Cô nuôi trường mầm non Mường Khến, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) sơ chế thực phẩm trước khi chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại trường mầm non Hoa Hồng, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), thực đơn các bữa ăn được nhà trường xây dựng theo mùa, đảm bảo khẩu phần và lượng dinh dưỡng. Cô giáo Trần Thị Lê, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có gần 300 học sinh ăn bán trú. Để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh ATTP, nhà trường bố trí khu sơ chế thức ăn riêng trước khi đưa vào bếp nấu; dụng cụ chế biến, đồ dùng đựng thức ăn được lau rửa sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, khô thoáng. Các cô nuôi làm ở khu vực nhà bếp đeo khẩu trang, găng tay khi phân chia khẩu phần thức ăn cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường hợp đồng mua rau quả tươi tại các hộ dân, đơn vị SX-KD trên địa bàn, có địa chỉ rõ ràng, rõ nguồn gốc. Bếp ăn có sổ sách ghi chép theo hướng dẫn và lưu giữ các mẫu thức ăn 24h. Nguồn nước sử dụng chế biến thức ăn cũng như dùng cho sinh hoạt là nước máy, đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Theo thống kê, hầu hết các trường mầm non và tiểu học trong tỉnh đều tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định về ATTP, đảm bảo cho học sinh ăn đủ lượng, đủ chất. Đầu năm học, ngành GD&ĐT phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh tập huấn kiến thức ATTP cho ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và người trực tiếp phụ trách bếp ăn của các trường có bếp ăn bán trú. Bên cạnh đó, yêu cầu các trường ký cam kết đảm bảo ATTP ở tất cả các khâu, từ mua, chế biến thực phẩm đến kiểm tra, lưu mẫu thức ăn, bảo đảm cung cấp các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh cho trẻ. Các trường thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên, đội ngũ nhân viên nhà bếp, giáo viên dinh dưỡng tham gian tập huấn, học tập, phổ biến các quy định về ATTP, Luật ATTP…
Do có sự quan tâm chỉ đạo các hoạt động nhằm đảm bảo ATTP, nhận thức của các nhà trường về tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP được nâng lên. Có những trường mầm non trong nhiều năm học xây dựng được "Vườn rau của bé”. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp Chi cục ATVSTP tỉnh tham gia giám sát bếp ăn tập thể các trường tiểu học. Hiện nay, các trường học đáp ứng tương đối tốt và đạt yêu cầu vệ sinh, nhân viên phục vụ tại bếp ăn có đủ sức khỏe, đã được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP; có hợp đồng mua bán với cơ sở cung cấp nguyên liệu chế biến, ghi chép hàng ngày và cử cán bộ theo dõi, ghi chép tương đối đầy đủ, thực hiện lưu mẫu đúng quy định; hiệu trưởng các trường ký cam kết đảm bảo ATTP với chính quyền địa phương. Ngoài ra, các trường tự đầu tư trang thiết bị như: Tủ bảo quản thực phẩm, dụng cụ đựng thực phẩm (bình đựng nước sạch, bát, thìa), quần áo bảo hộ, thùng đựng rác...
Trong 10 tháng năm nay, Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trên địa bàn tỉnh. Qua việc lấy mẫu, phân tích trên 240 loại nông sản, thực phẩm, các mẫu vi phạm đều không thuộc các đơn vị, hộ sản xuất nông sản đang ký kết hợp đồng cung cấp thực phẩm, nông sản cho các trường học tại các địa phương. Đồng chí Trương Thanh Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Để tăng cường công tác kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học, ngành GD&ĐT cần tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học; định kỳ, đột xuất thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở bếp ăn tập thể, căng tin trường học nhằm phát hiện sớm vi phạm. Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại rau củ quả trái mùa tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chất lượng. Về con người phải đảm bảo sức khỏe, kiến thức, sử dụng đúng cách trang bị bảo hộ trong quá trình chế biến, phục vụ bữa ăn, thực hành đúng quy trình lựa chọn, chế biến thực phẩm...
Thu Hằng