Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo thống kê sơ bộ, trường này chỉ có bảy em đăng ký thi môn sử.
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ trên cả nước trong ngày đầu tiên đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT cho thấy vật lý, hóa học là những môn được nhiều học sinh lựa chọn. Trong khi đó, “hẩm hiu” nhất vẫn là môn lịch sử.
Theo ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), các trường THPT sẽ phải chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT mới cho học sinh đăng ký chính thức các môn thi tự chọn nhưng tới thời điểm này bộ vẫn chưa có hướng dẫn. Sốt ruột, nhiều trường THPT vẫn cho học sinh đăng ký môn thi.
Lý, hóa lên ngôi
Theo thông tin nhiều trường THPT tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh... cung cấp thì các môn vật lý, tiếng Anh, hóa học là những môn có tỉ lệ học sinh đăng ký thi nhiều nhất, đứng đầu là vật lý. Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - cho biết mặc dù còn chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trước khi cho học sinh đăng ký môn thi chính thức, nhà trường vẫn ghi nhận nguyện vọng về môn thi tự chọn của học sinh. Theo đó có tới 80% học sinh đăng ký thi vật lý, 60% thi tiếng Anh, 34% thi hóa học, 16% thi địa lý. Môn sinh và lịch sử chỉ có 8% mỗi môn (tương đương 28 học sinh đăng ký thi).
Cô Cao Tố Nga - phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng - thông tin trường có 486/530 học sinh đăng ký thi môn vật lý, 323 em đăng ký thi hóa học, 242 em chọn tiếng Anh, 14 em chọn môn sinh. Hai môn lịch sử và địa lý, mỗi môn chỉ có hai học sinh đăng ký.
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Hà Nội, việc đăng ký chọn môn thi của học sinh hiện nay mới chỉ mang tính thăm dò. Các em vẫn tiếp tục tìm hiểu, hỏi ý kiến tư vấn của thầy cô, cha mẹ và có thể thay đổi nguyện vọng khi đặt bút đăng ký chính thức. “Kết quả thăm dò của Trường Việt Đức cho thấy tỉ lệ đăng ký môn thi không quá chênh lệch, 62,2% chọn môn ngoại ngữ, 53,8% chọn vật lý, 46,5% chọn hóa, 20,2% chọn địa lý, 6,6% chọn sinh, 4,6% chọn lịch sử” - thầy Bình nói.
Một số thầy cô giáo các trường THPT tại Hà Nội đánh giá việc học sinh chọn môn thiên về khoa học tự nhiên cũng dễ hiểu vì tương ứng với tỉ lệ đăng ký khối thi đại học. Hơn nữa, với ưu thế là môn thi trắc nghiệm, ít thời gian, dễ gỡ điểm nên các môn vật lý, hóa học được nhiều học sinh chọn. Nhiều năm nay học sinh dự khối C rất ít, nên môn lịch sử không có nhiều học sinh chọn không có gì bất thường so với các năm trước. Chưa kể đây là môn buộc học sinh phải ghi nhớ máy móc, vốn không phải môn được yêu thích.
Khối C không chọn thi sử
Đó là chuyện xảy ra ở Trường THPT tư thục Hồng Đức (TP.HCM). Cụ thể, theo thầy hiệu trưởng Phạm Thanh Tâm, trường có tổng số 543 học sinh lớp 12 thì chỉ có 3 học sinh chọn thi môn sử; 27 học sinh chọn thi môn địa; số còn lại chọn thi lý, hóa, sinh và ngoại ngữ. Đáng chú ý là Trường Hồng Đức có hơn 20 học sinh thi đại học khối C. Ông Phạm Thanh Tâm giải thích: “Nhiều em thi khối C nhưng không chọn môn sử để thi tốt nghiệp vì cho rằng môn này khó kiếm điểm hơn so với lý, hóa”.
Ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình (TP.HCM), ban đầu có gần 100 học sinh chọn thi môn sử nhưng khi nhà trường cho đăng ký chính thức thì chỉ 72/696 học sinh chọn môn sử. Trong khi đó, số lượng học sinh chọn môn địa lý có nhỉnh hơn: 116 em.
Tương tự ở TP Đà Nẵng, lịch sử cũng là môn ít được học sinh lựa chọn nhất. Thầy Lê Vinh, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), cho biết trường đã khảo sát thử hai lần đối với học sinh về việc đăng ký môn thi tốt nghiệp. Trong số 1.001 học sinh lớp 12, số học sinh chọn thi tốt nghiệp môn sử là thấp nhất với 0,15%, sinh học 14%, địa lý 16%. Những môn có tỉ lệ đăng ký trên 50% là ngoại ngữ, vật lý, hóa học.
Tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), số học sinh chủ yếu chọn thi tốt nghiệp những môn sẽ thi ĐH. Chiếm phần nhiều là khối A, A1, D. Thầy Trần Văn Quang, hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, cho rằng: “Nói học sinh không chọn thi môn lịch sử đồng nghĩa với việc không học môn này là sai. Học thì đương nhiên các em vẫn phải học, còn thi là chuyện khác. Thi thì các em phải chọn môn nào mình có lợi thế nhất”.
