Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng cùng lúc ở lớp 3, lớp 7, lớp 10. Nếu như ở lớp 3, số tiết học sẽ được tăng lên so với chương trình hiện hành, thì lớp 10, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.


Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới chia làm hai giai đoạn, gồm Giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12).

Chương trình này, bắt đầu triển khai lần lượt ở từng khối lớp từ năm học 2020-2021, thay thế chương trình hiện hành đã áp dụng từ 2006.

Theo đó, chương trình lớp 3 và lớp 7 thuộc giai đoạn giáo dục cơ bản (lớp 1-9).  

Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3: Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật ( Âm nhạc, Mỹ thuật), hoạt động trải nghiệm. Số tiết học Tiếng Việt trong năm là 245, trung bình 7 tiết mỗi tuần; Toán 175 tiết, 5 tiết mỗi tuần.

Như vậy, so với chương trình hiện hành, thời lượng Toán không thay đổi, còn Tiếng Việt giảm một tiết/tuần.

Ngoài ra, chương trình mới quy định thời lượng học ngoại ngữ là 4 tiết trong tuần, cả năm 140 tiết. Các em học sinh cũng được học thêm Tin học và Công nghệ, tăng thời lượng học Tự nhiên và xã hội. Do đó, tổng số tiết mỗi tuần của chương trình lớp 3 mới là 28, nhiều hơn so với mức 23+ hiện tại.

Các trường tiểu học tổ chức dạy hai buổi trên ngày với tổng số tiết không quá 7, mỗi tiết kéo dài 35 phút.

Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng với lớp 7 sẽ không còn hai môn Sinh học, Vật lý, mà thay bằng Khoa học tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý,  Âm nhạc và Mỹ thuật được tích hợp trong một môn và giữ nguyên thời lượng như chương trình hiện hành. Các môn học, hoạt động bắt buộc khác gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm giáo dục của địa phương.

Chương trình mới cho phép học sinh lớp 7 tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số, hoặc Ngoại ngữ 2. Hai chương trình không chênh lệch nhiều về thời lượng. Tổng số tiết mỗi tuần của chương trình hiện hành là 28,5+, còn chương trình mới là 29. Các trường được khuyến khích dạy hai buổi trên ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút.

Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho lớp 10 đã có sự thay đổi rõ rệt.  Cụ thể, học sinh không phải học 17 môn và hoạt động giáo dục như chương trình hiện hành; mà chỉ phải học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Học sinh chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Trường THPT tổ chức học một buổi, mỗi buổi không quá năm tiết, mỗi tiết 45 phút, tương tự hiện nay. Tuy nhiên, chương trình mới khuyến khích các trường dạy học hai buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ. Học sinh sẽ học 29 tiết mỗi tuần trong năm lớp 10, thấp hơn mức 29,5+ theo chương trình hiện hành.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Nâng cao hiệu quả học trực tuyến - bài toán chung của nhà trường, gia đình và học sinh

(HBĐT)-Trong thời gian ở nhà tự cách ly và điều trị Covid-19, em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 6, trường THCS Hữu Nghị (TP Hòa Bình) vẫn học trực tuyến để theo kịp chương trình của lớp. Gia đình em đã trang bị đủ các thiết bị phục vụ học trực tuyến, như bộ máy tính để bàn, tai nghe, 1 chiếc điện thoại thông minh để Phương Anh có thể quay, chụp lại những phần bài học em chưa kịp chép, hoặc chưa kịp hiểu khi học trực tuyến.

Hòa Bình có 2 dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2021 – 2022

(HBĐT) - Từ ngày 25 – 27/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021 – 2022.

Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”

(HBĐT) - Ngày 25/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”.

Tăng mức cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

Tập huấn nghiệp vụ về quản lý kinh tế trong hoạt động báo in, báo điện tử, tạp chí

(HBĐT) - Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ về quản lý kinh tế trong hoạt động báo in, báo điện tử, tạp chí. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT. Cùng dự còn có đại diện cơ quan tham mưu quản lý về hoạt động thông tin tuyên truyền; cơ quan tham mưu quản lý tài chính; lãnh đạo cơ quan báo chí phụ trách về kinh tế tài chính; thư ký tòa soạn các cơ quan báo chí.

Huyện Yên Thủy: Tích cực triển khai lựa chọn sách giáo khoa lớp 3 và lớp 7

(HBĐT) - Năm học 2021 - 2022, ngành GD&ĐT huyện Yên Thủy có 8 trường tiểu học, 8 trường THCS và 5 trường TH&THCS với trên 1.000 học sinh; 768 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Thực hiện Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/ 8/2020 của Bộ GD&ĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông, Phòng GD&ĐT huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn các đơn vị, nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3 và lớp 7 cho năm học 2022 - 2023 đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục