Công tác dạy nghề góp phần quan trọng giúp xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
(HBĐT)- Hiện nay, trên toàn tỉnh có tới 40 cơ sở dạy nghề gồm 3 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề, 17 trung tâm và 19 cơ sở dạy nghề. Theo Sở LĐ-TB&XH, thông qua phát triển nguồn nhân lực, trong đó, tập trung cho công tác đào tạo dạy nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho CB,CC,VC và người lao động (NLĐ), chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã được nâng lên đáng kể. Từ năm 2012 đến nay, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 34.289 lao động. Với kết quả đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh hiện đạt trên 37,2%. Sau đào tạo nghề, đa số học viên có việc làm và thu nhập ổn định từ chính nghề được học, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu XĐ-GN, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác dạy nghề của tỉnh còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập, lĩnh vực dạy nghề phát triển khá rầm rộ và dàn trải. Không kể các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đa số các huyện, thành phố đều được xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm dạy nghề (TTDN). Không ít đoàn thể, tổ chức CT-XH cũng xây dựng TTDN và không ít đơn vị trực thuộc sở, ngành cũng được phân bổ kinh phí để phục vụ công tác dạy nghề... Nhưng việc triển khai dạy nghề cho NLĐ của tỉnh ta chưa đảm bảo tiến độ và chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề hệ cao đẳng, trung cấp nghề còn ở mức thấp, chiếm khoảng hơn 10%, trên 80% là dạy nghề sơ cấp và dưới 3 tháng. Mô hình liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với các cơ quan, cơ sở dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NLĐ và sự phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các trường THCS, THPT trong định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp...
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân của tình trạng đó là do quá trình triển khai thực hiện một số thành viên BCĐ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện chưa thực sự chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao. BCĐ (hoặc tổ công tác) ở một số xã hoạt động chưa hiệu quả. Việc thực hiện dự báo về việc làm, thu nhập của NLĐ sau khi học nghề không sát với thực tế. Nguồn kinh phí thực hiện công tác dạy nghề chủ yếu do T.ư cấp, việc giải ngân chậm ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức các lớp học so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Chưa cập nhật thường xuyên, chưa đánh giá chính xác tỷ lệ người có việc làm sau học nghề, số người học nghề thuộc hộ nghèo và số người sau khi học nghề đã thoát nghèo. Công tác định hướng chuyển dịch lực lượng lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp sang các nhóm ngành phi nông nghiệp không đạt mục tiêu 2%/năm. Bên cạnh đó, sự tự giác học nghề của NLĐ chưa cao. Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền về đào tạo nghề tới các tổ chức, đoàn thể và NLĐ.
Cùng với những nguyên nhân trên, đồng chí Xa Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho rằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị và việc lựa chọn đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các TTDN là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác dạy nghề. Theo Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi huyện cần được bố trí 1 biên chế chuyên trách về công tác quản lý dạy nghề thuộc Phòng LĐ-TB&XH nhưng đến nay mới có 5 huyện, thành phố bố trí được biên chế chuyên trách. Các TTDN công lập các huyện chưa được bố trí đủ giáo viên hữu cơ và đảm bảo chất lượng về cơ cấu ngành nghề. Nhiều giáo viên từ khi được tuyển dụng đến nay chưa được đứng lớp giảng dạy vì không có người đăng ký học như giáo viên điện công nghiệp ở TTDN Đà Bắc... những tồn tại, bấp cập đó rất cần sớm được quan tâm giải quyết.
Ông Bùi Văn Quân ở xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) giãi bày: “Được tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn, chúng tôi rất phấn khởi vì được trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt nhưng để ứng dụng vào thực tế gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn và khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó là nỗi lo về tiêu thụ sản phẩm vì sản phẩm làm ra hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nên rất bấp bênh. Ngoài ra, việc lựa chọn nghề, chương trình đào tạo ở các địa phương chưa phù hợp với nhu cầu người học và chưa theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ. Con em chúng tôi theo học các lớp may công nghiệp nhưng thiết bị dạy học của TTDN quá lạc hậu nên khi được tuyển vào làm ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh các DN phải tổ chức đào tạo lại rất mất thời gian và lãng phí tiền của”.
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2015 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45% và 65% vào năm 2020. Từ thực tế trên cho thấy, cùng với sớm tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, hạn chế, bất cập đã nêu, trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện tốt xã hội hóa công tác dạy nghề và đào tạo nhân lực. Sớm hoàn thiện bộ máy quản lý, cơ sở vật chất, giáo viên, giáo trình các TTDN. Chú trọng đa dạng các ngành nghề đào tạo phù hợp với từng địa phương và nhu cầu thực tế. Có chính sách phù hợp, thỏa đáng trong đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy nghề và quản lý dạy nghề. Tăng cường QLNN về dạy nghề, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích và xử lý nghiêm nhưng vi phạm trong lĩnh vực dạy nghề.
Đức Phượng
(HBĐT) - Tốt nghiệp trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật Tây Bắc năm 2002 với tấm bằng loại giỏi, cô giáo Bùi Thị Hiền về công tác tại một trường vùng sâu, xa của huyện Lạc Thuỷ. Sau 6 năm, cô chuyển về giảng dạy tại trường tiểu học Yên Bồng và gắn bó với công tác Đội tại trường từ đó đến nay.
(HBĐT) - Đồng chí Quách Đức Quỳ, Trưởng Ban đại diện Hội NCT huyện Kim Bôi cho biết: Hội NCT huyện Kim Bôi hiện có hơn 12.400 hội viên, sinh hoạt tại 212 chi hội, 287 tổ hội. Với uy tín và trách nhiệm của mình, NCT là một trong những lực lượng quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế và đặc biệt là vận động, bảo ban con cháu tích cực học tập. Để phát huy vai trò NCT, nhiều năm trở lại đây, Ban đại diện Hội NCT huyện Kim Bôi đã phát động các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào “Nêu gương sáng trong xây dựng con người mới, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Trong hai ngày 10 và 11-9, hơn 1.200 thí sinh dự thi vào các hệ đào tạo Tài năng, Tiên tiến, Chất lượng cao, Chuẩn quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ tham gia phương thức Đánh giá năng lực (ĐGNL).
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Địch Giáo (Tân Lạc) cho biết: Trên địa bàn xã có 3 trường học. Năm 2013, trường tiểu học Địch Giáo đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Các trường khác cũng đang tích cực phấn đấu theo các tiêu chuẩn của một trường chuẩn quốc gia.
(HBĐT) - Ngày 6/9, tại thành phố Hòa Bình, Bộ Công thương đã tổ chức chương trình tập huấn tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ phụ trách công tác thông tin tuyên truyền của các đơn vị thuộc Bộ.
(HBĐT) - UBND huyện Tân Lạc vừa tổ chức hội nghị tuyên dương các em học sinh trúng tuyển nguyện vọng I vào các trường Đại học năm 2014 và học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp năm học 2013 – 2014.