Em Đinh Công Tuân được thầy cô giáo hướng dẫn sử dụng áo phao, đề phòng rủi ro khi chèo thuyền đi học.

Em Đinh Công Tuân được thầy cô giáo hướng dẫn sử dụng áo phao, đề phòng rủi ro khi chèo thuyền đi học.

(HBĐT) - “Có chèo thuyền sang các xóm bên kia sông dạy phổ cập mới thấy thương xót và lo lắng cho cảnh đi học của các em. Càng thông cảm với các em, giáo viên chúng tôi càng thêm trân trọng những giờ đứng lớp…” – khuôn mặt cô giáo trẻ Bùi Thị Thanh (chủ nhiệm lớp 8 - khối THCS Ngòi Hoa, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc) phảng phất một nụ cười buồn khi kể về những đứa học trò nhỏ bé và tội nghiệp của mình. 

 

Hơn ba năm “gieo chữ” trên sóng nước Ngòi Hoa, khoảng thời gian đó đủ giúp cô hiểu thế nào là sự chòng chành của con chữ miền sông núi. Cô giáo Thanh kể: Nhà cô ở xã Quy Hậu (huyện Tân Lạc), cách xã Ngòi Hoa gần 20 km, không xa nhưng đường đồi núi quanh co rất khó đi, có những đoạn xấu đến mức tưởng như sắp gẫy cả giảm sóc xe máy nên phi xe từ nhà đến trường nhanh lắm cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ. Trời mưa đi chậm thì mất gần 3 tiếng. Vào những ngày sương mù dày đặc, sợ nhất là đi qua đoạn dốc Quy Hậu (huyện Tân Lạc) và dốc Cun (huyện Cao Phong). Khi đó, phải vừa căng mắt nhìn vừa thận trọng ghì chặt tay lái để “bám” theo những cung đường ngoằn ngoèo, trơn trượt. Thường các thầy cô có cùng đường đi làm phải hẹn nhau để đi thành nhóm, đề phòng hỏng xe hoặc gặp rủi ro dọc đường còn có người này người kia, chứ đi một mình thì khó xoay sở.   

 

“Vất vả như thế chẳng thấm vào đâu so với cảnh đi học của các em học sinh” – cô Thanh bùi ngùi so sánh, rồi xúc động kể tiếp: Phần vì nhà nghèo, phần vì đường xấu nên hầu hết các em đều đi bộ đến trường. Nhiều em nhà xa quá phải đi từ lúc 4 giờ sáng, tay lăm lăm cầm cây đèn pin nhỏ rẻ tiền. Vất vả nhất là các em ở xóm Ngòi – nhà cách trường mấy km và một con sông. Hành trang đến trường của các em, ngoài chiếc cặp sách quen thuộc thì không thể thiếu chiếc thuyền đạp và cái áo phao. Khi bóng tối vẫn trùm kín dòng sông và ánh sáng leo lét từ cây đèn không soi tỏ mặt người, các em mặc áo phao, đạp thuyền đến lớp. Gần 2 tiếng mới cập bờ Thung Nai, các em lại neo thuyền để tiếp tục hành trình vượt qua gần chục cây số đường đồi mới đến trường học. “Cứ nhìn đôi dép lê mòn vẹt gót lúc nào cũng vàng bết màu bùn, không thương sao được” – khuôn mặt cô giáo trẻ Bùi Thị Thanh phảng phất một nụ cười buồn.

 

Nhà ở xóm Ngòi, em Đinh Công Tuân (lớp 7) vẫn ngày ngày vượt sông đi học. Chiếc thuyền đạp đã gắn bó với em suốt 2 năm nay. Còn cái áo phao màu cam thơm phức này, em vừa được nhà trường cấp phát để sử dụng như một hành trang không thể thiếu mỗi khi đến trường. Tuân rụt rè kể: “Em là con út trong nhà. Trên em có một anh, một chị, đều chưa học hết cấp 2. Cả nhà dành dụm nuôi em ăn học đến nơi đến chốn, luôn động viên em chăm chỉ đến trường nên em quyết tâm dù hoàn cảnh nào cũng không được bỏ học giữa chừng…”. 13 tuổi, có lẽ hoàn cảnh thiệt thòi khiến cách nói chuyện của Tuân già dặn hơn các bạn đồng trang lứa. Nước da ngăm đen đối lập với mái tóc vàng hoe cháy nắng càng khiến em trông già dặn hơn cái tuổi ngây thơ, trong sáng của mình.

 

Xã Ngòi Hoa chỉ có duy nhất một trường THCS. Vì thế, học xong cấp tiểu học tại xóm, các em học sinh xóm Ngòi và xóm Mu phải khắc phục khó khăn, vượt qua một đoạn đường dài để học tiếp bậc THCS. Cả khối THCS có 23 học sinh phải đi học bằng thuyền. Những hôm cùng các em đi thuyền sang xóm Mu và xóm Ngòi dạy phổ cập cấp 2, sợ nổi da gà khi trải nghiệm sự chòng chành của con nước lòng hồ, thầy cô giáo nơi đây thật sự thương xót và lo lắng cho học sinh của mình. Vất vả đã đành, đáng lo hơn là nỗi hiểm nguy luôn rình rập bên trong từng con sóng lặng. Cũng dễ hiểu khi thi thoảng lớp học lại vắng bóng vài học sinh. Chúng bỏ học vì mưa gió, vì hôm đó là ngày chợ thuyền, vì bụng đói cồn cào những ngày nhà ăn cơm độn sắn. Mọi nỗ lực “gieo chữ” trên sóng nước Ngòi Hoa cứ chòng chành theo con sóng. 

 

                                                                                        Thu Trang

 

Các tin khác


Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục