Niềm háo hức khi được trở thành học sinh lớp 1 bỗng biến mất trong ngày tựu trường đầu tiên, khi bé M. bị “ăn” điểm 3 môn tập viết.

 

Chị H. - mẹ của bé, ở khu dân cư An Trang, An Đồng, Hải Phòng - lo lắng kể: “Con bé nói sẽ không đi học nữa vì cô bảo con viết chữ xấu nhất lớp”.

Làm sao để mỗi ngày đến lớp là một ngày hội của các bé? - Ảnh TTO

Hầu hết mỗi buổi học, phiếu bài tập về nhà (được photo phát cho từng học sinh) của học sinh lớp 1 Trường tiểu học An Đồng, Hải Phòng đều được cô giáo chấm điểm chi tiết đến từng 0,3 hoặc 0,5, y như thang điểm chấm thi đại học. Mỗi tuần, cô giáo đều phát cho học sinh một bảng điểm ghi điểm trung bình môn tiếng Việt và toán. Trong hai tuần đầu tiên, rất nhiều bé ở lớp 1D - một trong những lớp có chất lượng của trường này - đã bị “ăn” điểm 3-4.

V., một bé trai học lớp 1 Trường tiểu học An Đồng, sau một tuần đi học đã nói với bố mẹ: “Con không đi học nữa, vì học làm con đau đầu lắm!”. Mẹ cháu cho biết: “Mới bước vào năm học nhưng mỗi ngày cháu phải làm khoảng 10 bài tập, trong đó có 5 bài tập toán, 4-5 bài tiếng Việt và tập viết. Xem phiếu bài tập của cháu V. thì thấy hầu như ngày nào cũng có 1-2 trang bài tập về nhà. Có những bài tập quá khó và không chuẩn. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, khi phụ huynh bày tỏ nỗi bức xúc thì cô giáo đã giải thích: “Do áp dụng phương pháp dạy học mới nên yêu cầu học sinh cao hơn”.

Phiếu bài tập về nhà của học sinh lớp 1 Trường tiểu học An Đồng - Hải Phòng được cô giáo chấm điểm chi tiết đến từng 0,3 hoặc 0,5 điểm - Ảnh: Vĩnh Hà

Chị C., một phụ huynh nghèo ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, cho biết chị có ba đứa con (sinh ba) cùng đi học lớp 1 trong năm học này. Ba cháu được xếp vào ba lớp khác nhau. Ngày đầu tiên đi học về, chị kiểm tra tập vở thì thấy cùng học lớp 1 nhưng vở của ba cháu học ba kiểu khác nhau.

Cháu thứ nhất cô chỉ yêu cầu tập viết các nét cơ bản trong hai trang giấy. Hai cháu còn lại “được” giao về viết chữ (mà thật ra là chép chữ) đến bốn trang giấy. Một cháu kêu khóc và đòi mẹ cho nghỉ, không đi học nữa vì sợ cô giáo và bài tập nhiều quá. Chị an ủi, động viên thì cháu đòi chuyển sang lớp khác mới chịu đi học. Gia đình chị C. từ Long An mới chuyển lên TP.HCM để cho con đi học nên cả ba đứa con của chị đều chưa học qua mẫu giáo và còn bỡ ngỡ từ những nét chữ đầu tiên, khác hẳn với phần đông các bạn trong lớp đều đã được học trước chương trình.

Trong điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành quy định rõ việc giáo viên không được có những lời nói, nhận xét làm tổn hại, gây tâm lý căng thẳng cho học sinh. Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục nhấn mạnh việc “không giao bài tập về nhà cho học sinh ở các trường học hai buổi/ngày” và quy định những loại sách, vở tối thiểu học sinh cần mang đến trường, quy định thời lượng dạy học đối với học sinh trong ngày, trong tuần...

Song những quy định nêu trên xem ra vẫn còn xa lạ với cách thức dạy và học trên thực tế hiện nay, khi căn bệnh thành tích vẫn còn “ám ảnh” cả nhà trường lẫn giáo viên, phụ huynh và nạn nhân cuối cùng chính là những học sinh non nớt trong những ngày đầu cắp sách đến trường.

Ông Lê Tiến Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Điều chỉnh cách đánh giá đối với học sinh tiểu học là cần thiết theo nguyên tắc thể hiện tính nhân văn của giáo dục tiểu học, lấy động viên, khuyến khích sự tiến bộ của các em là chính, không được gây áp lực cho học sinh và giáo viên, đảm bảo lợi ích chính đáng cho học sinh”.

 

                                        Theo TuoiTre

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục