Ban giám khảo chấm thi trực tuyến tại điểm cầu trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.
Theo đó, có tổng số 107 dự án đạt giải, bao gồm 8 giải nhất, 23 giải nhì, 41 giải ba, 35 giải tư. Nổi bật, trong 8 dự án xuất sắc đạt giải nhất, có 4 dự án của thầy và trò trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ; còn lại là sản phẩm trí tuệ của thầy và trò các trường: Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh; THPT Lương Sơn; THPT Công Nghiệp.
Để thích ứng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 phức tạp, cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình (dành cho ban giám khảo) và điểm cầu của các đơn vị, trường học (dành cho các dự án tham dự cuộc thi). So với các năm học trước, cuộc thi năm nay có nhiều dự án dự thi hơn (115 dự án của 214 học sinh đến từ 71 đơn vị, trường học), lĩnh vực đa dạng hơn (20 lĩnh vực), nhiều dự án có sự đầu tư chuẩn bị tốt, được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, nhất là các dự án thuộc nhóm lĩnh vực Tin học - Rô bốt. Một số đơn vị có nhiều dự án tham dự và đạt kết quả cao như: Phòng GD&ĐT thành phố; trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ; trường PT DTNT THPT tỉnh…
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi: Các điểm cầu đều đảm bảo yêu cầu về tài khoản đăng nhập, kỹ thuật và ổn định đường truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trình bày, trả lời phỏng vấn của ban giám khảo. Các dự án thực hiện việc thuyết trình, trả lời phỏng vấn đúng trình tự, thời gian quy định, đảm bảo cuộc thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Ban giám khảo là những người có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn, việc đánh giá dự án được thực hiện độc lập, khách quan, công bằng. Các câu hỏi của ban giám khảo có tính gợi mở, phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh trả lời và giúp cải tiến sản phẩm của dự án.
Sau khi thông báo kết quả, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết,trao giải cuộc thi phù hợp với tình hình thực tế.
T.T