Hôm nay 10-7, thí sinh cả nước dự thi những môn cuối cùng của kỳ thi ĐH đợt 2. Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT cuối ngày 9-7, trong ngày thi đầu tiên của đợt 2, tổng số thí sinh dự thi cả nước trên 583.000, đạt tỷ lệ 78,19%.
Sau hai buổi thi, có 78 thí sinh bị đình chỉ, trong đó 57 thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi. Có 1 thí sinh không được dự thi do đến muộn so với giờ quy định, 1 giám thị bị đình chỉ.
Điều đáng chú ý là trong buổi thi sáng (Văn khối C, D; Sinh khối B), cả nước chỉ có 14 thí sinh bị đình chỉ, trong đó có 7 thí sinh mang tài liệu vào phòng. Nhưng đến buổi thi chiều, cả nước có thêm 50 thí sinh bị đình chỉ do lỗi mang tài liệu vào phòng thi. Đây là điều được dự báo trước, vì môn Sử luôn được xem là môn khó với các thí sinh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà cho biết, trong ngày thi đầu đợt 2, đề thi các môn Văn, Sinh, Toán, Sử được bảo mật tuyệt đối tất cả các khâu. Đề thi nằm trong chương trình THPT, không có sai sót.
Theo ghi nhận của phóng viên báo SGGP đi cùng Đoàn kiểm tra Bộ GD-ĐT phía Nam thị sát một số hội đồng thi tại khu vực quận Thủ Đức, quận 2 và khu vực trung tâm của cụm thi TPHCM vào sáng 9-7, giống như đợt thi thứ nhất, đợt thi thứ 2 nhiều hội đồng thi được đoàn kiểm tra phát hiện vi phạm Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2010. Tại các hội đồng thi như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Văn hóa, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM nhiều điểm thi có phòng thi từ 70 đến 120 thí sinh nhưng không có vách ngăn.
Ngoài ra, rất nhiều trường đã thuê trường tiểu học để thi. Tại một hội đồng thi ở quận 2, giám thị coi thi cũng vi phạm quy chế, không đeo bảng tên trong lúc coi thi.
Về vấn đề nhiều trường vi phạm quy chế (vượt quá 40 thí sinh phòng thi, phòng thi ghép phải có vách ngăn) đã được Báo SGGP phản ánh ngay trong ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ nhất. Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ Bộ GD-ĐT phía Nam cũng đã ghi nhận và cam kết xử lý nghiêm những trường vi phạm. Tuy nhiên, trong công điện khẩn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi các trường vào ngày 5-7, Bộ GD-ĐT không hề nhắc nhở các trường thực hiện đúng quy chế này.
Đáng nói hơn, đoàn kiểm tra khi phát hiện cũng không lập biên bản xử phạt mà chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở. Như vậy liệu có công bằng khi thí sinh vi phạm quy chế thì bị giám thị cảnh cáo, trừ điểm bài thi trong khi giám thị, hội đồng vi phạm quy chế thì chỉ nhắc nhở?
Kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ 2, không chỉ thí sinh mà giám thị coi thi cũng vi phạm quy chế. Hội đồng thi Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đã lập biên bản, khiển trách 2 giám thị coi thi do niêm phong đề thi thừa không đúng quy định.
Theo đánh giá của các giáo viên và học sinh khối THPT ở nhiều cụm thi, đề thi Văn năm nay hay, cách ra đề đã được đổi mới.
