Chương trình đào tạo công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM là một trong 3 chương trình được AUN đánh giá đạt tiêu chuẩn.

Chương trình đào tạo công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM là một trong 3 chương trình được AUN đánh giá đạt tiêu chuẩn.

Năm 2004, Bộ GD-ĐT triển khai chương trình kiểm định chất lượng (KĐCL) tại các trường ĐH trên cả nước. Sau thời gian sôi động, đến nay mọi thứ lại hết sức im ắng.

 

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (ảnh), Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - VIPUA, người có nhiều năm làm công tác về KĐCL, cho biết: “Việc KĐCL hiện nay tại các trường ĐH, CĐ nói thật là không mạnh. Ngoại trừ hai ĐH Quốc gia và một vài trường ĐH lớn khác có chuyên gia biết tiếng Anh tiếp cận thông tin đảm bảo chất lượng từ nước ngoài trước khi Bộ GD-ĐT triển khai. Phần lớn các trường đều khá yếu ở mặt này. Hiện nay những hoạt động đảm bảo chất lượng chủ yếu ở hai tầng. Tầng 1 là hai ĐH Quốc gia, được xem là đầu tàu, hiểu biết rõ về KĐCL. Tầng 2 là ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Cần Thơ được một số dự án quốc tế đầu tư. Nhờ hai tầng này, công tác KĐCL từng có thời điểm sôi động lên một chút nhưng hiện tại tất cả gần như giẫm chân tại chỗ”.

Vậy bà có thể cho biết vì sao việc KĐCL tại Việt Nam lại không phát triển? 

Đầu tiên là do chính sách và quy định của nhà nước về kiểm định. Bộ GD-ĐT chưa dứt khoát giao công tác KĐCL cho các đơn vị độc lập vì cho rằng không có năng lực. Nhưng nếu thiếu năng lực thì Bộ phải tập huấn chứ? Còn nếu Bộ trực tiếp kiểm định như hiện nay thì người ta cũng không tin tưởng lắm. Dự luật Giáo dục ĐH vừa rồi cũng có chương về KĐCL nhưng còn mơ hồ. Làm thế nào, kiểm định ra sao vẫn chưa được nói rõ. Thứ hai là công tác đảm bảo chất lượng bên trong thì đa số các trường không triển khai được gì nhiều.

Lãnh đạo một trường ĐH ngoài công lập từng cho rằng nhiều trường làm KĐCL chỉ ở hình thức, để đối phó chứ không biết gì. Bà nghĩ gì về việc này?

Trước đây, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ tự đánh giá theo mẫu, sau đó gửi báo cáo về Bộ, Bộ sẽ thành lập đoàn để kiểm tra. Nhưng điều này dần trở thành vô nghĩa bởi những trường đầu tiên tự nguyện KĐCL thì có thể thực chất, còn những trường sau thì có hiện thượng sao chép báo cáo của những trường đã được Bộ công nhận. Làm báo cáo để được Bộ đánh giá kiểm định cho qua thì dễ nhưng không đảm bảo được chất lượng thật sự ở các trường này.

Nói đến KĐCL, người ta thường nghĩ đến chuyện kiểm định từ bên ngoài nhưng việc đảm bảo chất lượng từ bên trong mới là quan trọng. Phòng đảm bảo chất lượng của các trường phải là nơi biết hiện trạng trường mình và dự báo được những thách thức cũng như xu hướng phát triển. Chẳng hạn đây sẽ là nơi tham mưu việc học phí nên tăng hay không, nên mở hoặc đóng ngành nào trong năm học mới. Ở Việt Nam hình như điều này chưa xảy ra. Các phòng đảm bảo chất lượng lập ra là do yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Công việc chính là viết báo cáo, làm công tác hành chính rồi gửi cho Bộ GD-ĐT. Vì thế, khi công tác kiểm định của Bộ GD-ĐT đang chững lại thì lãnh đạo một số trường nghĩ rằng sự tồn tại của các phòng này là thừa.

Về việc tự đánh giá chất lượng của các trường, có tiêu chí chưa phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, tỷ lệ về sinh viên/giảng viên hiện nay theo quy định là khoảng 25 sinh viên/giảng viên. Nhưng thực tế những năm qua, số lượng sinh viên đã tăng khoảng 10 lần trong khi giảng viên chỉ tăng 3 lần. Vì vậy, yêu cầu về tỷ lệ nói trên trong thực tế có lẽ không trường nào đảm bảo được. Tuy nhiên, cho đến nay hầu như trường nào cũng báo cáo là đáp ứng đầy đủ tiêu chí này!

Kiểm định hơn 6 năm vẫn chưa có giấy chứng nhận

Ngày 2.12.2004, Bộ GD-ĐT ký quyết định “Quy định tạm thời về KĐCL trường ĐH” với 10 tiêu chuẩn, 53 tiêu chí. Mỗi tiêu chí có 2 mức kiểm định. Việc công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCL theo 3 cấp độ. Cấp độ 1 có ít nhất 80% tiêu chí đạt mức 1 và mức 2; Cấp độ 2 có ít nhất 60% tiêu chí đạt mức 2; Cấp độ 3 có 100% tiêu chí đạt mức 2. Bộ GD-ĐT đã triển khai tập huấn, đánh giá ngoài (quá trình khảo sát, đánh giá của các chuyên gia không thuộc trường ĐH), các trường tự đánh giá và gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT. Đến năm 2007, Bộ GD-ĐT lại ra quyết định mới trong đó quy định: trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nếu có 80% số tiêu chí đạt yêu cầu.

Từ năm 2005 - 2008, có 20 trường ĐH tham gia KĐCL đợt đầu. Năm 2009, theo báo cáo của Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục, trong số 20 trường được kiểm định có 4 trường đạt cấp độ 1 - cấp độ thấp nhất; 16 trường đạt cấp độ 2 và không có trường nào đạt cấp độ cao nhất (cấp độ 3). Cho đến hết năm 2010, thêm 20 trường ĐH tiếp tục tham gia kiểm định.

Tháng 12.2010, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo Thông tư ban hành quy định về điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức KĐCL giáo dục.

Tháng 11.2011, Bộ GD-ĐT lại công bố dự thảo quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường ĐH, CĐ và TCCN. Theo đó, KĐCL giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 5 năm/lần.

Cho đến nay, vẫn chưa có trường nào được Bộ GD-ĐT cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Đến nay chỉ có ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội mời đánh giá ngoài là tổ chức ngoài nước. Năm 2009, 3 chương trình tại ĐH Quốc gia TP.HCM và một chương trình tại ĐH Quốc gia Hà Nội đều được mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) đánh giá đạt tiêu chuẩn kiểm định giáo dục.

 

                                                         Theo ThanhNien

Các tin khác


Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục