Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam hoan nghênh kế hoạch mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc ở tất cả các cấp của Chính phủ Việt Nam sau thời gian dài đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Ngày 14/2, trên 1 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 6 tại TP Hồ Chí Minh trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers, khẳng định quyết định mở cửa trường học trở lại có lợi nhất đối với trẻ em, bởi lẽ việc đóng cửa quá lâu dẫn đến những tác động tiêu cực.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 3/2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp từ ngày 7/2 đến ngày 14/2.
Bà Rana Flowers nhấn mạnh không có lý do gì tiếp tục đóng cửa trường học khi nhiều hoạt động đã mở cửa trở lại, bao gồm sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nhà hàng.
Thống kê mới nhất được UNICEF công bố mới đây vào Ngày Quốc tế Giáo dục (24/1) cho thấy hơn 635 triệu học sinh bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Bên cạnh lỗ hổng trong cung cấp kiến thức cho học sinh, việc đóng cửa trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, giảm khả năng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng thông thường và tăng nguy cơ bị xâm hại.
Theo UNICEF, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 làm gia tăng tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái, học sinh sống ở vùng nông thôn.
Mở cửa trường học an toàn
Trẻ mẫu giáo Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), ngày đầu tiên đến trường năm học 2021 - 2022. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Để đảm bảo an toàn khi đi học trong tình hình dịch bệnh, bà Rana Flowers đánh giá Việt Nam đang triển khai cách tốt nhất, đó là tiếp tục thực hiện thông điệp 5K, đảm bảo tiêm chủng đủ liều, cộng thêm mũi tăng cường cho người lớn.
UNICEF cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học, đưa ra những lời khuyên thiết thực và linh hoạt giúp học sinh quay trở lại học trực tiếp như lắp hệ thống thông gió, trang bị bồn rửa tay và dung dịch sát khuẩn, làm sạch bề mặt và các đồ dùng chung, chia học sinh và giáo viên thành các nhóm, sắp xếp thời gian vào lớp, ra chơi, tan học và các bữa ăn xen kẽ nhau, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa nhà trường và học sinh, phụ huynh.
Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy các biện pháp nêu trên đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho học sinh được đi học trực tiếp, bà Rana Flowers khẳng định, đồng thời cảnh báo các ca nhiễm có thể sẽ xuất hiện tại trường học và trong tình huống này các học sinh có liên quan sẽ lại học trực tuyến để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Bà Rana Flowers cũng nhấn mạnh bằng chứng cho thấy trẻ em ít có nguy cơ nhiễm COVID-19 hơn người lớn; việc quản lý những ca bệnh ở quy mô nhỏ là cần thiết một khi xác định sống chung với dịch bệnh; đồng thời khuyến cáo phụ huynh nếu phát hiện con dương tính với virus nên để con ở nhà vài ngày dù không có triệu chứng.
UNICEF khuyến khích trường học mở cửa, với các hoạt động phát triển kỹ năng sống và các hoạt động kết nối, bởi các kỹ năng đó không chỉ cần thiết cho tương lai của trẻ em mà trước mắt còn giúp trẻ em nhanh chóng bắt nhịp trở lại với học trực tiếp.
Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vaccine cao
Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai, thành phố Tân An (Long An) cho học sinh rửa tay sát khuẩn và đo nhiệt độ trước khi vào lớp. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN
Liên quan đến chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thanh thiếu niên và trẻ em tại Việt Nam, bà Rana Flowers cho rằng mặc dù COVID-19 hiếm gặp và ít nghiêm trọng hơn ở trẻ em, lây nhiễm vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, việc tiêm chủng giúp giảm thiểu gián đoạn học tập cho trẻ em.
Bà Rana Flowers đánh giá cao tỷ lệ bao phủ vaccine cao tại Việt Nam và cho rằng đa phần cán bộ, giáo viên tại các trường học đã được tiêm chủng sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và giúp thầy cô yên tâm làm việc.
Tính đến ngày 14/2, tổng số liều vaccine COVID-19 được tiêm tại Việt Nam đạt hơn 186,47 triệu liều, trong đó có hơn 79,22 triệu liều mũi 1, hơn 74,76 triệu liều mũi 2 và hơn 32,48 triệu liều mũi 3. Việt Nam hiện nằm trong nhóm sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất trên thế giới.
Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi vào tháng 11/2021. Tính đến ngày 13/2, hơn 16,4 triệu liều vaccine đã được tiêm cho trẻ ở độ tuổi nói trên, với tỷ lệ bao phủ mũi 1 là 95,4%, mũi 2 là 89,7%. 42/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%.
Chính phủ Việt Nam hiện có kế hoạch nhập khẩu 21,9 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi để triển khai tiêm vào nửa đầu năm nay, tạo thuận lợi cho việc trẻ em ở mọi độ tuổi được đi học an toàn.
Nỗ lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Việt Nam
Học sinh tiểu học thuộc 12 quận của Hà Nội sẽ đi học trực tiếp từ ngày 21/2/2022. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nổi bật với tinh thần đoàn kết để bảo vệ cộng đồng; đánh giá cao hành động quyết đoán của Chính phủ nhằm bảo vệ người dân giữa đại dịch.
Đề cập tới các trẻ em mồ côi trong đại dịch COVID-19, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng các em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đồng thời đánh giá cao hướng dẫn về ưu tiên chăm sóc thay thế dựa vào gia đình và cộng đồng cho trẻ mồ côi của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Bà cho rằng đây là một quyết định kịp thời, giúp trẻ em mồ côi nhận được sự hỗ trợ cần thiết để vượt qua khó khăn và nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của đại gia đình giúp các em phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, bà Rana Flowers cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam vừa công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục công bằng, hiệu quả và linh hoạt.
Theo trưởng đại diện UNICEF, đại dịch cho thấy đổi mới, sáng tạo trong giáo dục là cần thiết và có thể thực hiện được. Chính phủ Việt Nam đang tận dụng cơ hội này để phục hồi, thậm chí xây dựng hệ thống giáo dục trở lên mạnh mẽ hơn thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, kỹ năng kỹ thuật số, đào tạo giáo viên và kỹ năng xin việc.
Về công tác bảo vệ trẻ em, bà Rana Flowers đề xuất đầu tư vào các chương trình phúc lợi xã hội phục vụ trẻ em và phụ nữ ở các cấp, nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ và hỗ trợ các gia đình nhận được trợ giúp toàn diện, phù hợp.
Theo báo Tin tức
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH trên cả nước phải có kế hoạch dạy trực tiếp từ 14.2. Một số trường ở phía bắc cho biết đã sẵn sàng đón sinh viên đến giảng đường.
Năm học đã đi qua hơn 1 học kỳ nhưng ngày 10.2, lần đầu tiên học sinh lớp 1 ở các huyện, thị ngoại thành Hà Nội mới được đặt chân đến trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tiếp tục tổ chức dạy học nội dung cơ bản, cốt lõi theo hướng dẫn của bộ phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường, tránh gây quá tải đối với học sinh.
Chiều 8/2, tại Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Sau thời gian dài học trực tuyến, hôm qua (7/2), nhiều địa phương trên cả nước đã cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Công tác phòng, chống dịch được các nhà trường chú trọng, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh ở mức cao nhất.
Chiều 7/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông tin về thời gian đi học trực tiếp của học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 khu vực nội thành.