Giờ thực hành Sinh học của SV ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội).
Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIII (diễn ra từ 20/10/2011), dự án Luật Giáo dục đại học được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội.
Đứng trước đòi hỏi nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, GDĐH cần có một hành lang pháp lý vững chắc để phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Giáo dục Đại học vào thời điểm này là rất cần thiết. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi với báo chí về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện này.
Thưa Thứ trưởng, GDĐH thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý đảm bảo sự phát triển bền vững, phải chăng đây là căn nguyên cho việc ra đời Luật Giáo dục Đại học?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sau 25 năm đổi mới của đất nước và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, GDĐH đã từng bước phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, có nhiều đóng góp cho phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, để GDĐH tiếp tục phát triển bền vững thì cần phải có một hành lang pháp lý để điều chỉnh các hoạt động liên quan. Vì đến thời điểm này, để quản lý các hoạt động liên quan đến GDĐH chúng ta phải sử dụng các văn bản pháp luật, các quy phạm pháp luật rất phân tán, hiệu lực pháp lý không cao. Nhiều vấn đề quan trọng của GDĐH như tổ chức, hoạt động giáo dục (đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục), tài chính, tài sản cho GDĐH, thanh tra, kiểm tra; quản lý nhà nước được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật rời rạc, chưa tạo nên được một hệ thống pháp luật chặt chẽ.
Khi chưa có hành lang pháp lý vững chắc cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH thì khó có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống. Thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ra đời Luật Giáo dục Đại học đáp ứng sự nghiệp phát triển chung của đất nước, Quốc hội đã có Nghị quyết về việc xây dựng dự án Luật Giáo dục Đại học. Đến thời điểm này, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã hoàn thiện trình Quốc hội. Dự thảo Luật được xây dựng dựa trên quan điểm thực tiễn, toàn diện, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà trường, các nhà quản lý giáo dục... nhằm góp phần giải quyết những vấn đề bức xức mà thực tiễn GDĐH đang đặt ra và thực hiện những mục tiêu chiến lược phát triển của GDĐH.
Theo đó, mục tiêu cơ bản của dự thảo Luật Giáo dục Đại học là tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động GDĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay và chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức trong giai đoạn tiếp theo. Có thể nói nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là mục tiêu xuyên suốt của bản dự thảo Luật Giáo dục Đại học, đó là trục trung tâm của dự thảo Luật lần này.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ phát triển nhanh như ngày nay, một trong những hạn chế của GDĐH là khả năng tư duy và năng lực sáng tạo, tự học tập, nghiên cứu, thì Dự thảo Luật đưa ra quan điểm thế nào. Thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong điều 4 của Dự thảo Luật đã nhấn mạnh đến những tiêu chí quan trọng của người học là: “năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ” cũng như “khả năng sáng tạo” để “thích nghi với môi trường làm việc”.
Để đào tạo được những cán bộ tương lai đạt được những tiêu chí trên, việc kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong nhà trường là rất cần thiết. Dự thảo Luật quy định “gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH-CN, đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở GDĐH với viện nghiên cứu khoa học, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp” (Khoản 4 Điều 10).
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa đủ điều kiện đầu tư đồng loạt cho tất cả các trường, các ngành, các lĩnh vực để thực hiện mục tiêu đào tạo này. Dự thảo Luật chỉ rõ Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách có trọng điểm để hình thành một số cơ sở GDĐH chất lượng cao thuộc ngành khoa học cơ bản, các ngành khoa học và công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới (Điều 10). Các trường chủ động chọn những ngành có thế mạnh, có đủ điều kiện để phát triển thành các chương trình chất lượng cao, các chương trình tiên tiến. Để hỗ trợ cho các trường phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đặc biệt các ngành mũi nhọn mà nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm, Chính phủ có chính sách phù hợp nhằm giúp các trường phát triển hoạt động hợp tác quốc tế, quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các trường đại học Việt Nam (Điều 42).