BÊN LỀ Những phòng thi đặc biệt Cũng tại điểm thi này, thí sinh Trà Mi dự thi ở phòng thi 5606 cho biết, vừa phát đề xong lập tức có 4-5 bạn ngồi úp mặt xuống bàn đến lúc còn 2/3 thời gian rời phòng thi. Được biết, do đề khó làm không được nên nhiều TS đành ngồi ngủ chờ đến giờ được rời phòng thi. Sau 2/3 thời gian làm bài môn thi thứ 2, hầu hết TS ở hội đồng thi này đã nộp bài. Nhiều phụ huynh, thí sinh giật mình khi đến điểm thi Trường THPT Trưng Vương thuộc HĐT ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn vì mấy chú chó béc-giê đi qua lại ngay trong khuôn viên trường. Một thí sinh cho biết: Mấy con chó to đùng cứ đi qua đi lại ngay lối vào trường thi, mỗi lần vào thi, em cứ lo bị cắn nên cố đi tránh xa. Nhiều phụ huynh đưa con đến thi cũng cố dặn con em nên tránh xa những “bảo vệ” bất đắc dĩ. Nhiều người thắc mắc, năm nay hội đồng thi này tăng cường chó béc-giê làm… giám thị? |
NHÓM PV
Nhận xét đề Đề môn Văn (Khối C, D): Hay! Đề thi tuyển sinh Đại học môn Ngữ văn của khối C và D năm nay quá hay. Đề vẫn bám sát cấu trúc đề thi của bộ và chương trình sách giáo khoa, nhưng cách ra đề thật sự đổi mới, đòi hỏi sự động não, năng lực học Văn của thí sinh và liên hệ với thực tế cuộc sống của các em. Cụ thể, ở câu I khối D, chỉ hỏi về một chi tiết nhỏ của truyện Vợ nhặt (Kim Lân), nếu không đọc kỹ và nắm chắc mạch nguồn tác phẩm thì TS không nắm được cả xóm ngụ cư, bà cụ Tứ mẹ Tràng và cả Tràng cũng quá đỗi ngạc nhiên về chuyện nhặt được vợ của mình. Ý nghĩa, tác dụng của chi tiết này làm hấp dẫn người đọc, làm sâu sắc thêm nội dung, giá trị tình người, TS đâu dễ trả lời. Câu I khối C yêu cầu TS trả lời về phong cách nghệ thuật đa dạng của Hồ Chí Minh qua từng thể loại chính luận, truyện ký và thơ ca, từ đó, suy luận rút ra nhận định tính thống nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh. Ở câu II: khối D yêu cầu TS nghị luận về thói đạo đức giả. Trong khi, khối C yêu cầu TS nêu ý kiến về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay. Câu hỏi mang tính thời sự, vừa lay động TS về cách sống chân thật có đạo đức và ý thức trách nhiệm trong giới trẻ hiện nay. TS phải phân tích bằng quan điểm, cảm xúc riêng, kèm theo những kiến thức là dẫn chứng và suy luận. Câu III chương trình chuẩn, khối D: cảm nhận về đoạn thơ trong bài “Đàn ghi-ta của Lor-ca” của Thanh Thảo, đề đã mạnh dạn hỏi về một tác phẩm mới đưa vào chương trình, mà về câu chữ, hình ảnh rất mới, mang màu sắc tượng trưng siêu thực, TS phải ôn luyện kỹ mới có thể cảm nhận sâu sắc ý tình của tác giả gởi gắm. Ở khối C, TS có thể cảm nhận vẻ đẹp của cảnh vật trời mây sông nước, thiên nhiên của quê hương và nét “buồn thế hệ” của hai tác giả Thơ Mới. Nhưng TS khó cảm nhận được nét riêng trong các câu lãng mạn của Hàn Mặc Tử, Huy Cận thời Thơ Mới trước Cách mạng Tháng 8. Với chương trình nâng cao, khối D yêu cầu TS cảm nhận 2 chi tiết “Bát cháo hành” của Thị Nở mang cho Chí Phèo (truyện Chí Phèo) và “Ấm nước đầy và nước còn ấm” của Từ cho Hộ (Đời Thừa) để thấy được tác giả đã chọn lựa chi tiết nghệ thuật độc đáo, góp phần chuyển tải nội dung tư tưởng tác phẩm, tình người đẹp sáng ngời giá trị nhân văn giữa xã hội thực dân phong kiến thối nát vùi dập, phải làm cho con người tha hóa, bế tắc. Qua 2 chi tiết độc đáo trong 2 tác phẩm, cảm nhận được ngòi bút hiện thực và nhân đạo sắc sảo của Nam Cao trước Cách mạng Tháng 8. Khối C, thực chất là cảm nhận bút pháp lãng mạn tài hoa, giàu chất thơ, nhạc, hội họa của 2 tác giả, cũng qua thể loại tùy bút cùng viết về dòng sông. Đó là 2 đoạn văn hay, đẹp, ca ngợi vẻ đẹp trữ tình, quyến rũ của những dòng sông quê hương này. TS khó cảm nhận được nét riêng tinh tế của bút pháp của 2 tác giả và vẻ đẹp trữ tình lãng mạn của 2 dòng sông, vì thế đây cũng là câu để phân hóa TS. Đề ra đạt yêu cầu phân hóa TS, đáp ứng tốt yêu cầu cần chất văn thật sự của TS các ngành đào tạo có học văn ở đại học. Thầy TRẦN HỒNG ĐƯƠNG Đề môn Sinh: Quá dài! Nhìn chung đề thi quá dài và có nhiều câu đòi hỏi sự tính toán khiến TS khó có thể có đủ thời gian để làm hoàn tất bài thi. Trong đó có những câu phải sử dụng toán giải tích tổ hợp mới giải được. Những câu hỏi giáo khoa mang tính lý thuyết có độ khó trung bình. Đề thi có tính phân hóa cao, có cấu trúc giống đề mẫu bộ đã ban hành, tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12. Những câu quá khó gây mất nhiều thời gian là câu 1, 9, 10, 11, 13, 15, 21, 25, 26, 33, 40, 49, 50, 58 (mã đề 615) đòi hỏi TS phải tính toán nhiều. Câu 25 đã được cho đề năm 2009. Nhìn chung đề năm nay về lý thuyết mức độ giống như năm vừa rồi, một số câu thuộc loại suy luận. Tóm lại, đề thi năm nay khó hơn đề thi năm 2009 nên dự đoán điểm trung bình của môn Sinh khối B sẽ thấp hơn. Cô NGUYỄN THÁI ĐỊNH Đề môn Toán (khối B và D): Khó đạt điểm tuyệt đối Đề thi môn Toán khối B, D năm nay có cấu trúc không mới so với các năm. Tuy nhiên, đề thi lần này khó hơn năm 2009. Hai câu khó là câu II.2 và câu V, chỉ dành cho những học sinh thực sự giỏi mới làm được. Dự đoán, với đề thi này không có nhiều TS đạt điểm tuyệt đối. Học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 và chỉ những học sinh thực sự xuất sắc mới đạt điểm 9 hoặc 10. Phần riêng của chương trình chuẩn và chương trình nâng cao có độ khó bằng nhau. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn về độ khó, độ phức tạp giữa đề thi tú tài và đề thi tuyển sinh đại học khối B, D năm nay, nên kỳ vọng kết hợp 2 trong 1 của 2 kỳ thi này sẽ khó thực hiện được. Trong cả 2 đề thi, những câu có độ khó trung bình là những bài toán lượng giác, tích phân, số phức và khảo sát hàm số. Những câu tương đối phức tạp rơi vào những bài toán hình học. Nhìn chung, đề Toán hay, có độ phân hóa cao, phù hợp với yêu cầu đề thi tuyển sinh đại học. Thầy ĐÀO BẢO DŨNG Đề môn Sử (khối C): Khó hơn năm trước Phần chung cả 3 câu đều có độ khó riêng. Chỉ những học sinh chăm chỉ và có sự suy luận tốt mới có thể đạt điểm cao. Câu I của phần chung là đề tài về chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1973 và việc triển khai chiến lược đó ở Tây Âu trong những năm 1947 - 1949: là một câu không quá khó, nhưng đòi hỏi học sinh chẳng những phải thuộc bài mà biết tổng hợp các sự kiện cả một giai đoạn lịch sử. Câu II của phần chung đề cập đến nhiệm vụ và lực lượng cách mạng được xác định trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản VN. Câu này việc nêu các nhiệm vụ là đơn giản, nhưng việc nhận xét đòi hỏi học sinh phải suy luận. Câu III liên quan đến vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, câu này tương tự với đề thi tú tài năm nay (vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị thành lập Đảng năm 1930). – Phần riêng, cả hai câu đều dễ, với điều kiện xác định đúng tên của chiến dịch (câu IV.a) và tên của cuộc tiến công chiến lược (câu IV.b). Độ khó của 2 câu là tương đương. Tạo được sự công bằng cho học sinh học chương trình chuẩn và nâng cao. Dự kiến điểm thi sẽ không cao lắm. Phổ điểm tập trung chủ yếu là điểm 4, 5. Những TS thật sự xuất sắc mới đạt đến điểm 9 - 10. Các TS học trung bình - khá có thể đạt điểm 5 - 6. Thầy TRẦN NGỌC KHÁNH |
Theo SGGP
Tặng bạn đọc phụ trương gợi ý bài giải các môn: Sinh, Văn (khối C, D), Sử, Toán (khối C, D) trên số báo ngày mai
(HBĐT) - Ngày 8/7, đoàn công tác của Hội khuyến học tỉnh do ông Quách Thế Tản, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh làm trưởng đoàn và Hội khuyến học huyện Mai Châu đã đến xã Pà Cò trao Bằng khen của TW Hội khuyến học Việt Nam cho ông Sùng A Giống ở xóm Pà Háng Lớn.
(HBĐT) - Hội đồng Đội huyện Mai Châu vừa tổ chức lễ tuyên dương thực hiện cuộc vận động “Thiếu niên Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” từ năm 2007 đến 2010. 99 em thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trong toàn huyện đã được tuyên dương đợt này.
Hôm nay 8-7, hơn 600.000 thí sinh (TS) trên cả nước đến các điểm thi để nhận phòng thi, làm thủ tục, chỉnh sửa giấy báo thi và nghe phổ biến quy chế thi. Ngày mai 9-7, TS sẽ chính thức thi môn đầu tiên (các khối B, C, D và các khối năng khiếu) của đợt thi thứ 2.
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ TC, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH. Đây sẽ là cơ hội để sinh viên các trường nghề có thể học lên các cấp học cao hơn và nhận bằng chính quy.
Hôm nay, 8-7, các thí sinh (TS) sẽ đến làm thủ tục dự thi đợt 2 vào các trường ĐH với các khối B, C, D và năng khiếu. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có 272.608 TS đăng ký dự thi khối B; 209.102 TS thi khối D; 105.151 TS thi khối C.