Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định những điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH nhằm hạn chế các bất cập và đảm bảo công bằng hơn cho thí sinh..
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với rất nhiều điểm mới quan trọng.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo xung quanh những điểm mới này.
Công bằng hơn về cơ hội cho thí sinh
Thưa Vụ trưởng, bà có thể chia sẻ về những điểm mới cốt lõi của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non so với quy chế hiện hành?
PGS Nguyễn Thu Thuỷ: Dự thảo thông tư sửa đổi tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay.
Thứ nhất là việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Thứ hai, năm 2025 là năm đầu tiên các học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xét tuyển đại học. Vì vậy, cần đổi mới quy chế tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông.
Theo đó, những điểm mới cốt lõi gồm điều chỉnh quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với nhóm ngành sư phạm, sức khoẻ; chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh...
Những nội dung sửa đổi, bổ sung khác chủ yếu mang tính kỹ thuật, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức đăng ký và xét tuyển.
Việc Bộ yêu cầu các điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo là điều rất mới, chưa từng triển khai trước đây. Vì sao lại có quy định này và sẽ tác động đến thí sinh cũng như các trường như thế nào, thưa bà?
PGS Nguyễn Thu Thuỷ: Trong những năm vừa qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh.
Vụ trương Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ.
Tuy nhiên, khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn cho việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo, dẫn tới xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều, đặc biệt là ở các ngành, trường "hot". Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.
Vì vậy, dự thảo sửa đổi quy chế lần này quy định cơ bản thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trung tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.
Dự thảo cũng quy định cách thức quy đổi phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung đồng thời không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa này. Theo đó, các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, qua đó hạn chế việc lạm dụng gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.
Khi đó, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo. Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Quy định này sẽ tác động làm hạn chế việc xét tuyển sớm. Bên cạnh đó là quy định không xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu. Những điều này sẽ góp phần khắc phục các bất cập phát sinh từ việc xét tuyển sớm nay việc các trường sẽ không phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho việc xét tuyển này hay việc nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển.
Tự chủ tuyển sinh phải gắn với trách nhiệm xã hội
Việc quy định xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh phải chăng cũng nhằm siết chặt hơn việc xét tuyển sớm, thưa bà?
PGS Nguyễn Thu Thuỷ: Đây là một biện pháp bổ sung để tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở lớp 12 đồng thời tăng tính công bằng và hiệu quả của công tác tuyển sinh. Khi đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông được đổi mới, khả năng đánh giá năng lực và tính phân loại được cải thiện, thì kết quả kỳ thi này chắc chắn sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Bà có thể làm rõ hơn cơ sở nào để Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng khi quy về cùng một thang điểm rồi xét không phân biệt phương thức thì công bằng hơn, trong khi quy mô, độ khó giữa các kỳ thi khác nhau? Như vậy liệu có đang hạn chế quyền tự chủ tuyển sinh của các trường không?
PGS Nguyễn Thu Thuỷ: Câu hỏi đặt ra là dựa trên căn cứ nào các cơ sở đào tạo đưa ra các phương thức hay tổ hợp xét tuyển khác nhau cho một chương trình đào tạo hay một ngành đào tạo, khi mà yêu cầu đầu vào về nguyên tắc phải như nhau? Chắc chắn phải xuất phát từ việc các phương thức, tổ hợp xét tuyển này đều có các tiêu chí đánh giá phù hợp để đánh giá được năng lực học tập của thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Như vậy, các tiêu chí đánh giá của các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho cùng một chương trình, ngành đào tạo phải đối sánh được với nhau.
Việc quy điểm xét tuyển về cùng một thang điểm là để đảm bảo các trường chọn được những phương thức xét tuyển phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo mà nhà trường đang tuyển sinh, đồng thời so sánh được các thí sinh với nhau để chọn được các thí sinh phù hợp nhất vào học (cho dù có sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ hay kết quả của các kỳ thi độc lập, chứng chỉ quốc tế). Nếu các trường không đảm bảo việc đối sánh, so sánh được như vậy thì căn cứ nào để đưa ra các phương thức xét tuyển khác nhau?
PGS Nguyễn Thu Thuỷ: Thực tế trong thời gian qua việc xét tuyển dựa trên chỉ tiêu của từng phương thức mà không dựa trên đối sánh, quy đổi tương đương đã gây mất công bằng giữa các thí sinh. Do đó, các quy định sửa đổi là để làm tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, phải nghiên cứu thấu đáo để không còn tình trạng chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các tổ hợp xét tuyển, giữa các phương thức xét tuyển mà không có căn cứ giải thích.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các quy định như trên để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục, đó là công bằng, qua đó sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo, chứ hoàn toàn không tạo ra rào cản nào hay có mục đích buộc các trường phải sử dụng điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông để xét tuyển. Từ hai năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập Trung học phổ thông và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung.
Quyền tự chủ nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo luật định phải luôn gắn chặt với trách nhiệm xã hội, trước hết cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục. Luật Giáo dục đại học giao Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh là công cụ quản lý nhà nước để điều chỉnh việc này.
Còn về vấn đề ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe và sư phạm, vì sao Bộ có những điều chỉnh trong dự thảo quy chế, thưa bà?
PGS Nguyễn Thu Thuỷ: Quy định thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe và sư phạm ngay trong quy chế tuyển sinh mục đích cũng là để bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh ứng tuyển, không phân biệt tuyển sinh theo phương thức nào. Bên cạnh đó, việc quy định dựa trên kết quả cả 3 năm là để tạo tác động tích cực trở lại cho quá trình dạy và học ở bậc trung học phổ thông.
Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!
Theo VTV.VN
Chiều 22/11, tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Tỉnh Đoàn Hòa Bình tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi hát tiếng Anh Online tỉnh Hòa Bình lần II năm 2024 và tập huấn tình nguyện viên dạy tiếng Anh cấp tỉnh.
Xây dựng trường học hạnh phúc (THHP) là việc hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi yêu thương, an toàn và tôn trọng ngay tại trường học. Do đó, rất cần sự chung tay của mỗi thầy, cô giáo và toàn xã hội để mang đến cho học trò những giờ học thật hạnh phúc. Mục tiêu xây dựng THHP là học sinh đến trường an toàn, thầy cô làm việc được an lòng, phụ huynh đưa con đến trường an tâm. Việc xây dựng THHP phải vì sự tiến bộ, phát triển của thầy cô, học trò mà ở đó hiệu trưởng có sứ mệnh đặc biệt quan trọng.
Ngày 22/11, đoàn công tác tỉnh Hòa Bình do đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo Đại học Thái Nguyên tại phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang.
Ngày 22/11, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn huyện Mai Châu.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố kế hoạch tổ chức thi, đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức năm 2025 (kỳ thi SPT).
Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Tu Lý A, xã Tú Lý được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua dẫn đầu khối giáo dục mầm non của tỉnh. Đóng góp vào kết quả chung đó, Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn nhà trường đã phát huy tốt vai trò là cầu nối, gắn kết tập thể cán bộ, giáo viên (CBGV), người lao động (NLĐ). Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần xây dựng tập thể đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học.