Còn liên quan đến học phí, thực tế cho thấy như hiện nay, các chương trình chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế như trên cần có suất đầu tư lớn mà nếu chỉ dựa vào các qui định về mức thu học phí của các trường công lập khó có thể thực hiện được. Vì vậy, trên cơ sở Nghị quyết số 50 ngày 19/6/2010 của Quốc hội khóa XII, dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã quy định cho phép các cơ sở GDĐH công lập được xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao với mức thu học phí tương ứng để đảm bảo mức chất lượng đã cam kết (Điều 59). Như vậy với quy định của Dự thảo Luật Giáo dục Đại học, các trường không còn bị rào cản về kinh phí đầu tư cho mỗi sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường chủ động xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng tương ứng với các trường đại học của các nước phát triển và công khai chi phí đào tạo. Chi phí phụ trội của các chương trình này một phần được nhà nước hỗ trợ thông qua đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ, một phần khác do người học chi trả thông qua học phí. Sinh viên trả học phí cao để theo học các chương trình chất lượng cao, đó là sự đầu tư tốt cho tương lai.
Thời gian qua nhiều ý kiến kêu gọi việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học có những nội dung gì quy định về việc này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hệ thống cơ sở GDĐH của nước ta hiện nay rất đa dạng, có trường có bề dày truyền thống và kinh nghiệm hoạt động cả trăm năm, có trường mới thành lập, mới hoạt động hoặc mới nâng cấp; có trường có cơ sở vật chất, thiết bị khang trang, hiện đại, có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, cán bộ quản lý giáo dục nhiều kinh nghiệm, nhưng cũng có trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ chưa đồng bộ; nhiều trường quản lý tốt, hoạt động nghiêm túc, hiệu quả, nhưng cũng có trường quản lý còn non yếu. Vì vậy việc giao quyền tự chủ cho các trường trước mắt cần theo năng lực quản lý thực tế của từng trường.
Điều 28 của dự thảo Luật nêu rõ cơ sở GDĐH được giao quyền tự chủ tương ứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở GDĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân với điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ, với cam kết trách nhiệm khi thực hiện tự chủ và với kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở GDĐH. Quyền tự chủ đó được thể hiện trên nhiều mặt hoạt động từ tổ chức nhân sự, tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học… cho đến tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh (Điều 30), in và cấp bằng tốt nghiệp cho người học (Điều 34). Tất nhiên đi cùng với nó là những ràng buộc về trách nhiệm của cơ sở. Khi cơ sở có hạn chế về năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc có hành vi vi phạm trong các hoạt động theo các quyền đã giao thì các quyền đã được giao bị thu hồi.
Một trong những căn cứ để giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH là kết quả kiểm định chất lượng đào tạo. Nó được thực hiện bởi những cơ quan kiểm định độc lập. Kết quả kiểm định làm căn cứ để phân loại chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH, trên cơ sở đó có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu KH-CN và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH cũng như chế tài đối với cơ sở GDĐH không đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đào tạo.
Dự án Luật thể hiện quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý GDĐH, đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH tự quyết định những vấn đề chuyên môn cụ thể thuộc phạm vi hoạt động của mình; cơ quan quản lý nhà nước làm nhiệm vụ giám sát hoạt động của nhà trường và tập trung vào trách nhiệm chính là hoạch định chính sách và giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, xóa bỏ dần cơ chế xin – cho, đảm bảo sự minh bạch và cạnh tranh phát triển một cách lành mạnh trong toàn hệ thống.
Trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học có một điều mà dư luận băn khoăn, đó là việc thành lập Hội đồng trường. Vậy quan điểm của Ban soạn thảo về vấn đề này thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu để giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Luật Giáo dục (2005), Điều lệ trường đại học (2003) và Điều lệ trường cao đẳng (2008) đã quy định trong cơ cấu tổ chức của trường đại học công lập có hội đồng trường. Nhưng đến nay, sau gần 10 năm thực hiện các quy định trên, chỉ có 10/188 trường đại học thành lập Hội đồng trường, chưa có trường cao đẳng nào thành lập hội đồng trường. Sở dĩ như vậy là vì việc thành lập hội đồng trường có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, đơn vị trong trường, chưa phân định rõ phạm vị, trách nhiệm, thẩm quyền và mối quan hệ giữa Đảng ủy - Ban Giám hiệu - Hội đồng trường. Do đó, hoạt động của hội đồng trường ở một số trường đã thành lập có nhiều lúng túng về nội dung, phương pháp và còn nặng về hình thức; các thành viên hội đồng trường không có quyền lợi, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể, các thành viên là người ngoài nhà trường ít tham gia các hoạt động của hội đồng trường và các cuộc họp hội đồng trường. Mặt khác, nếu theo quy định hiện hành, thì hiệu trưởng chỉ là thành phần đương nhiên, không phải là chủ tịch hội đồng trường. Do vậy, hiệu trưởng các trường, đặc biệt là ở các trường Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy, cảm thấy mất đi sự chỉ đạo tập trung, bị lúng túng trong thực hiện chỉ đạo, quyết nghị, một bên là của Đảng ủy, một bên là của Hội đồng trường. Đó cũng là một nguyên nhân khiến rất ít trường thành lập hội đồng trường theo qui định cho đến thời điểm hiện nay.
Vì vậy, căn cứ vào tổng kết thực tiễn tình hình thực hiện việc thành lập hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học công lập, dự thảo Luật Giáo dục Đại học quy định chủ tịch hội đồng trường là hiệu trưởng (giám đốc). Điều này sẽ giúp cho hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học được thành lập ngay sau khi Luật Giáo dục Đại học được ban hành, phù hợp với thực tiễn và khắc phục được bất cập nêu trên.
Có ý kiến còn e ngại việc Hiệu trưởng đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng trường sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Việc này khó có thể xảy ra vì Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường chỉ là một thành viên của Hội đồng, có trách nhiệm thực thi các quyết nghị của tập thể dưới sự kiểm soát của Hội đồng trường.
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, vậy vấn đề này được đề cập đến trong Dự thảo Luật Giáo dục Đại học như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đầu tư cho GDĐH là loại hình đầu tư đặc thù, mang tính lâu dài, đem lại lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng. Dự thảo Luật chỉ rõ nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục để nhanh chóng mở rộng qui mô đào tạo, phục vụ nhu cầu học tập của người dân (Điều 10) thông qua việc cho phép thành lập các trường đại học tư thục và trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Dự thảo Luật Giáo dục Đại học khẳng định dù là loại hình trường nào đi nữa, các cơ sở GDĐH đều bình đẳng trong hoạt động chuyên môn.
Dự án Luật đã thể chế hóa quan điểm, chính sách XHH GDĐH; quy định cơ sở GDĐH tư thục dành một phần hợp lý phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học để tái đầu tư cho hoạt động đào tạo; quy định giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở GDĐH tư thục và giá trị tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng là tài sản chung không chia và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất kỳ hình thức nào (Điều 60).
Dự thảo Luật cũng đã đưa ra những điều khoản chi tiết một mặt, đảm bảo quyền lợi của người học và mặt khác, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư để khuyến khích tập thể, cá nhân đầu tư cho giáo dục. Theo đó, Nhà nước miễn thuế đối với những khoản kinh phí mà nhà trường dùng để tái đầu tư phát triển giáo dục. Ngược lại, phần lợi nhuận phân chia cho người góp vốn sẽ phải chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế (Điều 60). Như vậy trường hoạt động “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” phụ thuộc vào thực tế cơ cấu chi tiêu tài chính hằng năm của nhà trường chứ không phải dựa vào “tuyên bố” của nhà đầu tư. Điều Luật này đảm bảo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư cho giáo dục, giúp cho chủ trương xã hội hóa GDĐH đi theo đúng quy định và cũng là căn cứ pháp lý để xử phạt các nhà trường thực hiện không đúng.
Để có thể đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ và chất lượng cao, chúng ta cần tập trung đầu tư một số trường trọng điểm. Vì vậy cần phải phân tầng đại học. Dự thảo Luật xử lý vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với những thành tựu đạt được những năm vừa qua, GDĐH đã đáp ứng nhu cầu đa dạng, ngày càng cao của thị trường lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, cơ cấu hệ thống cơ sở GDĐH Việt Nam chưa được xác định rõ ràng, chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về phân tầng, do vậy, không đủ căn cứ để đầu tư, giao nhiệm vụ, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên về cơ cấu hệ thống, dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã có nội dung quy định về chính sách phân tầng cơ sở GDĐH tại khoản 5 Điều 10 như sau: “Thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học để có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với vị trí, vai trò, năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học”.
Hơn nữa, đến nay, do cơ cấu hệ thống GDĐH Việt Nam chưa được phân tầng, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm, nên chưa quy định ngay việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học trong dự thảo Luật, mà để từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện phân tầng cơ sở GDĐH, dự thảo Luật có những nội dung quy định về phát triển chương trình đào tạo tại khoản 3 Điều 24 theo hướng cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ: “Phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo”.
Theo hướng đó, nếu cơ sở GDĐH nào có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng để phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu, thì cơ sở GDĐH đó sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn ở tầng nghiên cứu, đào tạo đến trình độ tiến sĩ; kế tiếp là cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng, đào tạo đến trình độ thạc sĩ và sau đó là cơ sở GDĐH định hướng nghề nghiệp, đào tạo trình độ cao đẳng.
Theo truyền thống, hệ thống các trường đại học của một nước phát triển bao gồm các đại học nghiên cứu, các đại học đa ngành theo hướng ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo nghề nghiệp cho kỹ thuật viên. Mỗi một loại hình trường có mục tiêu đào tạo khác nhau và mức độ đầu tư cũng khác nhau. Sự phân tầng đại học nhằm tránh việc đầu tư dàn trải, đồng thời tạo điều kiện đào tạo đội ngũ nhân lực hài hòa theo nhu cầu của xã hội.
Như vậy, nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, sự phân biệt rạch ròi đâu là các trường đại học nghiên cứu, đâu là các trường đại học đa ngành ứng dụng rất khó khả thi. Một số trường đại học hàng đầu của nước ta có đào tạo sau đại học, phát triển nghiên cứu khoa học nhưng các hoạt động này chiếm tỷ trọng chưa cao trong tổng thể các hoạt động chung của trường. Đó là các đại học quốc gia, đại học vùng, một số trường trọng điểm, các đại học xuất sắc. Vì vậy trong giai đoạn từ nay đến 2020, bên cạnh các đại học theo hướng ứng dụng, chúng ta tiếp tục xây dựng các đại học phát triển theo định hướng nghiên cứu để trở thành các trường đại học nghiên cứu thực sự trong tương lai.
Việc nâng cao chất lượng các trường đại học của nước ta để trở thành những đại học đào tạo đa ngành theo hướng ứng dụng cũng như củng cố chất lượng đào tạo kỹ thuật viên của các trường Cao đẳng hiện nay không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên việc phát triển các trường đại học theo định hướng nghiên cứu là một thử thách rất lớn. Để đưa các trường này vào quỹ đạo phát triển đại học nghiên cứu thì việc đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học trong trường là yêu cầu không thể thiếu. Dự thảo Luật qui định rõ các cơ sở GDĐH có nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu khoa học, gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với cơ sở nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp để tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (Điều 37); Chính phủ ưu tiên đầu tư cho các cơ sở GDĐH có tiềm lực mạnh về nhân lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng (Điều 38).
Như vậy, việc phân tầng đại học đã được xử lý trong dự thảo Luật theo hướng củng cố chất lượng đào tạo của các trường đại học theo định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo kỹ thuật viên đồng thời tập trung đầu tư phát triển các trường đại học theo định hướng nghiên cứu để thực sự trở thành đại học nghiên cứu trong tương lai. Các đại học nghiên cứu này có vai trò đặc biệt quan trọng để chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế tri thức khi nước ta hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020.
Thưa Thứ trưởng, vấn đề mà cả xã hội quan tâm hiện nay là chất lượng đào tạo đại học. Trong dự thảo Luật có thiết kế những công cụ để kiểm soát chất lượng không?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã đưa vào những điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Sau hơn 10 năm thực hiện Luật giáo dục, Bộ GD & ĐT đã ban hành trên 200 chương trình khung các ngành trình độ cao đẳng và đại học. Qua thực tiễn cho thấy, thời gian xây dựng, thời gian phê duyệt và thời gian sử dụng chương trình khung khá dài, chương trình khung không cập nhật được tri thức khoa học, công nghệ mới, tiên tiến; làm giảm tính linh hoạt của các chương trình đào tạo và sự tự chủ của các trường trong phát triển chương trình đào tạo, vì vậy, dự thảo Luật Giáo dục Đại học bỏ quy định về chương trình khung và thay bằng quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng tại khoản 3 Điều 32 như sau: “Bộ trưởng Bộ GD & ĐT quy định chuẩn tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ…”.
Chính phủ có chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Khuyến khích cơ sở GDĐH đầu tư, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nước ngoài.
Song song với việc thiết lập các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo, dự thảo luật cũng đưa ra khung pháp lý của việc tổ chức, hoạt động công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Trong điều kiện thực tiễn nước ta hiện nay, Nhà nước phải chịu trách nhiệm về hoạt động của các cơ sở GDĐH, các trường chưa tự chủ hoàn toàn. Do đó quy định kiểm định chất lượng GDĐH được thiết kế theo hướng khuyến khích, tự nguyện. Nếu cơ sở GDĐH thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, thì sẽ được hưởng một số quyền lợi nhất định. Trong tương lai, khi cơ sở GDĐH được tự chủ hoàn toàn và hệ thống kiểm định chất lượng đã phát triển đủ mạnh thì việc kiểm định chất lượng giáo dục là bắt buộc đối với mọi cơ sở GDĐH để bảo vệ quyền lợi người học.
Trong phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD & ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành liên quan và các địa phương thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động GDĐH để phát hiện, xử lý kịp thời những cơ sở vi phạm cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo (Điều 64).
Thưa Thứ trưởng, những gì mà xã hội có thể đặt kỳ vọng vào dự thảo Luật Giáo dục Đại học lần này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Về tổng thể, ngoài những điều khoản đảm bảo cho hệ thống GDĐH hoạt động bình thường như lâu nay, dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã thiết kế thêm những điều khoản mới nhằm xử lý những vấn đề lớn của ngành đang được xã hội quan tâm như giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH, phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục, kiểm soát chất lượng đào tạo. Xử lý tốt những vấn đề này sẽ tạo tiền đề cho hệ thống GDĐH nước ta phát triển đúng hướng và bền vững. Những vấn đề lớn này đã được đưa vào dự thảo Luật ở chừng mực vừa phải dựa trên phân tích lý luận và tổng kết thực tiễn để đảm bảo tính khả thi. Chúng ta không nên đặt kỳ vọng quá lớn lao vào một dự luật có thể giải quyết được triệt để tất cả mọi vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống. Chỉ nên đưa vào luật những điều khoản đã chín muồi mà kết quả của nó đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Những vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều cần được điều chỉnh bởi những văn bản dưới luật. Khi nội dung các văn bản này đã đi vào cuộc sống thì sẽ được bổ sung vào luật. Có như vậy luật mới mang tính ổn định và những vấn đề bức xúc trong cuộc sống mới được giải quyết một cách triệt để.
Xin cám ơn Thứ trưởng!
Theo GDTĐ
Bộ GD-ĐT vừa có công văn khẩn gửi các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ về việc rà soát, xác định những người là công chức. Việc báo cáo phải được thực hiện trước ngày 15/11 để báo cáo Bộ Nội vụ.
Góp ý Dự thảo luật giáo dục đại học, PGS.TS. Lê Kim Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, cho rằng để thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần có điều kiện và lộ trình.
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp, chuyên ngành toán (ĐH Sư phạm Hà Nội) là người trẻ nhất vừa được công nhận chức danh phó giáo sư (PGS) trong số 374 người. Đồng nghiệp với anh, Nguyễn Quang Diệu, ở tuổi 37, cũng trở thành người trẻ nhất trong số 34 nhà giáo trở thành GS từ năm 2011.
Dù là bất cứ một chương trình đào tạo nào, đặc biệt là của một tổ chức giáo dục nước ngoài, thì việc tìm hiểu đầy đủ thông tin để lựa chọn một chương trình chất lượng và được công nhận trong số hàng trăm lựa chọn luôn vô cùng cần thiết.
(HBĐT) - Địa bàn trải rộng, chia cắt bởi lòng hồ, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tỷ lệ đói nghèo còn cao, đó là những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp GD&ĐT của huyện vùng cao Đà Bắc.
(HBĐT) - Ngày 7/11, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức quyên góp ủng hộ học sinh vùng khó khăn và phát động bầu chọn vịnh Hà Long là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.