Bộ GD-ĐT chủ trương bỏ chấm điểm đối với môn học thể dục, âm nhạc và mỹ thuật. Thay vào đó, giáo viên sẽ đánh giá học sinh (bậc THCS và THPT) bằng nhận xét.
Giờ học thể dục của học sinh lớp 11B1 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) chiều 17-11. Theo kế hoạch, từ năm học này giáo viên sẽ không chấm điểm môn thể dục - Ảnh: Như Hùng |
Lý giải cho chủ trương này, Bộ GD-ĐT cho rằng thể dục, mỹ thuật và âm nhạc là các môn học nhằm rèn luyện thể chất, năng lực thẩm mỹ cho học sinh nên thích hợp với việc đánh giá bằng nhận xét. Cụ thể, giáo viên căn cứ vào kết quả học tập đảm bảo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học, thái độ tích cực, sự tiến bộ của học sinh để có các mức nhận xét đạt hay chưa đạt yêu cầu.
Gần hết học kỳ vẫn chờ quy chế
"Đây là sự điều chỉnh vừa nhằm thay đổi quan điểm cực đoan chạy theo điểm số, vừa kết hợp giữa dạy kiến thức và giáo dục đạo đức, lối sống học sinh" Ông VŨ ĐÌNH CHUẨN |
Ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, khẳng định việc chuyển từ hình thức cho điểm sang nhận xét hoặc kết hợp cho điểm và nhận xét đã được Bộ GD-ĐT khuyến khích thực hiện từ năm học trước. Việc này cũng nằm trong nhiệm vụ năm học 2011-2012 mà Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT thực hiện. Thế nhưng, hướng dẫn cụ thể đánh giá như thế nào, thực hiện ra sao thì đến thời điểm này khi học kỳ I đã trôi qua 2/3 thời gian bộ mới đưa ra... dự thảo.
Chính vì vậy, “từ đầu năm học, sở tạm thời hướng dẫn các trường đánh giá học sinh bằng nhận xét theo các loại: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ quy định chính thức của Bộ GD-ĐT” - ông Nguyễn Văn Hiếu, trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin. Trong khi đó, “Nhà trường phải thông báo điểm số của học sinh cho phụ huynh biết vào đầu mỗi tháng nên giáo viên trường tôi cho điểm và ghi bằng bút chì. Sau này khi có quy chế chính thức thì quy ra nhận xét tương đương” - ông Trần Mậu Minh, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM, nói.
Tương tự, ông Phạm Hữu Hoan, phó trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đã triển khai việc này đến các cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn của các trường. Tuy nhiên, do quy chế chưa được ban hành chính thức nên vẫn phải chờ”. Trong thời gian chờ quy chế, nhiều trường ở Hà Nội đã phổ biến cho giáo viên, học sinh về việc đổi mới đánh giá các môn học trên. Có trường đã bắt đầu áp dụng, có trường vẫn theo quy định cũ.
Thầy T.D., giáo viên dạy môn thể dục THPT tại Hà Nội, cho biết: “Tôi đã phổ biến cho học sinh về quy định đánh giá mới đối với môn thể dục. Tôi chưa biết quy định này có chính thức được áp dụng vào năm học này không, nhưng từ đầu năm tới giờ tôi không thực hiện các bài kiểm tra cho điểm. Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc học kỳ I, nếu quy chế không ban hành, tôi sẽ phải quay lại việc cho học sinh kiểm tra lấy điểm”.
Ngược lại, tại một số trường THCS các quận Đống Đa, Thanh Xuân, các giáo viên mỹ thuật, âm nhạc cho biết: “Chúng tôi vẫn kiểm tra cho điểm bình thường, nhưng chưa lấy điểm vào sổ. Vì chủ trương như thế nhưng nếu cuối học kỳ chưa áp dụng thì giáo viên vắt chân lên cổ cũng không “chữa cháy” kịp”.
Mù mờ sinh tiêu cực?
Vừa cho điểm vừa nhận xét Theo Bộ GD-ĐT, môn giáo dục công dân cũng nằm trong số các môn học phải áp dụng hình thức cho điểm để kiểm tra việc hoàn thành các yêu cầu của học sinh. Tuy nhiên, đây là môn học đặc thù, gắn liền với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức công dân của học sinh nên sẽ áp dụng hình thức cho điểm kết hợp nhận xét. Như vậy, ngoài điểm số trong các bài kiểm tra theo quy định chung, nhận thức thái độ của học sinh với từng chủ đề của môn giáo dục công dân, hành vi, lối sống của học sinh trong thực tế sẽ là những yếu tố để giáo viên theo dõi, đánh giá và ghi vào học bạ. |
Thực tế, “ngay từ năm học trước, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích những đơn vị nào làm được thì tiến hành đánh giá học sinh bằng nhận xét ở các môn thể dục, âm nhạc, mỹ thuật. Tôi đã đưa vấn đề này ra lấy ý kiến nhưng 100% giáo viên bộ môn đều không đồng ý. Năm nay bắt buộc thì chúng tôi phải làm thôi” - hiệu trưởng một trường THCS tại Q.3, TP.HCM nói. Theo vị hiệu trưởng này, lý do mà các giáo viên đưa ra là đánh giá bằng nhận xét không thực chất, không khách quan.
