Hiện nay, ở phần lớn các nước trên thế giới, nhà giáo đều có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần quyết định hưng thịnh của nền giáo dục mỗi quốc gia. Việt Nam đang nỗ lực sửa đổi và củng cố các chính sách dành cho nhà giáo thông qua việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập.
Sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội thực hành tại trường tiểu học. (Ảnh QUANG PHONG)
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), với mục tiêu xây dựng nền giáo dục chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, bảo đảm tính cạnh tranh của quốc gia, hạnh phúc và an sinh của người dân cũng như hội nhập toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực sửa đổi và củng cố các chính sách dành cho nhà giáo thông qua việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Luật được xây dựng với phương châm nhất quán về phát triển đội ngũ nhà giáo chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng nhằm thu hút, giữ chân người tài vào nghề sư phạm, yên tâm cống hiến. Hiện nay, Luật Nhà giáo đã được Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2025).
Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD và ĐT) Vũ Minh Đức cho biết, Luật Nhà giáo đang được soạn thảo kỹ lưỡng thông qua nghiên cứu và tham vấn rộng rãi, tạo động lực và củng cố để tất cả nhà giáo trở thành những lực lượng có trình độ, tận tụy, có trách nhiệm và thành thạo trong nghề. Nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để nhà giáo phát huy tối đa tiềm năng của mình và đóng góp hiệu quả vào công cuộc đổi mới giáo dục quốc gia. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, Ban Soạn thảo lựa chọn, cân nhắc tổ chức các hội thảo, xin ý kiến các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế theo tinh thần khoa học, có chọn lọc trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay nhằm xây dựng chính sách nhà giáo theo luật đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp bối cảnh hội nhập của đất nước hiện nay.
Theo bà Valerie Djioze-Gallet, Ban Phát triển nhà giáo của UNESCO, ở mức độ tối thiểu, một chính sách nhà giáo toàn diện cần bảo đảm công tác đào tạo ban đầu chất lượng và phù hợp; có sự hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên; có chế độ đãi ngộ và cơ chế khuyến khích giúp thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành sư phạm; tạo ra một môi trường học tập và giảng dạy an toàn, lành mạnh và tạo hứng thú cho người học. Vì vậy, trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan nhà giáo cần có sự cam kết thực hiện của Chính phủ, sự tham gia nhiều hơn ý kiến của giáo viên.
Chuyên gia Chương trình Giáo dục, lực lượng đặc nhiệm quốc tế về nhà giáo cho mục tiêu giáo dục 2030 của UNESCO, Peter Wallet cho rằng, thực tế hiện nay trên thế giới, tình trạng giáo viên bỏ nghề khiến vấn đề thiếu giáo viên trầm trọng hơn, tỷ lệ giáo viên bỏ nghề tăng gấp đôi trên toàn cầu từ 4,62% năm 2015 lên 9,06% năm 2022, tác động tiêu cực đến học sinh, trường học và hệ thống giáo dục. Vì vậy, xây dựng chính sách nhà giáo cần toàn diện, gắn với các ưu tiên quốc gia. Các chính sách nhà giáo cần hướng đến cải thiện điều kiện làm việc và bảo đảm mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, bảo đảm công bằng giới trong cách thức đối xử đối với giáo viên.
Tiến sĩ Li TingZhou, Trung tâm Đào tạo giáo viên, Đại học Sư phạm Thượng Hải (Trung tâm đào tạo cấp 2 của UNESCO) chia sẻ kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, trong xây dựng chính sách, nhà giáo cần thúc đẩy chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo viên. Đặc biệt, giáo viên với vai trò là người thực hiện các nhiệm vụ công việc được giao cho nên các cơ chế, chính sách cần phản ánh chế độ khuyến khích, đãi ngộ rõ ràng.
Theo chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, ở nước ta, các quy định của Luật Nhà giáo cần xây dựng theo hướng tiếp cận toàn diện và tổng thể, phù hợp các quan điểm chỉ đạo trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong phát triển các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo cần đi trước một bước để sẵn sàng cho việc đổi mới giáo dục. Các quy định pháp luật về nhà giáo cần bảo đảm chế độ tiền lương, đãi ngộ và khen thưởng tương xứng với vị thế, vai trò, trách nhiệm và hoạt động nghề nghiệp; nhận diện và khắc phục những rào cản hiện nay trong tuyển dụng, sử dụng và giữ chân nhà giáo…
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong quá trình tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD và ĐT sẽ hướng tới xây dựng những chính sách đúng mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo. Những ý kiến trao đổi, tham vấn trong nước và quốc tế sẽ được ghi nhận đầy đủ nhằm tổng hợp, phân tích theo tinh thần khoa học, có chọn lọc trên cơ sở phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam nhằm xây dựng Luật Nhà giáo phù hợp, hiệu quả nhất trong thực thi, góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục nói riêng, phục vụ đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung.
Theo Báo Nhân dân
Ngày 18/12, Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Lễ ra mắt Vườn ươm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Thông tư quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do trường quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), Công đoàn Trường mầm non Tân Hòa A (TP Hòa Bình) tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua (PTTĐ) gắn với công tác giáo dục trẻ. Tập thể cán bộ, giáo viên tâm huyết với nghề đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy. Từ đó xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến về việc xây dựng Dự thảo nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh trung học phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố từ năm học 2025 - 2026.
Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết số 463/NQ-HĐND, ngày 6/12/2024 về việc dừng chủ trương đầu tư dự án: Nâng cấp, mở rộng trường lớp học các xã Văn Sơn, Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình sử dụng vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản.
Ngày 14/12, Liên đội Trường TH&THCS xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu tổ chức Đại hội cháu ngoan Bác Hồ năm học 2024 - 2025. Đây là đơn vị được Hội đồng Đội tỉnh chỉ đạo Đại hội điểm cấp liên đội.