(HBĐT) - Bước sang tuần thứ 3 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn bộ học sinh các trường mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố Hòa Bình vẫn tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới của Phòng GD&ĐT thành phố. Đối với nhiều gia đình, mặc dù phải chật vật xoay sở việc trông con nhưng phụ huynh đồng thuận với quyết định của ngành GD&ĐT, bởi vấn đề quan trọng nhất là cần giữ gìn sức khỏe cho trẻ nhỏ.



Ngành GD&ĐT thành phố Hòa Bình khuyến cáo, trong thời gian trẻ mầm non chưa được đi học, các gia đình cần hướng dẫn trẻ vui chơi an toàn, lành mạnh tại nhà, chú ý rèn luyện các kỹ năng cần thiết như tô màu, tự chơi, không lạm dụng xem tivi hay điện thoại.

Chị Nguyễn Thị Thủy (tổ 6, phường Tân Hòa) có con gái đang học một trường mầm non tư thục gần nhà. Sau kỳ nghỉ Tết, vợ chồng chị quay về với guồng bận rộn của công việc, nhưng vì con gái chưa được đi học trở lại nên chị rất lo lắng. Không ở gần ông bà nội, ngoại để nhờ vả chuyện trông con, giải pháp tình thế của gia đình là thuê người giúp việc theo giờ. Theo thỏa thuận, hàng ngày, tầm 6 rưỡi sáng, bà giúp việc sẽ đến trông con cho chị từ 6 rưỡi sáng đến 5 rưỡi chiều với "mức lương” là 120 nghìn đồng/ngày. Như vậy, sau 3 tuần con gái nhỏ nghỉ học, khoản phát sinh để xoay sở việc trông con sẽ tầm 2 triệu đồng.

 "Đó là gia đình tôi còn may mắn vì tìm ngay được người giúp việc. Chứ nhiều nhà tất bật đi gửi con, nay gửi người này, mai gửi người khác, có lúc không gửi được ai đành phải ở nhà trông con, rất bất tiện và ảnh hưởng đến công việc…” - chị Nguyễn Thị Thủy cho biết - "Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi vẫn lựa chọn sự phiền toái này thay vì mong muốn cho con đến trường trong tình hình hiện nay. Chúng tôi đồng thuận với phương án của ngành GD&ĐT thành phố khi quyết định chưa cho học sinh mầm non đi học trở lại vì tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp”.

Trên thực tế, mặc dù rất chật vật xoay sở chuyện trông con, nhưng nhiều gia đình tại thành phố Hòa Bình vẫn đồng thuận với việc cho con nghỉ học kéo dài. Nguyên nhân chính là bởi phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình khi đến trường, bởi ở lứa tuổi này, các em nhỏ chưa ý thức hết được việc giữ gìn an toàn vệ sinh cá nhân để phòng tránh dịch Covid-19.

Được biết, sau kỳ nghỉ Tết, các trường học đã mở cửa trở lại, triển khai dạy học trực tiếp từ ngày 7/2. Tuy nhiên, căn cứ tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp trên địa bàn thành phố Hòa Bình, liên tiếp trong 2 tuần đầu sau Tết, Phòng GD&ĐT thành phố Hòa Bình đã chỉ đạo cho toàn bộ học sinh cấp mầm non nghỉ học. Mới đây, ngày 20/2, Phòng GD&ĐT thành phố tiếp tục ban hành Công văn số 109/PGD&ĐTX về việc tổ chức thực hiện các hình thức dạy học cho học sinh trên địa bàn thành phố. Theo đó, tiếp tục cho toàn bộ học sinh các trường mầm non, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố nghỉ học từ thứ hai, ngày 20/2 đến khi có Phòng GD&ĐT thành phố có thông báo đi học trở lại. Cùng với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, diễn biến thời tiết chuyển rét đậm, rét hại là nguyên nhân khách quan khiến ngành GD&ĐT thành phố đưa ra quyết định này. Không riêng cấp học mầm non, học sinh cấp tiểu học cũng nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến từ ngày thứ Hai, 21/2 đến hết thứ Sáu, ngày 25/2. Học sinh cấp THCS nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến từ thứ Hai, ngày 21/2 đến hết thứ Tư, ngày 23/2.

"Căn cứ tình hình thực tế, các trường chủ động xây dựng kế hoạch làm việc, giảng dạy cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương và phụ huynh học sinh rà soát, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong nhà trường, cố gắng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong tình hình mới" - lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Hòa Bình nhấn mạnh.

Khánh An


Các tin khác


Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam: Mở cửa trường học có lợi nhất đối với trẻ em

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam hoan nghênh kế hoạch mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc ở tất cả các cấp của Chính phủ Việt Nam sau thời gian dài đóng cửa do đại dịch COVID-19.

Truy vết F0 trong trường học không gây hoang mang cho học sinh, giáo viên

Hiện tại, các đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tới một số điểm trường ở địa phương để kiểm tra tình hình học trực tiếp. Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, tùy điều kiện từng nơi có thể linh hoạt trong việc truy vết sâu, khoanh vùng hẹp nếu phát hiện F0 trong trường học.

Khởi động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

(HBĐT) - Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ trọng tâm trong lộ trình đổi mới GD&ĐT, góp phần tích cực thực hiện chiến lược CĐS của toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường

Sau khi học sinh ở một số địa phương trên cả nước quay trở lại trường học trực tiếp, không ít phụ huynh lo lắng khi thấy nhiều học sinh và giáo viên mắc Covid-19, mất thời gian đưa, đón con. Việc thông tin đầy đủ các kế hoạch bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường sẽ giúp cho phụ huynh yên tâm.

Các bước xử lý khi phát hiện học sinh mắc Covid-19 tại cơ sở giáo dục

Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung), do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ngày 27/1/2022, hướng dẫn xử lý trường hợp học sinh phát hiện mắc Covid-19 tại cơ sở giáo dục bao gồm 4 bước như sau:

Các trường đại học chuẩn bị đón sinh viên

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH trên cả nước phải có kế hoạch dạy trực tiếp từ 14.2. Một số trường ở phía bắc cho biết đã sẵn sàng đón sinh viên đến giảng đường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục