Năm học nào các trường đại học cũng thông báo tuyển giảng viên với số lượng không nhỏ từ vài chục đến vài trăm chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường rất khó tuyển vì nhiều sinh viên giỏi “chê” làm giảng viên.
Khó tuyển
Mỗi năm trường ĐH Mỏ Địa chất tuyển khoảng gần 100 giảng viên vào nhiều chuyên ngành khác nhau của trường. Tuy nhiên, năm nào trường cũng rơi vào tình trạng thiếu chỉ tiêu, bởi số lượng thí sinh đến tuyển nhiều ngành quá ít.
PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết: “Chỉ những chuyên ngành chính của trường như Địa chất, Dầu khí… là dồi dào nguồn tuyển có nhiều sinh viên giỏi. Còn lại hầu hết các ngành khác trong trường đều khó tuyển và phải tuyển sinh viên tốt nghiệp loại khá. Thậm chí, có ngành, có năm chúng tôi thậm chí không tuyển được giảng viên nào”.
ĐH Thái Nguyên, năm nay cũng tuyển khoảng 70 - 80 giảng viên. Ông Ngô Việt Hải, phó giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết: “Có rất nhiều hồ sơ dự tuyển nhưng không đáp ứng được yêu cầu nên có ngành trường vẫn thiếu giảng viên”.
“Trường ĐH và Viện nghiên cứu là nơi rất cần những người giỏi nhưng nhiều sinh viên không ở lại trường, bởi lương quá thấp. Số lượng giảng viên của trường ĐH Thái Nguyên hiện nay khoảng 600 người, trong đó số lượng cử nhân chiếm 1/3” - ông Hải cho hay.
Giảng viên Học viện Ngân hàng luôn luôn có mức thu nhập cao hơn so với giảng viên của nhiều trường khác. Mặc dù có nhiều nguồn tuyển nhưng một số ngành Học viện cũng rơi vào tình trạng khó tuyển. Theo ông Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo nhà trường, nguồn tuyển của trường rất dồi dào, năm nào cũng tuyển vài chục giảng viên. Tuy nhiên, với ngành Công nghệ thông tin là chúng tôi khó tuyển nhất.
Lương thấp, áp lực nâng cao trình độ
Phân tích nguyên nhân tại sao sinh viên giỏi “chê” làm giảng viên, PGS.TS Lê Trọng Thắng khẳng định: “Tình trạng khó tuyển giảng viên kéo dài nhiều năm rồi với lý do lương quá thấp. Một SV tốt nghiệp loại giỏi giữ lại làm giảng viên lương khởi điểm chỉ 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó ra làm tại công ty hay doanh nghiệp, mức lương được chục triệu/tháng, nên nhiều em không ở lại. Đây là một vấn đề lớn phụ thuộc vào chính sách nhà nước”.
Đồng quan điểm, ông Ngô Việt Hải, ĐH Thái Nguyên cho rằng: “Hiện nay không có cơ chế để thu hút người giỏi ở lại trường”.
Ông Hoàng Trọng Dũng, Học viện Ngân hàng cho hay: “Làm giảng viên đại học mức lương so với một số ngành khác thấp hơn nhưng lại đòi hỏi cao hơn về trình độ. Bên cạnh đó, khi vào làm giảng viên, sinh viên phải mất 1 năm tập sự và áp lực liên tục để nâng cao trình độ. Nhiều sinh viên giỏi khi ở lại làm giảng viên đều tìm suất học bổng để du học nước ngoài. Tuy nhiên, khi đi du học về nhiều em đã xin ra ngoài làm, lý do thu nhập cao hơn trong trường”.
Tuyển giảng viên đã khó nay dự thảo Luật giáo dục đại học đưa ra yêu cầu dạy đại học phải là người có trình độ thạc sĩ trở lên lại càng khó hơn. PGS.TS Lê Trọng Thắng cho rằng: “Thực tế Việt Nam chưa ai thay đổi được phải có thời gian. Đặt chính sách như vậy chỉ có giải tán trường hoặc giảm bớt trường. Tôi cho rằng tất cả chính sách phải căn cứ vào thực tế và phải có lộ trình để các trường phấn đấu”.
Theo DanTri
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, bao gồm chính sách đối với trẻ em, giáo viên và cơ sở giáo dục.
Các chương trình liên kết quốc tế chất lượng, nghiêm túc không chỉ mang “mác ngoại” mà thực sự có “chất ngoại”.
(HBĐT) - Sáng 1/11, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với nội dung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT 3 tháng 8\9\10 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 11/2011. Tham gia giao ban trực tuyến cùng với điểm cầu tại Sở GD&ĐT có 11/11 điểm cầu tại các huyện, thành phố.
Nhà trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục trong đó ống quần không được dưới 20 cm. Nếu học sinh nào mặc quần ống nhỏ, cô giáo bắt vào nhà vệ sinh đo ống quần xuống viên gạch sau đó báo cho cô biết là ống quần có bằng chiều dài viên gạch không…
Ngoài bộ sách giáo khoa theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh hiện nay còn được hướng dẫn, gợi ý hoặc bắt buộc sử dụng nhiều loại sách và thiết bị khác trong trường học.
Dù có mức phí mỗi tháng cao hơn trường công lập ít nhất 3 lần nhưng đa số trường mầm non tư thục chỉ chú ý đến phòng học máy lạnh, chương trình quốc tế… mà bỏ qua sự cần thiết của sân chơi đối với sự phát triển của trẻ.