ĐH Luật Hà Nội nằm trong diện di dời mặc dù khu nhà A của trường mới chỉ xây xong phần thô.

ĐH Luật Hà Nội nằm trong diện di dời mặc dù khu nhà A của trường mới chỉ xây xong phần thô.

Việc di dời các trường ĐH-CĐ ra khỏi nội thành Hà Nội đang làm xáo động giảng viên, sinh viên, và phụ huynh, học sinh. Giữa lúc các bộ, ngành và TP Hà Nội còn chưa thống nhất được giải pháp cụ thể cho vấn đề này, chúng ta hãy cùng tham gia bàn thảo về vấn đề này.

 

Việc di dời không phải chuyện "một sớm một chiều"

Trên thực tế, chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành Hà Nội của Chính phủ đã có từ rất lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Bởi vì việc chuyển cả một cơ ngơi lớn với hàng nghìn sinh viên, giảng viên là điều không hề đơn giản, đòi hỏi nhà nước phải có lộ trình cụ thể, những hoạch định rõ rang về cả thời gian lẫn tài chính.

GS.TS Nguyễn Hoàng Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương cho rằng: "Nhà nước cần thiết lập một hội đồng liên ngành, bao gồm đại diện của TP Hà Nội, đại diện Bộ Giáo Dục, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Xây dựng… để lên quy hoạch trường nào sẽ ở đâu, diện tích bao nhiêu? Và phải trả lời được câu hỏi ai đứng ra đền bù, giải tỏa? Có phương án, giải pháp về tài chính chưa?... bởi vì riêng công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cho trường mới theo tôi biết phải tốn hàng chục nghìn tỷ đồng?"

Theo ông, ĐH Ngoại Thương là trường công lập nên vấn đề xây trường mới phụ thuộc cả vào nhà nước. Ông dự đoán, nếu nhà nước có những bước đi hết sức cụ thể và phù hợp thì ít nhất cũng phải 30 năm nữa mới di dời được.

Bên cạnh chuyện kinh phí thì vấn đề quỹ đất cũng được nhiều trường ĐH quan tâm. Tiến sỹ Trương Quang Vinh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội tỏ ra băn khoăn quỹ đất phân bổ cho các trường đã hợp lý chưa, đất chuyển đến có phải là đất "sạch" không hay vẫn còn thuộc quyền quản lý.

"Chủ trương có nói các trường bắt đầu đăng ký địa điểm di dời trước từ tháng 2/2011, nhưng chúng tôi lại không biết phải gặp cơ quan nào để đăng ký, thủ tục ra sao? Tiếp đến là vấn đề giải phóng mặt bằng cũng không đơn giản…" Tiến sỹ thắc mắc.

Ông lấy ví dụ khu nhà A của ĐH Luật đang xây dựng dang dở, khi hoàn thiện sẽ mất khoảng 175 tỷ đồng, mà hiện nhà nước chỉ cấp 75 tỷ đồng, còn lại nhà trường phải tự lo. "Vậy thì liệu nếu buộc phải di dời, kinh phí cho đất mới, xây trường mới nhà nước có đáp ứng được không?". TS Trương Quang Vinh đặt câu hỏi.

Một số trường như ĐH Y Hà Nội, ĐH Luật Hà Nội… có đặc thù riêng. Ngoài việc học lý thuyết ở trường, sinh viên năm thứ 3 sẽ dành nhiều thời gian thực hành ở các bệnh viện, viện nghiên cứu, tòa án… Chẳng hạn như chương trình đào tạo theo hệ tín chỉ ở ĐH Luật có khi thời gian trống giữa 2 tiết học từ 3 - 4 tiếng, và sinh viên có thể tranh thủ thực hành bằng cách đi dự các phiên tòa. Nay nếu trường di dời ra ngoại thành thì họ không thể làm được điều đó, vô hình trung mối liên kết giữa học và hành sẽ không còn nữa...

Khi quyết định "đầu quân" giảng dạy ở một trường ĐH nào đó thì các giảng viên, đặc biệt các giảng viên lớn tuổi hoặc đã lập gia đình thường xác định chỗ ở, chỗ con cái học tập sao cho gần trường và thuận tiện nhất. Việc các trường ĐH chuyển đi một nơi khác, xa trung tâm thành phố sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của mỗi giảng viên, phá vỡ sự gắn bó vốn có giữa họ với gia đình.

Cùng với các hệ lụy khác, lãnh đạo ĐH Luật Hà Nội nghi ngại sẽ có hiện tượng nhiều giáo viên muốn thuyên chuyển công tác, bởi trong thời điểm hiện tại trong trường đã xuất hiện thông tin này.

Thời gian gần đây, các trường thường xuyên nhận được thắc mắc về vấn đề di dời các trường ĐH, CĐ của nhiều phụ huynh và học sinh. GS Nguyễn Hoàng Châu cho biết: "Nhiều em nói thẳng nếu trường ở nội thành Hà Nội thì mới học".

Còn TS Trương Quang Vinh lại lo ngại: "Lượng thí sinh thi vào các trường trong diện di dời sẽ giảm đi đáng kể, ngược lại các em sẽ đổ xô vào những trường được ở lại nội thành". Vấn đề này nếu xảy ra sẽ làm suy giảm chất lượng đầu vào một số trường trong trường hợp không đủ chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời gây mất cân đối cung cầu giữa các trường, các ngành học - TS nhấn mạnh thêm.

Cần sớm phổ biến kế hoạch di dời cụ thể cho các trường

Thông tin "di dời 12 trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành" được bàn bạc và mổ xẻ kỹ lưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng, được dư luận truyền tai nhau nhanh chóng là vậy, nhưng bản thân các trường bị di dời lại không nắm rõ được chủ trương. Và vì không nhận được thông tin chính thống nên các trường cũng băn khoăn và không biết giải thích thế nào với những thắc mắc của giảng viên, sinh viên. Thậm chí nhà trường chưa kịp lên tiếng thì những thông tin về trường đã bị đưa một cách sai lệch trên các trang báo mạng.

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương, GS.TS Nguyễn Hoàng Châu tỏ ra bất bình: "ĐH Ngoại thương cơ sở 1 ở Hà Nội có diện tích 2,2ha nhưng một số báo dẫn theo số liệu của Sở Quy hoạch chỉ có 0,5ha là sai. Cộng với cơ sở ở Quảng Ninh 6ha, ở TP HCM hơn 0,5ha, như vậy tổng diện tích cả 3 cơ sở là khoảng gần 8,8ha". Ông Châu tính toán.

"8,8ha đất mà chia cho 12.000 sinh viên chính quy của trường thì tính ra là khoảng 7,3m2/SV chính quy. Còn nếu tính diện tích sàn xây dựng thì cũng hơn 4m2/SV. Như vậy thông tin trường chúng tôi chỉ số m2 diện tích đất/SV chỉ 1,08m2 là không chính xác".

Còn Hiệu phó Trường ĐH Luật Hà Nội thừa nhận nhà trường đang "chơi vơi, không biết bấu víu vào cái gì để tiếp tục hoạt động và thực hiện các chủ trương của Đảng và nhà nước". Theo ông, chủ trương lớn, ảnh hưởng đến nhiều người như thế nhưng lại không có công văn chính thức từ cơ quan chức năng, mà chỉ xuất hiện trên báo chí đã gây xáo trộn đáng kể trong giảng viên và sinh viên của trường.

Được biết, diện tích Trường ĐH Luật khá nhỏ, chỉ khoảng 1,5ha với hơn 40 phòng học. Tuy nhiên khi khu nhà A đang xây dựng hoàn thiện có thêm khoảng 60 phòng nữa, sẽ giải quyết cơ bản phòng học cho 6.000 SV chính quy và phòng làm việc cho giáo viên…

Trong khi các trường đang hoang mang, mơ hồ về chủ trương di dời thì UBND TP Hà Nội, cơ quan được giao quyền trực tiếp thực hiện chủ trương lại không có bất cứ một câu trả lời nào rõ ràng. Ông Nguyễn Thụ Đát, Trưởng phòng Xây dựng - Phát triển đô thị, trực thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết: "Chủ trương này đã có từ cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo phụ trách, nhưng Bộ không làm được, nay giao lại cho thành phố. Việc di dời là hoàn toàn đúng, vì các trường ở trong nội thành ảnh hưởng tới các hạ tầng xã hội, tắc đường, tập trung đông dân, quá tải… và cũng không có điều kiện để phát triển theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên đến nay thành phố vẫn đang tiến hành họp bàn và chưa thống nhất được phương án di dời".

 

                                                                             Theo Báo CAND

 

 

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục