Để truyền kiến thức cho các em, người thầy, người cô nơi sơn cùng thủy tận buộc phải nói được 4 thứ tiếng: Kinh, Thái, Mông và Khơ Mú. Đó là "nhiệm vụ bất khả kháng" của những giáo viên ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An).
Để những con chữ, kiến thức đến được với các em nhỏ, những người giáo viên (GV) không ngần ngại gửi cuộc đời mình nơi biên cương tổ quốc. Đó là chân dung những người giáo viên cắm bản tại xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Cắm bản gieo chữ
Sau gần 1 buổi vượt dòng Nậm Nơn trên con thuyền máy gắn đuôi vịt với giá hơn 1,5 triệu đồng, chúng tôi mới đến được Trường THPT cơ sở xã Nhôn Mai. Vùng đất Nhôn Mai xa xôi cách trở, đường đi lại duy nhất là đường sông. Không đường bộ, không chợ, không điện thoại, không điện thắp sáng..., nơi đây như một vùng đất tách biệt với thế giới bên ngoài, bởi sự khó khăn gian khổ. Tiếp đón chúng tôi là những thầy giáo, cô giáo đang độ tuổi còn rất trẻ. Rót ly nước mời khách lạ, cô giáo Hà Thị Mai Lê (22 tuổi) cho biết: “Em về dạy ở đây được 3 năm rồi. Trên này lớp học ít, GV ít nên buồn lắm. Lại bị thủy điện Bản Vẽ cô lập với cuộc sống bên ngoài nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn”.
Bữa ăn chuẩn bị đơn sơ của giáo viên Nhôn Mai.
Cô Lê chỉ là một trong số hàng chục GV trẻ đang ngày đêm cắm bản nơi đây. Mỗi ngày đều đặn hai buổi, các thầy, cô giáo gói gém giáo án lên lớp, mang con chữ đến với các em nghèo vùng cao. Tận tụy giảng bài cho học sinh nhưng không phải nói tiếng Việt mà bằng một thứ tiếng rất lạ. Thấy chúng tôi ngấp nghé cửa lớp, một thầy giáo ngưng dạy nhìn chúng tôi rồi bảo: “Nhăng khỏe bỏ!”. Nói xong, thấy chúng tôi ngơ ngác, người thầy ấy mới chợt nhớ ra mình đang chào người lạ bằng tiếng dân tộc Thái.
Để chúng tôi khỏi bỡ ngỡ, người thầy ấy chào bằng tiếng Việt rồi giới thiệu về bản thân: “Em là Lê Văn Tú, người xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Lên đây dạy học hơn 10 năm rồi anh ạ! Giờ em nói tiếng dân bản còn thạo hơn tiếng Việt ấy. Học sinh của trường gồm ba dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú nên thường xẩy ra bất đồng ngôn ngữ. Chính vì thế ngoài giảng bài bằng tiếng Việt em còn phải giảng bằng 3 thứ tiếng đó nữa”.
Giáo viên cắm bản nuôi chữ.
Ngoài những giờ lên lớp, các GV trẻ còn tới các bản làng để vận động các em nhỏ đến trường. Thầy giáo Nguyễn Thái Sơn, cắm bản năm thứ 6, cho hay: “Vì cuộc sống khó khăn, đường đi lối lại xa xôi hiểm trở nên các em học sinh ngại đến trường. Bố mẹ các em là những người nông dân, họ thường có tâm lý cho con nghỉ học, ở nhà lo nương rẫy nên mình phải đi vận động”. Thầy giáo Sơn cho biết thêm, cứ đến chủ nhật được nghỉ là các GV lại trèo đèo, lội suối đến với những bản làng xa xôi để làm công tác vận động.
Chúng tôi gặp anh Xồng Xay Đà (33 tuổi) dân tộc Mông, xuống trường học thăm con. Ngoài con dao Mẹo luôn mang trước bụng, Xồng Xay Đà còn vác theo quả bí trên vai để tạ ơn thầy giáo. Xồng Xay Đà cho biết: “Nhà ta xa lắm. Phải đi bộ 5 giờ đồng hồ mới tới nơi. Hồi trước nếu thầy giáo không lên bảo ta cho con đi học chữ thì giờ con ta không bằng bạn bằng bè. Không biết đọc sách, không biết nghe tiếng cán bộ (nghe tiếng Việt - PV) thì khổ lắm. Nay nó được học, ta mang quá bí trồng được để biếu thầy mà”. |
Cùng với cô giáo Lê, thầy Sơn và thầy Tú là 24 GV khác cắm bản. Họ không chỉ giỏi dạy chữ mà còn biết lắng nghe cuộc sống của người dân. Không chỉ biết giảng bài bằng tiếng Việt mà còn thông thạo nhiều tiếng thổ ngữ để đưa con chữ đến mọi thôn bản.
Sau bài giảng, GV là nông dân
Chúng tôi đến phòng họp của Trường THPT cơ Sở xã Nhôn Mai, điều khiến chúng tôi thấy lạ, bỡ ngỡ chính là chiếc chài đánh cá treo lơ lửng bên hiên. Hỏi ra mới biết đó là công cụ chung để sau giờ giảng, GV nào có nhu cầu thì xuống suối bắt cá cải thiện bữa ăn.
Vì cuộc sống nơi biên cương, cách ly với bên ngoài bởi lòng hồ thủy điện rộng lớn nên đa phần GV của trường đều phải sống cuộc sống tự túc. Sau mỗi giờ lên lớp, để có đồ ăn, thầy giáo, cô giáo trẻ phải tỏa ra các con suối nhặt rau, bắt cá, lên rừng hái măng.
Một thầy giáo trẻ ở Nhôn Mai đang kèm con học bài.
Tiếng trống tan trường đã điểm, những em học sinh nhỏ cũng đã về với cuộc sống của mình, còn lại trong người giáo viên là nỗi lo “ăn gì trưa nay?”. Cô giáo Cao Thị Thu Hoài (ở xã Lam Sơn, Đô Lương) với thâm niên gần 10 năm cắm bản vừa luộc măng vừa tâm sự: “Bữa ăn chỉ thế thôi nhà báo nà! Ở đây không có chợ, cũng không có người đưa hàng đến bán nên khi ai có công việc về xuôi thì mới gửi tiền mua cá khô lên ăn. Hơn một tháng rồi không có ai về nên hết đồ ăn rồi, bây giờ chúng tôi cũng chỉ biết ăn muối, lên rừng hái măng, hái rau ăn tạm qua ngày thôi”.
Cạnh trường học là con suối Huồi Hỷ cuồn cuộn chảy. Chúng tôi ngạc nhiên hơn chỉ 15 phút sau khi gặp, thầy Lê Văn Tú đã “hụp lặn” dưới suối như một nông dân. Tò mò hỏi: "Thầy giáo làm gì thế?", thầy bảo: "Em bắt cá! Hết đồ ăn rồi anh ạ! Giờ nghỉ nên cố gắng buông lưới kiếm con cá cải thiện bữa ăn. Lâu lắm không được ăn cá nên cũng thấy nhớ rồi”.
Một buổi học của học sinh Nhôn Mai.
Sống trong cảnh không điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại, không thông tin báo chí, không chợ búa, không đường đi lại… nhưng chưa một lần họ chùn bước. Lục chiếc điện thoại lâu ngày bỏ quên trong tủ, cô giáo Hoài tâm sự: “Không biết con trai em ở dưới xuôi giờ thế nào rồi? Lâu rồi không về thăm nhà, em nhớ nó quá. Trên này không điện, không sóng nhưng mở điện thoại ra xem hình con cho đỡ nhớ anh ạ. Nhưng nhiều đêm nằm ngủ mở xem hình con nhớ quá nên úp mặt khóc. Cũng nhiều đêm như thế em định nghỉ dạy học về với gia đình, nhưng suy đi tính lại, thấy các em nơi đây còn nhiều việc mà mình phải làm, phải giúp nên thôi phải chịu khó vậy!”.
Thầy Trần Hưng Thái, hiệu trưởng Trường THPT cơ Sở xã Nhôn Mai: “Công tác giảng dạy vùng biên giới gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh thiếu quần áo, sách vở. GV phải đương đầu bao gian nan thử thách. Những người thầy, người cô không chỉ dạy học mà còn là những người đi đầu trong công tác dân vận. Ngoài thời gian lên lớp, GV phải cuốc đất làm rau, nuôi gà, nuôi lợn để tự cung, tự cấp cho cuộc sống xa trung tâm".
Cuộc sống nơi vùng xa xôi hẻo lánh, khó khổ trăm bề thế nhưng đối với những GV ấy, niềm vui là được mang con chữ đến với các em. Gửi lại sau lưng là quê hương, bạn bè, người thân, họ lên rừng với ước mong các em học sinh nơi đây được học tập để thoát khỏi đói nghèo.
Theo Dantri
(HBĐT) - Những năm qua, phường Tân Thịnh (TPHB) luôn duy trì tốt chất lượng giáo dục ở các ngành học, bậc học. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Hơn 30 năm gắn bó với những bản làng Cơ Tu nơi vùng cao heo hút của xứ Quảng để ươm mầm con chữ. Bao lớp học trò đã trưởng thành giờ hồi tưởng và kể chuyện về người thầy gieo chữ nơi biên ải xa xôi như một huyền thoại…
TT - Phải bỏ chi phí lớn để đầu tư mọi mặt nhưng ngày càng thưa vắng người học nghề dài hạn, các trường nghề phải xoay xở bằng nhiều cách để tồn tại. Tuy nhiên, về lâu dài các trường đều kiến nghị các trường ĐH, CĐ phải trả việc dạy nghề cho trường nghề.
Không đặt kỳ vọng cao vào chất lượng nền giáo dục ĐH nước nhà, ngày càng nhiều phụ huynh có xu hướng lựa chọn con đường du học tự túc cho con em mình. Tuy nhiên, tình trạng kinh tế ảm đạm cùng sự thay đổi chính sách cho sinh viên nước ngoài ở nhiều thị trường du học đang khiến họ phải cân nhắc nhiều hơn.
Nhằm chấn chỉnh những sai phạm trong tổ chức liên kết tuyển sinh và đào tạo liên thông trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm một số công việc.
(HBĐT) - Sáng 16/11, Sở GD&ĐT đã trọng thể tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), 20 năm tái lập Sở GD&ĐT và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì.