Với số lượng trường, nhóm lớp tư thục ngoài công lập lên tới hơn 2.000, nhiều cán bộ quản lý cho rằng, nếu siết chặt quản lý các trường tư, nhóm lớp, các trường mầm non (MN) công ở TPHCM và Hà Nội sẽ “vỡ nát” trước áp lực khổng lồ từ số lượng trẻ dôi dư.
Trường tư được... nới tay
Thực trạng quá tải trường lớp bậc học MN tại 2 TP lớn trên là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, để đạt được một số mục tiêu mà đề án phát triển giáo dục MN giai đoạn 2006-2015 vừa được Chính phủ thông qua, ngành giáo dục 2 TP vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Trước những bức xúc và đòi hỏi hết sức cấp thiết của ngành giáo dục MN, mới đây UBND TP Hà Nội đã xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục MN TP Hà Nội đến năm 2015” với tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng.
Với đề án này, Hà Nội hy vọng sẽ có 35% trẻ em dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, tỷ lệ trẻ 3 - 5 tuổi đến trường mẫu giáo đạt 95% và 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp. Toàn bộ phòng học tạm, phòng cấp 4 đều được xây mới, 50% số trường MN công lập đạt chuẩn quốc gia.
Còn theo tính toán của Sở GD-ĐT TPHCM, hiện tính trên toàn TP, trường tư phải gánh 30%-50% số trẻ cần gửi. Bên cạnh đó, năm học 2011-2012 TPHCM quyết tâm đẩy mạnh công tác phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân khiến chỗ học của trẻ ở các trường MN công lập càng thiếu trầm trọng.
Số liệu cũng cho thấy riêng nhóm trẻ gia đình có phép của TPHCM là hơn 1.054 nhóm so với 723 trường MN công lập và MN ngoài công lập. Điều đó lý giải vì sao TPHCM, Hà Nội khó siết chặt quy định với các trường MN ngoài công lập và các nhóm trẻ.
Trao đổi với chúng tôi về việc quản lý trường tư và thực trạng “trắng trường” MN công lập tại một số xã, phường trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: Các trường MN công lập của TPHCM tại các quận, huyện đều không đủ chỗ cho trẻ học. Tuy nhiên, thực tế có những cơ sở MN ngoài công lập không chỉ đảm bảo đầy đủ số lượng giáo viên trên lớp mà còn đảm bảo được khá nhiều tiêu chí và điều kiện nuôi dạy trẻ. Qua đó, không ít trẻ học trường MN ngoài công lập nhưng vẫn được học đầy đủ chương trình giáo dục MN mới. Cũng không thể phủ nhận thực tế vẫn còn một vài nhóm lớp mới thành lập, chưa đảm bảo đúng và đủ về điều kiện giáo viên trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Các cháu ở Trường Mầm non Bán công 30/4 quận 1 vui chơi trong thư viện. Ảnh: MAI HẢI |
Phải tránh chạy theo thành tích từ... mầm non
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT Hà Nội thì cho rằng: Vấn đề căng thẳng chỗ học, tuyển sinh ở bậc học MN không chỉ mới đây mà đã có từ nhiều năm nay. Nếu không dựa vào các trường tư thì rất khó đảm bảo chỗ học cho trẻ. Trong khi năm học này theo yêu cầu phổ cập giáo dục, tất cả các cháu 5 tuổi đều phải được nhận vào trường MN công lập. Nếu các trường còn chỗ thì mới dành cho các cháu lứa tuổi 3, 4 tuổi. Trong tình hình trường công hạn chế trong khi số lượng trẻ quá đông sẽ rất khó đảm bảo đủ chỗ cho trẻ.
Theo khảo sát, hiện nay nhiều cơ sở MN tư thục, nhóm lớp gia đình vẫn còn tình trạng cơ sở chật chội, tối tăm, không đảm bảo điều kiện tối thiểu. Nhưng do không có kinh phí cải thiện, tái đầu tư khi số lượng trẻ ít và mức phí giữ trẻ không cao nên đành để vậy.
Biết vậy nhưng nếu ngành giáo dục kiên quyết đóng cửa thì những phụ huynh nghèo sẽ không biết gửi con nơi đâu, lúc đó áp lực lại đè nặng lên trường công một cách nặng nề hơn bởi hiện nay nhiều quận huyện vì áp lực phổ cập MN 5 tuổi đã buộc phải “hy sinh” trẻ các lứa tuổi 3 và 4 để đảm bảo chỉ tiêu.
Mục tiêu của đề án phát triển giáo dục MN giai đoạn 2010-2015 là củng cố, mở rộng mạng lưới trường lớp, nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, nhóm trẻ từ 20% năm 2010 lên 30% vào năm 2015; trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 67% năm 2010 lên 75% vào năm 2015; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 95% năm 2010 lên 99% vào năm 2015.
Nâng tỷ lệ các cơ sở giáo dục MN đạt chuẩn quốc gia từ 20% vào năm 2010 lên thành 50% vào năm 2015. Nâng tỷ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi ở các vùng có điều kiện khó khăn đến lớp mẫu giáo đạt 55% năm 2010 lên 62% vào năm 2015, phấn đấu để tỷ lệ trẻ em đạt chuẩn phát triển là 95% vào năm 2015, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các cơ sở giáo dục MN xuống dưới 10% vào năm 2015.
Mục tiêu là vậy, nhưng với thực tế hạn chế về cơ sở vật chất như hiện nay việc bắt buộc phải thực hiện phổ cập MN 5 tuổi trong năm 2011-2012 thì việc phát triển MN của ngành vẫn phải dựa nhiều vào hệ thống trường tư.
Từ những bất cập trên cho thấy, nếu chúng ta không có một chiến lược phát triển mạng lưới trường lớp một cách đồng bộ và bền vững thì rất khó để đạt được mức giáo dục trẻ toàn diện như mục tiêu chiến lược mà đề án đưa ra khi gần như sự phát triển của giáo dục MN vẫn dựa chủ yếu vào hệ thống trường tư thục, nhóm lớp. Chưa kể, trong thực tế các địa phương ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn gấp bội 2 TP trên.
Vì lẽ ấy, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, tránh việc phổ cập MN 5 tuổi bị chạy theo thành tích.
Theo SGGP
Năm nay có một số thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng có lợi cho thí sinh. PV Thanh Niên có cuộc phỏng vấn GS-TSKH Bùi Văn Ga (ảnh) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề này.
Giáo sư Hoàng Tụy khẳng định sau nhiều năm thực hiện chủ trương chống bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử mà Bộ GD-ĐT vẫn gọi là “hai không”, tiêu cực vẫn còn lộ rõ, ngay trong các khâu coi thi rồi chấm thi. Giáo sư cho rằng:
(HBĐT) - Chiều ngày 24/6, đoàn công tác của Sở GD & ĐT và Ban thi đua khen thưởng tỉnh đã có buổi kiểm tra, khảo sát công tác thi đua năm học 2010 – 2011 tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ.
(HBĐT) - Bà Đinh Thị Đàm, Phó giám đốc TT Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: qua điều tra của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, tỉnh ta còn khoảng hơn 11.000 lao động có nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc làm, trong đó, chủ yếu là lao động nông thôn, lao động trong các hộ gia đình nghèo.
Hôm qua, hơn 50.000 thí sinh tại TPHCM đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012. Nhiều thí sinh cho biết khá chật vật với môn Toán vì đề thi môn cuối cùng quá khó.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 đạt tỉ lệ cao nhất trong lịch sử giáo dục cách mạng nước nhà, đặc biệt là với hệ giáo dục thường xuyên. Cả nước có hơn 50 tỉnh, thành có tỉ lệ tốt nghiệp trên 90%. Tỉnh Nam Định đạt tỉ lệ cao nhất nước với 99,89% ở hệ THPT và 100% ở hệ giáo dục thường xuyên.