Nhiều người cho rằng việc nhiều cử nhân học làm thợ là hệ quả của việc đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Việc này đang gây lãng phí lớn cho xã hội.

* GS Phạm Minh Hạc (chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN):

Đi ngược xu thế phát triển

Tôi cho rằng việc cử nhân buộc phải quay lại học nghề là một sự lãng phí lớn của xã hội. Bởi người học đã đầu tư học hết ĐH, tốn tiền của, thời gian và những điều khác nữa về đào tạo.

Ở những xã hội phát triển, họ tính toán rất cẩn thận về việc học phổ thông đến đâu thì phải phân luồng. Trong khi ở nước ta, công tác này đang rất hạn chế. Nhiều nhà khoa học ở nước ta cũng lên tiếng là phải phân luồng nhiều hơn nữa sau bậc THCS.

Ngoài ra trong mấy năm gần đây, các trường ĐH được mở tràn lan, nâng cấp trường CĐ lên ĐH, trong khi đáng lẽ phải chú trọng phát triển trường CĐ cộng đồng ở các địa phương. Chỉ trong vài năm lại có đến gần 100 trường CĐ lên ĐH là đi ngược lại với xu thế phát triển chung của thế giới. Hệ quả của vấn đề này là chất lượng đào tạo ĐH, CĐ quá kém. Giáo dục đào tạo phải gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Trường phổ thông phải gắn liền với trường ĐH và các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp để nguồn lao động gắn được với thị trường lao động. Những điều này chúng ta làm rất yếu và nhiều nơi thực hiện không nghiêm túc.

* Ông Trần Anh Tuấn (phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM):

Phải cân đối cung cầu của thị trường lao động

Vài năm gần đây số sinh viên tốt nghiệp ĐH lại tiếp tục theo học nghề ở trường trung cấp ngày càng nhiều. Trong số này có thể phân thành hai nhóm là những người sau khi tốt nghiệp ĐH nhận thấy nghề không phù hợp và những người không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nhưng phổ biến nhất là các cử nhân, kỹ sư thiếu kỹ năng thực hành và ngoại ngữ. Người học ngành nghề không yêu thích thì tìm một nghề khác phù hợp hơn để học lại. Trong khi người thiếu kỹ năng thì học nghề lại để làm việc được. Tôi cho rằng đây là sự thất bại, mất mát lớn của họ, nhất là thời gian.

Cơ cấu đào tạo cân đối phải gồm một ĐH, bốn CĐ và mười trung cấp nhưng thực tế ở nước ta hiện nay là hai ĐH, một CĐ và hai trung cấp. Vì vậy thị trường lao động đang thiếu người có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, thừa ĐH. Nhiều người tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm hoặc phải làm trái chuyên môn.

Một trong những điều kiện bắt buộc trong đào tạo là phải cân đối cung cầu của thị trường lao động, sắp xếp bậc học, ngành nghề đào tạo cần phù hợp nhu cầu phát triển xã hội. Đồng thời cần mở rộng, nâng cao hơn nữa tầm mức dự báo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh sinh viên.

* TS Kiều Xuân Hùng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM):

Sinh viên ít cọ xát thực tế

Việc cử nhân phải đi học lại trường nghề cho thấy xã hội, doanh nghiệp đang tiến đến xu thế tuyển người không dựa vào bằng cấp mà căn cứ vào thực lực của ứng viên. Trước đây có thể tuyển người dựa vào bằng cấp nhưng bây giờ doanh nghiệp coi trọng khả năng về nghề hơn. Hiện tượng này sẽ khiến các trường ĐH nhìn lại cách đào tạo của mình nếu không muốn xã hội đào thải.

Một điều dễ nhận thấy hiện nay là sinh viên các trường ĐH rất ít cọ xát với thực tế. Lâu nay nhiều người cho rằng những ngành học đòi hỏi sinh viên thực hành nhiều là liên quan đến kỹ thuật, công nghệ... Tuy nhiên, những ngành về kinh tế, xã hội, văn hóa... vẫn phải cần những kiến thức thực tế để sau khi ra trường có thể bước vào môi trường làm việc được ngay. Cũng cần nói thêm rằng việc nhiều trường dạy “chay”... để tiết kiệm chi phí nên sinh viên thiếu kỹ năng thực tế.

Bên cạnh đó, những kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc như kỹ năng giao tiếp, quản lý công việc, thuyết trình, làm việc nhóm...sinh viên phải “tự bơi” nên nhiều em chưa tự tin. Khi ra trường, sinh viên vừa làm quen công việc vừa tích lũy kỹ năng, trong khi doanh nghiệp cần người làm việc ngay. Điều này khiến nhiều sinh viên mới ra trường khó xin được việc.

* Thầy Trần Văn Hải (hiệu trưởng Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương):

Chưa thấy học là sự đầu tư

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH nhận thấy nhà tuyển dụng đòi hỏi các kỹ năng, thực hành thì sẽ phải tìm những nơi học thêm để đáp ứng yêu cầu đó. Nếu không học thêm, họ không được tuyển dụng. Ngoài ra, học sinh chưa thấy học là sự đầu tư nên học cái gì cũng được, miễn là ĐH. Học xong ĐH, bản thân người học không xin được việc nên phải quay lại đầu tư học thêm nghề để dễ tìm việc hơn.

Bên cạnh đó, xét về tâm lý xã hội, phụ huynh muốn con đi học ĐH là xong một nghĩa vụ. Cha mẹ mà để con học nghề thì thấy “thiếu thiếu” gì đó. Nếu lo được một bằng ĐH để con “lận lưng” thì yên tâm hơn, chứ không quan tâm con mình tốt nghiệp trường đó ra rồi có đi làm việc đó hay không, thu nhập như thế nào.

* Bà Lê Thị Thùy Dung (giám đốc nhân sự khách sạn Duxton Saigon):

Nhiều trường ĐH đào tạo kém chất lượng

Theo tôi, đây là hệ quả của việc các trường ĐH đang chạy theo số lượng mà không chú trọng chất lượng đào tạo và thiếu hướng nghiệp cho sinh viên. Ngay cả những sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành nhưng kiến thức chuyên môn vẫn rất lỗ chỗ. Đối với các khách sạn quốc tế, điều kiện đầu tiên để vào làm việc là tiếng Anh, trong khi năng lực tiếng Anh của nhiều sinh viên rất kém. Tôi từng phỏng vấn một cử nhân Anh văn nhưng người này không giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Trong quá trình tuyển dụng chúng tôi tiếp nhận nhiều hồ sơ những người tốt nghiệp ĐH ngành công nghệ thông tin, nông lâm, công nghệ... xin vào làm việc bộ phận tiếp tân, phục vụ. Có người tốt nghiệp ngành bác sĩ thú y xin làm bảo vệ. Hiện tại khách sạn chúng tôi có những người tốt nghiệp ĐH chấp nhận làm vị trí nhân viên hành lý với mức lương tương đương người tốt nghiệp trung cấp.

Các bạn trẻ không nên chạy theo số đông để chọn nghề thời thượng mà cần phải chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân, sở thích của mình và đúng theo nhu cầu của thị trường lao động.

 

                                                                Theo Báo Tuoitre

Các tin khác

Không có hình ảnh
Cán bộ, nhân viên ngành GD&ĐT dự triển khai thực hiện Thông tư số 01 và 09 của Bộ Nội vụ.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng lẵng hoa chúc mừng nhà trường nhân ngày khai giảng.
Ảnh minh họa

Hơn 477 tỉ đồng cho phổ cập giáo dục mầm non

Ngày 3-11, Sở GD-ĐT Kon Tum cho biết chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hùng vừa ký văn bản về phê duyệt kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015, với tổng kinh phí thực hiện trong năm năm là 477,454 tỉ đồng.

Trường dạy nghề phi công đầu tiên ở VN

Lần đầu tiên ở Việt Nam, một trường đào tạo phi công theo đúng hình thức của một trường dạy nghề, nơi người học có thể tự đóng học phí để được đào tạo lái máy bay đã ra đời.

Hà nội sẽ chấm dứt các khoản thu không cần thiết

“Cần phải chấm dứt các khoản thu không cần thiết và đưa ra các chế tài cụ thể để xử lý những đơn vị sai phạm” - đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Thọ, phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội trước vấn đề lạm thu trong trường học.

Cơ sở liên kết nhập nhằng đánh lừa người học

Theo như thông báo tập trung của Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật thuộc ĐH Thái Nguyên, hàng trăm học sinh tại cơ sở liên kết ở TP Vinh cứ tưởng mình đang được học hệ CĐ chính quy. Thế nhưng vào học gần 1 tháng, các em mới tá hỏa khi biết mình bị lừa.

Triển khai cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet năm 2011-2012

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành chính thức Thể lệ cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) dành cho học sinh phổ thông. Bộ GDĐT và Ban tổ chức cuộc thi cấp toàn quốc cũng ra công văn hướng dẫn cụ thể việc triển khai tổ chức cuộc thi IOE năm học 2011-2012.

Lương thấp, SV giỏi không mặn mà làm giảng viên

Năm học nào các trường đại học cũng thông báo tuyển giảng viên với số lượng không nhỏ từ vài chục đến vài trăm chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường rất khó tuyển vì nhiều sinh viên giỏi “chê” làm giảng viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục