Học sinh vùng cao Lạc Sơn (các xã Tự Do, Ngọc Sơn, Ngọc Lâu), được quan tâm nhiều về các điều kiện học tập, chất lượng GD&ĐT ngày càng được cải thiện.
(HBĐT) - Trong số 29 xã, thị trấn, huyện Lạc Sơn có 14 xã thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn. Đời sống kinh tế của người dân còn gian khó, giao thông đi lại có những hạn chế nhất định đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển KT-XH nói chung, GD&ĐT nói riêng của huyện nhà. Vì thế, khi ngành GD&ĐT có chủ trương thực hiện “Năm giáo dục vùng khó khăn” (năm 2013 - 2014), huyện Lạc Sơn đã triển khai, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Đây cũng là một trong những nội dung ngành GD&ĐT huyện hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước.
Có sự đánh giá đúng về những mặt chưa cũng như nhận thức đúng đắn về vai trò của “cái chữ” trong bước phát triển hiện nay và lâu dài ở các xã vùng khó khăn, huyện đã thành lập BCĐ, tổ công tác nhằm tập hợp sức mạnh tổng hợp của các ngành, đoàn thể trong công tác này. Trong đó, Phòng GD&ĐT huyện đã làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch cùng các phần việc cụ thể để từng bước thực hiện. BCĐ huyện đã có nhiều hoạt động hướng tới các trường vùng khó khăn như tăng cường công tác chỉ đạo, nắm bắt thực tiễn thông qua các buổi làm việc, khai giảng, tổng kết năm học mới. Đã có 34 đoàn công tác trực tiếp đến với các trường nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ CB, GV vươn lên trong giảng dạy, học tập. Với sự vào cuộc chung đó, trong 2 năm 2013-2014, Lạc Sơn đã có sự quan tâm, đầu tư thiết thực cho các trường vùng khó khăn. Cụ thể đã tăng cường công tác chỉ đạo, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường. Trong 2 năm, huyện đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng, trong đó, xây dựng mới 8 Trung tâm học tập cộng đồng trên 20 tỷ đồng. Các tổ chức, đoàn thể và nhân dân đã đóng góp 4.000 ngày công dành cho tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp.
Bên cạnh đó, BCĐ, Phòng GD&ĐT huyện luôn quan tâm đến điều mấu chốt là làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn nhằm thu hẹp lại khoảng cách về chất lượng GD giữa nơi này với các trường vùng thuận lợi. Cũng vì thế, với sự tham mưu của phòng chức năng, UBND huyện đã ban hành quy chế điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, GV có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đến công tác vùng khó khăn. Trong 2 năm qua, đã có 142 CB quản lý, GV có kinh nghiệm, giáo viên dạy giỏi... tăng cường cho các trường. Đồng thời, huyện cũng chọn cử 52 cán bộ, GV thuộc vùng này đi học nâng chuẩn và vượt chuẩn. Ngành đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, giao lưu, trao đổi chuyên môn; 100% các đơn vị trường học vùng thuận lợi kết nghĩa với các trường vùng khó khăn. Đã có 200 buổi sinh hoạt chuyên đề ở các cấp học, ngành học. Trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các ngành, đoàn thể, MTTQ các cấp, tổ chức xã hội, nhà hảo tâm đã cùng chăm lo, thực hiện 3 đủ cho em học sinh dân tộc vùng thiểu số; số quà tặng trị giá trên 2 tỷ đồng. Với sự quan tâm, chăm lo đó đã thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt-học tốt”, phấn đấu trở thành CB quản lý giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp được duy trì thường xuyên, tỷ lệ đạt giải cao ngày càng nhiều. Có nhiều giáo viên vùng đặc biệt khó khăn đã phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đã có 1 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. 40/42 đơn vị trường đạt chuẩn văn hóa, 6 thư viện đạt chuẩn, xây dựng 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2015 này, huyện phấn đấu xây dựng thêm 2 trường chuẩn quốc gia tại các xã vùng khó khăn.
Bùi Huy
(HBĐT) - Năm học 2014-2015, trường THPT Công Nghiệp (TPHB) có 27 lớp, 71 giáo viên, nhân viên và 979 học sinh. Trường đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD &ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.
(HBĐT) - Ngành GD &ĐT huyện Lạc Sơn từng có giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia (giáo viên trường THCS Bình Hẻm). Hay nơi vùng cao xã Quý Hòa đã có học sinh đoạt giải HSG cấp tỉnh môn tiếng Anh. Năm học 2013-2014, thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng (THCS Tự Do), thuộc xã vùng cao đặc biệt khó khăn phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh... Nói điều đó để thấy rằng, nhiều năm qua, ngành GD &ĐT huyện Lạc Sơn luôn có các điển hình hay trong phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”.
(HBĐT) - Ban Biên tập Báo Hòa Bình vừa nhận được Công văn số 2473 của Sở GD &ĐT trả lời về việc kiểm tra, làm rõ công tác quản lý nguồn thu do nhân dân đóng góp đầu năm học 2014 - 2015 tại trường THPT Ngô Quyền. Nội dung chính như sau: Ban giám hiệu trường THPT Ngô Quyền chưa thực hiện đúng quy trình tổ chức triển khai các nguồn thu do nhân dân đóng góp đầu năm học 2014 - 2015, không báo cáo kịp thời các khoản thu như: tiền lao động, vệ sinh, lăn sơn và tiền hỗ trợ kỷ niệm ngày thành lập trường về Sở GD &ĐT. Không lập dự án thu, chi chi tiết các loại quỹ thỏa thuận, không được theo dõi, quản lý trên hồ sơ kế toán là chưa thực hiện đúng quy định của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
(HBĐT) - Giai đoạn 2009 – 2014, ghi dấu bước phát triển mạnh mẽ của phong trào GD - ĐT huyện Tân Lạc. Từ 76 đơn vị trường học, đến nay, toàn huyện đã có 80 trường với trên 20.000 học sinh, học viên, 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên ở các cấp học, ngành học, chiếm trên 95%, trong đó, 35% trên chuẩn và vượt chuẩn.
(HBĐT) - Để giúp mỗi cán bộ, giáo viên, người lao động luôn yên tâm, gắn bó với nghề, thời gian qua, ngành GD &ĐT đã kịp thời giải quyết các chế độ chính sách, việc làm, tiền lương thu nhập, nhà ở... cơ bản ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho viên chức, lao động. Đặc biệt, đối với cán bộ, giáo viên, lao động thuộc vùng sâu, xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của công đoàn cơ sở.
(HBĐT) - Hào Lý (Đà Bắc) chưa phải là xã phát triển mạnh về KT -XH nhưng nơi đây luôn có sự quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp GD &ĐT. Trước năm học 2014-2015, với những nỗ lực chung, xã đã xây dựng được 2 trường chuẩn quốc gia (trường tiểu học và THCS). Vì thế, khi trường MN Hào Lý có hướng phấn đấu xây dựng thành trường chuẩn quốc gia đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đáng kể từ nhiều phía.