của Đề án 89 tiếp tục không thay đổi trong khi yêu cầu ràng buộc trách nhiệm của người học và của cơ sở cử đi nhiều hơn, không thể thu hút được ứng viên tham gia tuyển chọn, dẫn đến khó có thể nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ trong nước.
Giáo sư – Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Ở nhiều nước phát triển, học bổng hoặc sinh hoạt phí cấp cho nghiên cứu sinh không chỉ đủ sống mà còn khá rộng rãi, để đảm bảo cho nghiên cứu sinh sống tốt, yên tâm làm luận án (ngoài ra còn có những hỗ trợ khác về cơ sở vật chất, thiết bị thực hành, thí nghiệm; kinh phí đi hội thảo trong, ngoài nước)…
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vừa ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và các thực tập sinh sau tiến sỹ ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong đó, hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu/năm cho các tiến sỹ trẻ có năng lực nghiên cứu, có công bố quốc tế xuất sắc. Ngoài ra, các nghiên cứu sinh còn được hưởng hỗ trợ từ các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, đây là lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội cấp học bổng lớn như vậy cho nghiên cứu sinh và cũng là lần đầu tiên trong cả nước có một đại học công lập tiên phong thiết lập, cấp học bổng cho hệ thực tập sinh sau tiến sỹ. Thông qua quyết định này sẽ thu hút được nhiều nghiên cứu sinh giỏi, tiến sỹ giỏi đến Đại học Quốc gia Hà Nội học tập, nghiên cứu, tạo nên những đột phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Từ ví dụ thực tế trên, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh: Để thu hút các ứng viên có năng lực tham gia Đề án 89, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại các trường đại học Việt Nam, định mức hỗ trợ nghiên cứu sinh và đào tạo tiến sỹ của Đề án này cần được cân đối cho tới tầm và thỏa đáng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng: Định mức hỗ trợ đào tạo tiến sỹ của Đề án 89 cần được tính toán cho phù hợp. Bởi cơ chế tài chính của một số Đề án trước đây chưa thực sự hấp dẫn so với các học bổng của đối tác nước ngoài. Vì vậy, nhiều giảng viên quan tâm đến học bổng của Nhà nước nhưng khi họ nhận được học bổng từ các chương trình nước ngoài, họ lại chuyển sang theo học các chương trình đó và coi học bổng theo Đề án Nhà nước chỉ là phương án dự phòng.
Tuy nhiên, việc tăng mức đầu tư cho ứng viên đào tạo tiến sỹ của Đề án 89 cũng đặt ra vấn đề phải có quy trình chặt chẽ để thu hồi khoản chi phí này nếu người được cử đi học vi phạm các quy định, không hoàn thành khóa học hoặc không trở về làm việc tại các cơ sở đào tạo.
Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ: Các trường phải triển khai nghiêm túc Đề án, chú trọng trong việc lựa chọn ứng viên, có sự cam kết của đơn vị với người học, cam kết giữa đơn vị gửi và đơn vị nhận đào tạo. Đơn vị gửi người đi đào tạo phải có cơ chế theo dõi một cách thường xuyên quá trình học tập của ứng viên, đặc biệt, cam kết bố trí việc làm phù hợp với ứng viên khi trở về. Mỗi trường cũng cần quy định cụ thể về việc cấp phát tài chính, xử lý, thu hồi tiền đền bù. Để Đề án hiệu quả, các trường thay vì cử từng người riêng lẻ nên cử từng nhóm cùng nghiên cứu một lĩnh vực ưu tiên của nhà trường để khi họ về có thể kết hợp thành nhóm nghiên cứu mạnh.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Hưng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên, bày tỏ: Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Đảng, Nhà nước vẫn dành một khoản kinh phí không nhỏ cho đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ sở đào tạo. Do vậy, nhà trường và các cá nhân được lựa chọn cần có một quy trình thực hiện tốt để lựa chọn được các giảng viên ưu tú, có năng lực nghiên cứu và học tập để họ có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ được giao. Mặt khác, nhà trường cũng yêu cầu các giảng viên thực hiện cam kết để trở lại cống hiến, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với nhà trường, với đất nước khi đã được dành một khoảng thời gian đi học tập, nghiên cứu bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để giữ chân được những giảng viên giỏi làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học, không chỉ bằng các giải pháp thu hồi kinh phí quy định trong một Đề án mà phải bằng cả một hệ sinh thái và môi trường làm việc đồng bộ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Để người giỏi có thể phát huy được năng lực của mình, các cơ sở giáo dục đại học cần tạo môi trường làm việc để người tài có cơ hội tỏa sáng, thể hiện được năng lực; đồng thời, có lộ trình phát triển cho giảng viên, nhà khoa học để họ nỗ lực cống hiến cho nhà trường. Cùng với đó, cần phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với những đóng góp của người tài cho sự phát triển của nhà trường, của đất nước.
Theo TTXVN
Giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành cùng vào cuộc, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng lớp học kiên cố; vận động giáo viên, phụ huynh học sinh hỗ trợ ngày công, vật liệu xây dựng; kết hợp sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách linh hoạt trong việc hỗ trợ các đơn vị xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục... là những giải pháp mà các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đã thực hiện trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện hơn nữa về học tập cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các địa phương.
( HBĐT) - Sở GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 3165/SGD&ĐT-CTTT&GDTXCN về việc yêu cầu rà soát, lập danh sách tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi. Công văn được gửi hỏa tốc đến Phòng GD&ĐT các huyện, thành; các đơn vị, trường học trực thuộc Sở; các Trung tâm GDNN-GDTX; Trường phổ thông liên cấp Sao Mai; yêu cầu các đơn vị, trường học khẩn trương thực hiện ngay.
Ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì phiên họp của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực, thuộc Hội đồng quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sau thời gian dài học sinh "tạm dừng đến trường-không dừng học” để phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai… đã từng bước cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các địa phương, cơ sở giáo dục nhằm duy trì việc dạy và học ổn định.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, dự kiến học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 10-12 tới. Việc trở lại trường học trực tiếp sẽ bắt đầu với khối 9 và 12 và mở dần các khối khác.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến 17 giờ chiều 21/11, tổng hợp báo cáo của các Phòng Giáo dục và Đào tạo của 17 huyện, thị xã cho thấy, các trường học đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh lớp 9 trở lại trường học trực tiếp từ sáng 22/11 sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.