V.HÀ - H.HG. - ĐOÀN CƯỜNG
Chờ hướng dẫn Ông Phạm Hữu Hoan, trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết các trường tổ chức thăm dò việc chọn môn thi của học sinh nằm trong chỉ đạo chung về việc chuẩn bị tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT của toàn thành phố. Nhưng đây chưa phải là số liệu chính thức. “Hiện chúng tôi vẫn phải chờ Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể mới chính thức cho học sinh đăng ký. Chúng tôi hi vọng hướng dẫn này sẽ có trước ngày 10-4 để các địa phương bắt tay vào việc chuẩn bị cho kỳ thi” - ông Hoan nói. Cũng theo ông Hoan, còn quá nhiều vấn đề cần được Bộ GD-ĐT quy định cụ thể, như việc đăng ký chọn môn thi của học sinh có bắt buộc phải có chữ ký của cha mẹ học sinh không? Học sinh có quyền thay đổi nguyện vọng và có thể thay đổi mấy lần, vào thời điểm nào? Thời hạn đăng ký được kéo dài tới bao giờ, Bộ GD-ĐT chọn phương án tổ chức thi thế nào trong số bốn phương án đã trưng cầu ý kiến?... VĨNH HÀ |
Đa số học sinh Cần Thơ, Đà Lạt chọn lý và hóa Cần Thơ có 28 trường THPT và 11 trung tâm giáo dục thường xuyên với tổng số học sinh sẽ thi tốt nghiệp năm nay là 8.956 em. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ ở 28 trường THPT, trong số các môn tự chọn, vật lý là môn học sinh đăng ký nhiều nhất với 5.260 em, kế đến là môn hóa học (4.977 em), môn sinh học (2.406 em), sau sinh học là địa lý và tiếng Anh. Môn có ít thí sinh chọn nhất là môn sử, chỉ có 458 em đăng ký. Theo ghi nhận tại một số trường THPT trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày đầu tiên triển khai đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT, phần đông học sinh đăng ký tự chọn môn vật lý và hóa học. Tỉ lệ học sinh chọn các môn lịch sử và địa lý rất thấp. Trường THPT Thăng Long (TP Đà Lạt) có 298 học sinh, trong đó 199 học sinh đăng ký môn vật lý, 174 học sinh chọn môn hóa học. Chỉ có chín học sinh chọn môn lịch sử và 14 em chọn môn địa lý. Tương tự, Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng chỉ có bốn học sinh đăng ký môn thi lịch sử, trong khi có 349/421 học sinh đăng ký môn vật lý. M.TÂM - P.THÀNH |
Theo TuoiTre
(HBĐT) - “Khi cả tảng bê tông to như cái bát lộp bộp từ trên tường rơi xuống giữa lớp học chúng tôi biết là không thể cố thêm được nữa. Phải di chuyển ngay đến chỗ khác để đảm bảo an toàn, những phòng học đang nứt toác mà đổ ập xuống thì chẳng biết hậu quả sẽ ra sao”, cô giáo Bùi Thị Lựu, Hiệu Phó trường mầm non xã Tử Nê (Tân Lạc) chia sẻ.
(HBĐT) - Sáng 4/3, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá kết quả công tác tháng 2 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2014.
(HBĐT) - Ngày 2/3, Sở GD&ĐT đã tổ chức tổng kết và trao giải hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS năm 2014. Tham gia hội thi có 70 giáo viên đến từ phòng GD&ĐT 11 huyện, thành phố và 8 trường phổ thông DTNT THCS.
(HBĐT) - Ngày 25/2, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá công tác khuyến học giai đoạn 2011 – 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2014 – 2015. Dự hội nghị có đồng chí Trần Tình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể và đại diện Hội Khuyến học 11 huyện, thành phố.
(HBĐT) - Huyện Lạc Sơn hiện có 29 xã, thị trấn, trong đó, có 14 xã thuộc diện vùng khó khăn, vùng ĐBKK. Tại những xã khó khăn: có 43 trường, 123 chi điểm trường với 525 nhóm, lớp (11.124 học sinh). Để triển khai thực hiện chương trình "năm giáo dục vùng khó khăn" năm 2013 và 2014, ngành đã tham mưu cho UBND huyện thành lập BCĐ gồm 23 thành viên; giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành thành viên, tăng cường công tác nắm tình hình tại cơ sở. Qua đó giúp huyện thấy được những điểm yếu, hạn chế thực chất về giáo dục vùng khó khăn, đồng thời có các giải pháp thực hiện.
(HBĐT) - Sáng 24/2, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Chương trình học bổng Chính phủ Australia tại Việt Nam (ADS). Cùng tham gia có lãnh đạo Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân tộc.