Cán bộ khuyến học huyện Kim Bôi đến động viên các gia đình, dòng họ hiếu học thuộc địa bàn xã Nam Thượng.
"Ở đâu có con người, ở đó có công tác khuyến học”
Ở huyện Yên Thủy, ông Vũ Mạnh Tùng là một trong những người tâm huyết với hoạt động khuyến học, khuyến tài của địa phương. Bước chân ông đã đi khắp các nẻo đường, đến cả những nơi xa xôi nhất - miễn là có người ở để làm công tác khuyến học. Bao người dân huyện nhà đã yêu quý ông, quen thuộc với mái tóc bạc, giọng nói ôn tồn, truyền cảm, nụ cười đôn hậu có nhiều nếp nhăn in hằn trên gương mặt của người cán bộ đáng kính. Khi gặp gỡ, trò chuyện và đồng hành công tác với ông, hẳn những người làm khuyến học đều có chung cảm nhận, trong ông hội đủ tiêu chuẩn "5T” của một cán bộ khuyến học mẫu mực, tức là "có tâm, có tầm, có trí, có tín, có thời gian”.
HKH huyện Yên Thủy được thành lập năm 2004. Đến nay, toàn huyện có 11/11 xã, thị trấn có HKH với trên 17 nghìn hội viên; 115/115 khu dân cư có chi hội khuyến học; 45/45 trường có ban khuyến học; 137/137 dòng họ, chi họ có hoạt động khuyến học; 82/137 dòng họ, chi họ có ban khuyến học; 100% cơ quan, đơn vị có ban khuyến học. Tính từ năm 2017 đến nay, HKH huyện đã đạt những kết quả ấn tượng, 2 lần được nhận Cờ thi đua xuất sắc của T.Ư HKH Việt Nam, 2 lần nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh. Đặc biệt, trong suốt chặng đường gần 19 năm, HKH huyện đã phát huy tốt vai trò, đưa phong trào khuyến học phát triển sâu rộng. Thực tế tại Yên Thủy đã chứng minh: Ở đâu cán bộ khuyến học (nhất là cán bộ chuyên trách) hội đủ 9 chữ "Tham mưu tốt - quyết tâm cao - kết nối rộng” thì phong trào khuyến học ở đó sẽ phát triển.
Câu chuyện khuyến học ở huyện Cao Phong cũng in đậm dấu ấn của những con người tâm huyết, vừa có trí vừa có lực. Những cán bộ khuyến học chuyên tâm như ông Phạm Hùng, ông Nguyễn Văn Khảo… đều tâm niệm: "Ở đâu có con người, ở đó có công tác khuyến học”. Trong trí nhớ của ông Phạm Hùng, huyện Cao Phong thời điểm 20 năm trước có rất nhiều khó khăn vì mới thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Kỳ Sơn (cũ). Cùng với những khó khăn chung của đời sống KT-XH là thách thức riêng đặt ra với công tác khuyến học, khuyến tài. Quyết tâm khắc phục khó khăn, đội ngũ nhà giáo như ông Phạm Hùng đã miệt mài đến từng xóm, bản, kiên nhẫn vào từng hộ dân để tuyên truyền bà con, động viên con em đến lớp, đến trường.
Ông Hùng kể: Khi đó, những thầy, cô giáo ban ngày dạy học, tối cầm đèn pin lặn lội vào những hộ xa nhất để thuyết phục bà con cho con em đi học, không bỏ học giữa chừng, rồi vận động bà con chưa biết chữ đi học xóa mù chữ. Ngày ấy, lớp học và nhà ở giáo viên như lán trại công trường, thiếu thốn đủ bề nhưng tình cảm thầy trò, tình cảm với Nhân dân luôn đầy ắp. Thời điểm đó chưa có cụm từ "khuyến học”. Sau này, khi thành lập HKH Việt Nam và năm 1997, khi HKH tỉnh được thành lập thì cụm từ "khuyến học” mới được biết đến, dần lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Tôi hiểu rằng mình không chỉ làm nghề giáo mà còn làm nghề "khuyến học”.
Có biết bao kỷ niệm chất chứa trong tim những người làm nghề khuyến học như ông Phạm Hùng. Phần đa trong số họ là nhà giáo. "Thuyền về bến đậu, chưa buông mái chèo”, những nhà giáo nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, vì thế quyết định tham gia làm công tác khuyến học để nối dài thêm sự nghiệp "trồng người”. Những bước chân không mỏi của họ vẫn miệt mài đi trên các nẻo đường khuyến học.
Nối dài những bước chân khuyến học
Nhà giáo Trịnh Công Thái nghỉ hưu chưa bao lâu thì quyết định tham gia công tác khuyến học. Ông có 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm Phó Chủ tịch thường trực HKH tỉnh. Đến Đại hội đại biểu HKH tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức vào cuối năm 2021, ông Thái vì tuổi cao nên không tiếp tục tái cử. Lần "nghỉ hưu” thứ hai mang cho ông cảm xúc đặc biệt. Vì "15 năm ấy biết bao nhiêu tình!”. Trong 15 năm làm công tác khuyến học, ông đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người và có những trải nghiệm không thể nào quên.
Bùi ngùi xen lẫn tự hào, ông Trịnh Công Thái tâm sự: "Tôi tin rằng, 15 năm qua, những gì anh em trong Thường trực Tỉnh Hội làm được là thật phi thường, thật cảm động và trân quý. Từ trong tim tôi, đó là bản hùng ca với bao nốt nhạc vui của HKH tỉnh. Tất cả chúng tôi, từ 3 người trong Thường trực Tỉnh Hội đến cán bộ, nhân viên phục vụ đều cần mẫn làm việc như những con ong mải mê xây tổ… Tôi nghĩ, tổ tiên ta đã làm khuyến học từ thuở hồng hoang. Bà mế ở bản Mường vùng sâu đã chọn củ khoai to nhất dành cho cháu đi học, thì việc làm và tâm huyết của chúng tôi dành cho khuyến học cũng rất có ý nghĩa…”.
Những người dành nhiều tâm huyết và gắn bó với công tác khuyến học tỉnh nhà từ thời điểm mới thành lập như ông Quách Thế Tản (Chủ tịch HKH tỉnh từ năm 2000 đến tháng 11/2021), ông Đinh Viết Cành, Nguyễn Sỹ Đức (Phó Chủ tịch HKH tỉnh giai đoạn 2000 - 2005); hay các thế hệ cán bộ khuyến học sau này như bà Nguyễn Thị Lợi, Phó Chủ tịch HKH tỉnh giai đoạn 2011 - 2021), bà Đinh Thị Hường (Phó Chủ tịch HKH tỉnh từ năm 2016 đến nay), ông Nguyễn Đức Hải (Trưởng Ban Phong trào và tuyên truyền, HKH tỉnh từ năm 2012 đến nay)… đều có chung một tình yêu sâu sắc với sự học. Vì thế, họ cùng nhau quyết tâm thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên quê hương. Những bước chân không mỏi trên hành trình khuyến học đã dần tạo ra những hiệu ứng diệu kỳ. Ngày càng có thêm những người bạn đồng hành đồng tâm nguyện và chí hướng. Nhìn lại chặng đường hơn 25 năm xây dựng và phát triển của HKH tỉnh, không thể đếm được đã có bao nhiêu cán bộ, hội viên nhiệt tình tham gia công tác khuyến học. Chỉ biết rằng, số lượng hội viên khuyến học tăng nhanh theo năm tháng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 232.600 hội viên, đạt tỷ lệ 27,8% dân số toàn tỉnh. 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức HKH với 1.482 chi hội khuyến học tại các xóm, bản, tổ dân phố; 919 ban khuyến học tại các nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; 1.792 ban khuyến học dòng họ…
Đến nay, phong trào khuyến học, khuyến tài đã phát triển rộng khắp toàn tỉnh, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đó là thành quả không thể đong đếm mà công lớn thuộc về những người làm công tác khuyến học. Họ, hầu hết đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy”, dù tuổi cao nhưng trí không mòn, dù đã nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn bền bỉ "đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kiên trì thắp sáng tinh thần hiếu học trong mỗi gia đình, dòng họ và lan tỏa ra cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Bao năm qua, những bước chân không mỏi của họ đã đi đến nhiều nơi, với bầu nhiệt huyết luôn tràn đầy. Họ đã cùng nhau thực hiện hành trình khuyến học, để từ đó nối dài truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cũng như của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình: Truyền thống hiếu học.
Ngày 4/3, Sở GD&ĐT phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục EDUCA Corporation tổ chức vòng thi đặc biệt cuộc thi "Vì Hòa Bình giỏi tiếng Anh” cấp tiểu học năm học 2022 – 2023.