Thầy Ngô Nhân Nghĩa, tổ trưởng tổ thể dục Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM, cho rằng: “Việc đánh giá bằng nhận xét ba môn trên mới nhìn có thể nói là giảm bớt áp lực cho giáo viên và học sinh, nhưng trên thực tế nó đã đi ngược với chủ trương giáo dục toàn diện. Bởi nếu chỉ đánh giá đạt hoặc chưa đạt thì học sinh sẽ lơ là môn thể dục, âm nhạc, mỹ thuật. Trong khi ở lứa tuổi học sinh, việc rèn luyện thể chất, định hướng cho học sinh yêu thích và chơi thường xuyên một môn thể thao nào đó là rất cần thiết”.
Cùng quan điểm, cô Kim Hồng - giáo viên môn âm nhạc ở Q.1, TP.HCM - phản ảnh: “Đánh giá bằng nhận xét nên học sinh không cần cố gắng, phấn đấu mà cứ học làng nhàng. Nếu như những năm trước, học lực môn âm nhạc góp phần quyết định học lực trung bình môn của học sinh thì bây giờ chỉ cần giáo viên phê “đạt” là các em vẫn được học sinh giỏi”.
Chưa kể, một số giáo viên chủ nhiệm còn lo ngại: “Không như những môn học khác, học sinh làm bài kiểm tra có giấy trắng mực đen. Còn môn thể dục, âm nhạc thì thực hành và giáo viên chấm bằng cảm nhận của mình. Nếu giáo viên không “ưa” một học sinh nào đó, ghi “chưa đạt” thì cũng không ai có bằng chứng gì để kiện cáo”.
Cô giáo Nguyên Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 tại Hà Nội, băn khoăn: “Khi chuyển sang nhận xét thái độ rèn luyện trong suốt quá trình học tập, việc đánh giá học sinh lệ thuộc khá nhiều vào chủ quan của giáo viên. Nếu không có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng và giáo viên không công tâm sẽ thiệt thòi cho các em”.
Cô Kiều Thị Thư, giáo viên môn thể dục Trường THCS Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, lo lắng: “Nếu chỉ xếp loại đạt hay không đạt sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong việc thúc đẩy học sinh học tập”.
Ông Trần Mậu Minh cho rằng: “Cho điểm hay đánh giá bằng nhận xét thì ba môn trên vẫn tham gia xếp loại học lực học sinh. Và như thế vẫn chưa thể gọi là giảm áp lực được”. Vì vậy, ông Minh đề xuất: “Nếu thật sự cải tiến thì ba môn năng khiếu này chỉ nên đánh giá nhiệm ý. Tức là nếu học sinh thật sự có năng khiếu thì được cộng thêm điểm khi đánh giá học lực, còn không thì thôi”.
Theo Báo Tuoitre
Nhằm chấn chỉnh những sai phạm trong tổ chức liên kết tuyển sinh và đào tạo liên thông trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm một số công việc.
(HBĐT) - Sáng 16/11, Sở GD&ĐT đã trọng thể tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), 20 năm tái lập Sở GD&ĐT và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì.
(HBĐT) - Ông Quách Anh Tuấn, Phó phòng Nội vụ huyện Kim Bôi cho biết: Để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để đảm nhận nhiệm vụ, công vụ, hàng năm, huyện đã nghiêm túc đánh giá, phân loại công chức. Đây là điều kiện cơ bản để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ CC, VC. Qua đó xem xét bồi dưỡng, quy hoạch cho đội ngũ cán bộ nguồn kế cận và bố trí, sắp xếp công việc cho phù hợp năng lực chuyên môn của CB, CC, VC các phòng, ban của huyện và xã, thị trấn.
(HBĐT) - Trong hai ngày 14 và 15/11, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội thi “Nét đẹp nhà giáo” ngành GD&ĐT lần thứ nhất năm 2011. Tới dự buổi công diễn và trao giải có các đồng chí: Nguyễn Văn Quang Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục ngành GD&ĐT từ tỉnh đến cơ sở.
Trước trào lưu đọc sách điện tử đang nở rộ trên thế giới, ĐH Kinh tế quốc dân HN đã "mở màn" xu hướng số hóa SGK khi xuất bản 55 cuốn e-book giáo trình.
Khỏi dài dòng, cứ gõ cụm từ "dạy thêm - học thêm" vào ô google search sẽ lập tức hiện ra trên 1,8 triệu kết quả. Thật không ngoa khi nói đây là “vấn nạn”, hoặc “thảm họa” của xã hội… vì nạn nhân là 20 triệu học sinh, cộng thêm cha mẹ họ.